Lê Lam
(tiếp theo)
Năm 1963 - Cuộc gặp lần thứ ba
Lêningrát mùa Hè. Những đêm trắng mơ màng, Bảo tàng Mỹ thuật Nga, Viện Hàn lâm Mỹ thuật Nga mang tên Rêpin có tượng Nhân sư của Ai Cập cổ đại bên bờ sông Nêva thơ mộng. Bảo tàng Mỹ thuật Êrơmitát nổi tiếng thế giới, Cung điện Mùa Đông - nơi nổ ra Cách mạng Tháng Mười vĩ đại. Hai mươi ngày lưu lại Lêningrát là hai mươi ngày tôi được tận mắt thấy những điều kỳ diệu của lịch sử mỹ thuật nhân loại, với những tác phẩm - kiệt tác của các bậc thầy thế giới. Tôi như được tiếp thêm những sức mạnh diệu kỳ đầy rung cảm và ấn tượng. Và cũng thật may mắn và vinh dự, tôi và anh Nguyễn Văn Mươi lại được bác Trường Chinh tiếp và đàm đạo nhiều chuyện lý thú cả một buổi tối.
Đồng chí Trường Chinh thăm Trại hè Cháu ngoan Bác Hồ ở Hà Nội, tháng 6-1986. |
Những giây phút đầu tiên bác ngờ ngợ:
Chú Lê Lam sao trông quen quá.
Dạ thưa anh, em là Lẫm ở 51 Hàng Bồ.
À, phải rồi, cậu liên lạc của Trung ương Đảng ở An toàn khu Đông Anh - chợ Bỏi, hồi ấy...
Vâng hồi ấy em 14 tuổi, bây giờ em đã 32, em đã là họa sĩ có bút danh là Lê Lam, hiện em đang theo học Đại học Mỹ thuật Kiép - Liên Xô. Em được nhà trường cho đi nghiên cứu trực tiếp các tác phẩm mỹ thuật thế giới cổ kim, Đông - Tây, Âu - Á...
Mắt anh sáng ngời tươi cười quay sang anh Nguyễn Văn Mươi:
Một chú bé con nhà nông dân đi làm cách mạng từ khi 14 tuổi, nay đã trở thành họa sĩ, được xem, được nhìn tận mắt các tác phẩm của hàng nghìn, hàng vạn tác giả tên tuổi của thế giới... Lớn lắm chứ, sự kiện lớn đấy... Cách mạng đã nâng cao con người lên... Tôi đã được xem tác phẩm được giải thưởng của chú: "Từng giờ từng phút hướng về miền Bắc" của Lê Lam... Tôi cứ tưởng tác giả này là người miền Nam... Đôi mắt bà mẹ bồng con rất sống động, tốt đấy...
Anh Mươi mời bác Trường Chinh xem qua luận án Phó tiến sĩ của anh: Mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Khi xem đến ảnh chụp tranh "Nhìn con" của tôi, anh nhận xét ngay: Rất Bắc, tức là rất đúng miền Bắc! Chú Lê Lam vẽ tranh này chỉ có cái sân, cái cánh đồng ở xa, người mẹ với đứa con, con bò, đàn gà mẹ con...Không có nhà, nhưng người xem vẫn cảm thấy có nhà, đầm ấm yên vui... Mặt người mẹ nhìn con đẹp quá... Chú hình như có biệt tài vẽ mắt đấy, chú nên đi sâu về chân dung.
Anh Mươi tiếp lời luôn: Vâng thưa anh nhận xét rất đúng. Trong giới mỹ thuật chúng tôi cũng có nhận xét về con mắt có thần của Lê Lam, cái đó ở trong nghề không dễ đâu ạ!
Buổi gặp gỡ thật thân tình chỉ có ba người, tự do, thoải mái đầy tình nghĩa. Anh Trường Chinh gọi người đem nước và hoa quả lên. Trông thấy món dưa vỏ màu vàng, tôi bảo ngay: Chắc là giống dưa hồng ở Việt Nam, vùng Vân Trì - Vân Nội - Đông Anh - An toàn khu của Trung ương Đảng mà anh đã sống và làm việc hồi trước Cách mạng Tháng Tám. Anh Nguyễn Văn Mươi nói ngay:
Không phải đâu, Lê Lam ơi! Ông lầm rồi, thứ dưa này tiếng Nga gọi là Đưnhia, rất ngọt, rất thơm. Lúc đầu tôi cũng lầm như ông đấy...
Tôi ăn dưa Đưnhia và khen nức nở vị thơm và ngọt mà tôi chưa từng gặp ở thứ hoa quả nào khác. Nhân nhắc đến dưa hồng Vân Trì - Vân Nội và An toàn khu Đông Anh của Trung ương Đảng, anh Trường Chinh lại nhắc và kể cho chúng tôi nghe về thời sống và làm việc ở Đông Anh:
Từ những năm 1935 - 1936 chúng tôi đã gây dựng cơ sở của Đảng ở vùng này. Vì địa thế của nó rất trọng yếu - giáp Hà Nội, một trung tâm chiến lược chỉ cách có một con sông Hồng. Bộ máy thống trị của Pháp, Nhật, chính phủ Nam triều khá lỏng lẻo. Mỗi làng chỉ có một lý trưởng, một trương tuần. Toàn bộ khu vực Đông Anh không có một đồn binh. Nhân dân tốt, có truyền thống yêu nước chống xâm lược, vùng đất của Hai Bà Trưng, An Dương Vương ngày xưa. Các làng Võng La, Hải Bối, Phương Trạch, Ngọc Giang, dưới gốc gạo Ba đê là Dâu Canh... ở trong đồng là Vân Trì - Vân Nội, báo Cờ Giải Phóng của Đảng được bí mật in ở đó, trong một căn buồng... Qua quốc lộ 3 là Cổ Loa, Dục Tú... Các anh Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ, tôi và nhiều đồng chí khác đều làm việc, qua lại vùng này. Đặc biệt quê chú Lam này có một chi bộ gồm những thanh niên lái đò của bến đò thôn Nhị rất nhiệt tình hăng hái, cho nên chúng tôi có thể đi sang Hà Nội bất kể giờ giấc, ngày đêm. Các anh em này còn chuyên chở nhiều súng đạn, tài liệu, giấy in, chữ in... về nơi an toàn rất chu đáo. Chợ Bỏi ở phía dưới - cũng là quê chú Lam - có cụ Tấc, và quán cơm cụ Tấc. Chính đấy là trạm liên lạc đón tiếp của Trung ương. Chúng tôi gặp nhau ở đó, ăn cơm ở đó, ngủ tại nhà cụ ở trong xóm, trong một cái buồng kín đáo. Chúng tôi thường đóng vai đi buôn, anh buôn thuốc lào, anh buôn lợn, chị buôn, gà, vịt, ... Bà cụ Thành ở Dốc Lã cũng có một quán cơm, là cơ sở rất tốt của Trung ương. Có thời kỳ giặc khủng bố rất gắt gao, cụ phải bỏ đi một thời gian dài về Hải Bối, năm, sáu tháng sau mới trở lại. Thời gian đầu, các cụ không biết hoạt động của chúng tôi vì chúng tôi giữ bí mật rất giỏi, nhưng rồi các cụ đều biết cả, các cụ tự đoán ra... Các cụ đều là những ân nhân của cách mạng. Cụ Thành được Huyện ủy Đông Anh nuôi dưỡng, cụ Tấc đã mất, thỉnh thoảng tôi có về thăm gia đình cụ, các ngày lễ lớn vẫn mời các cụ hoặc các thân nhân con cháu về Thủ đô gặp gỡ...
(còn nữa)