Lê Lam
(tiếp theo)
Hay thật chứ, thế mà đã gần hai mươi năm, biết bao nhiêu đổi thay lớn lao trên thế giới và ở nước ta. Ba anh em chúng ta ở giữa Lêningrát lịch sử này đang đàm đạo... Cứ như chú Lê Lam đây, từ một cậu bé liên lạc sinh ra ở bến đò thôn Nhị, Nhị thôn... mà nay chú ấy đã trở thành họa sĩ, đi học Đại học Mỹ thuật ở Liên Xô... Sao có thể coi đó là một sự kiện nhỏ được... Chú kể cho nghe việc học tập ở Liên Xô của chú đi!
Đồng chí Trường Chinh thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2 pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô, Tết Nguyên đán Tân Hợi, 1971. |
Dạ, thưa anh, em cũng coi việc đi học Đại học Mỹ thuật ở Liên Xô là một sự kiện không nhỏ với em, với cuộc đời làm nghệ thuật cách mạng của em thì là một sự kiện rất lớn, cực lớn... Mới hôm qua thôi em đứng giữa một phòng tranh rất lớn của Bảo tàng Êrơmitát - Bảo tàng Mỹ thuật vào hàng lớn nhất của thế giới - và cũng là cung điện lộng lẫy nguy nga của Sa Hoàng - phòng tranh ấy là của họa sĩ bậc thầy vĩ đại Pôn Ruben (Paul Rubêns) – người Hà Lan thế kỷ XVII. Bốn mặt tường đều kín tranh của ông, nhiều bức lớn lắm. Đây là một họa sĩ mà em đã mến mộ từ khi em vào học Trường Mỹ thuật của ta ở Việt Bắc năm 1950 - họa sĩ Tô Ngọc Vân là hiệu trưởng và trực tiếp dạy dỗ. Thật là vĩ đại và kỳ diệu về tài năng sáng tạo của con người. Em đi xem rất kỹ, kỹ đến mức tay em cầm cả kính lúp, vì không chỉ thưởng thức cái đẹp của các bậc thầy mà phải học, phải phát hiện và khám phá những bí quyết của các bậc thầy. Em đã rơi nước mắt khóc vì sung sướng, vì diễm phúc được thưởng thức các tác phẩm gốc của các bậc thầy lừng danh thế giới như Lêôna đờ Vanhxi, M.A.Raphaen, Đờlacroi, Mônê, Rơnoa, Gôguyn, Van Gốc, Picátxô... và nhiều lắm, nhiều vô vàn, thưa anh...
Như được truyền cái say sưa cao hứng của tôi, anh Trường Chinh cười rất tươi, mắt sáng long lanh. Rồi anh hỏi tôi ngay:
Nhân chú nói đến Picátxô, tôi muốn hỏi ý kiến chú đánh giá về Picátxô thế nào?
Picátxô được thế giới hiện nay đánh giá rất cao, hầu như ít ai được đánh giá cao như vậy. Em cho thế đúng là công bằng, vì ông ấy đem tài năng, trí tuệ của mình cống hiến cho cuộc sống của con người hiện đại. Bức tranh Guernica và Chiến tranh và hòa bình là thái độ của Picátxô ghê tởm với chủ nghĩa phát xít, chống lại chiến tranh, bảo vệ hòa bình và cuộc sống cho nhân loại. Những con chim hòa bình của Picátxô không chỉ giúp cho con người biết yêu hòa bình mà phải chiến đấu để bảo vệ hòa bình. Hòa bình đang bị đe dọa ở nhiều nơi trên thế giới đặc biệt là ở Việt Nam. Picátxô đã có những tuyên bố rất hùng hồn ủng hộ và ca ngợi dân tộc Việt Nam anh hùng, dũng cảm đang chống lại tên đế quốc lớn nhất, tàn ác nhất trong lịch sử loài người… Là một họa sĩ Việt Nam, em thấy rất sôi sục và được khích lệ bởi con đường nghệ thuật và lý tưởng thẩm mỹ của một nghệ sĩ chân chính. Em đã được xem hàng chục bức tranh nguyên bản của Picátxô. Điều mà em phục nhất là sự "thiên biến vạn hóa" ở trong các tác phẩm. Đời luôn luôn là sự kiếm tìm, chẳng bao giờ dừng lại thỏa mãn. Ông là một bậc thầy hiện thực nhưng cũng là tổ sư của các trường phái lập thể, siêu thực và trừu tượng... Tranh của Picátxô rất nhiều, có những bức em rất thích nhưng cũng có những bức em không thích. Nhưng cái mà em và nhiều họa sĩ thích thú nhất là Picátxô thiên biến vạn hóa trong cách diễn đạt ý tưởng rung cảm của mình, chẳng cái nào giống cái nào, tự do thoải mái đến tột độ.
Xin hỏi hình như chú sắp tốt nghiệp, về nước chú định làm việc thế nào?
Cách đây ba năm, khi em tới Kiép (Ucraina) họa sĩ A.A.Pasencô, nghệ sĩ nhân dân Ucraina, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Quốc gia Kiép, Liên Xô đã nói trước đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô và các lưu học sinh Việt Nam học tại Trường Đại học Mỹ thuật Quốc gia Kiép rằng: Đào tạo các sinh viên Việt Nam trở thành những học sinh cao cấp, chân chính là một vinh dự và trách nhiệm nặng nề của chúng tôi. Vinh dự vì đây là con em của dân tộc Việt Nam đang trên tuyến đầu đối mặt với đế quốc Mỹ, một dân tộc có truyền thống chống ngoại xâm, đất nước của Hồ Chí Minh, người bạn lớn của nhân dân Liên Xô. Dân tộc Việt Nam có truyền thống nghệ thuật lâu đời mà dịp Triển lãm Mỹ thuật 12 nước xã hội chủ nghĩa chúng tôi đã được xem. Đặc biệt, chúng tôi - các họa sĩ Liên Xô - rất khâm phục nghệ thuật sơn mài Việt Nam. Nghệ thuật của các đồng chí gắn với cuộc sống, cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, và còn đẹp nữa. Sơn mài của Việt Nam là niềm tự hào của các đồng chí. Cho nên chúng tôi nghĩ rằng nhiệm vụ của chúng tôi là giúp các đồng chí Việt Nam nắm vững các vấn đề cơ bản của nghề nghiệp, khi đã vững rồi thì các đồng chí sẽ sáng tác các tác phẩm nghệ thuật theo truyền thống và phong cách Việt Nam.
Một họa sĩ lão thành của Trường Đại học Mỹ thuật Quốc gia Kiép dạy chúng tôi về nghệ thuật đồ họa, rất yêu quý các sinh viên Việt Nam. Ông đã nói với chúng tôi rằng: Chúc các em sinh viên Việt Nam học tập thật tốt để trở về Tổ quốc Việt Nam, mà Tổ quốc Việt Nam vẫn còn một nửa phải sống dưới ách chiếm đóng dã man của kẻ thù xâm lược còn tàn bạo, dã man hơn cả phát xít Hítle.
Thưa anh, còn một năm nữa em sẽ về nước. Em đã nghĩ em sẽ phải làm gì, làm như thế nào. Hiện em đang làm một loạt phác thảo cho một tập tranh đồ họa về miền Nam theo quyển sách "Từ tuyến đầu Tổ quốc" mà em được đọc, có rất nhiều hình tượng xúc động lắm. Và... cũng có thể, để có tư liệu thực tế, có thể em sẽ xin vào Nam một chuyến để mắt thấy tai nghe, tận mắt nhìn thấy chứ không phải tưởng tượng nữa...
Lúc chia tay với anh Trường Chinh, anh bắt tay rất chặt, tiếng nói ấm như chuông: Chúc các họa sĩ thành công. Mắt chúng tôi như không muốn rời khỏi khuôn mặt đẹp như hoa của anh lúc bấy giờ.
Ra khỏi nhà, đi trên đường phố Lêningrát, lúc đó chỉ còn rất ít người, chúng tôi đi dạo một vòng trên bờ sông Nêva đêm trắng, anh Nguyễn Văn Mươi còn nhắc lại: Khuôn mặt cụ ấy đẹp quá trời! Đúng là đẹp như hoa Lê Lam ơi!
Đêm ấy chúng tôi còn đi dạo và nói với nhau bao điều về nghệ thuật thế giới, về tình hình trong nước và miền Nam. Buổi gặp gỡ với anh Trường Chinh hôm ấy đối với tôi sẽ không bao giờ quên được.
Sông Nêva bạc trắng long lanh, tượng Sphinx đổ bóng im lìm trước Viện Hàn lâm Mỹ thuật Nga mang tên Rêpin trong đêm trắng.
(còn nữa)