Những lần gặp anh Trường Chinh (kỳ 2)

07:08, 22/08/2019

Lê Lam

(tiếp theo)

Tôi không còn nghi ngờ gì nữa mà hoàn toàn tin rằng người này cũng là cán bộ của ta thôi.

Một lát sau anh Cư tới. Người đàn ông lạ mặt bước tới gặp anh Cư, hai người đứng nói chuyện. Tôi vẫn đứng bên gốc cây xanh nhìn hai người nói chuyện, trong lòng rất vui vì những điều dự đoán của mình là hoàn toàn đúng.

Rồi anh Cư ra gặp tôi nhận thư của tôi đưa.

Ba người cùng đi về phía thôn Nhị.

Anh Cư đi trước, người đàn ông lạ mặt đi sau, tôi đi sau cùng.

Hai người vẫn nói chuyện gì đó mà tôi không rõ, còn tôi đi sau tha hồ ngắm ngàn dâu xanh ngắt một màu đang uốn lượn nhẹ nhàng như những con sóng, vài con chim chèo bẻo bay vút lên trời cao. Tiếng chim gáy cúc cu ròn rã ở một bãi cỏ, mây trắng trôi bồng bềnh êm ả.

Bỗng người đàn ông lạ mặt lùi chậm lại với tôi rồi anh nói:

Vừa rồi em lộ bí mật đấy.

Sao anh bảo là lộ bí mật? Vì anh là cán bộ, là người của ta, anh biết những chuyện đó thì có gì là hại, anh đâu phải là mật thám Nhật. Bọn ấy ăn mặc khác chứ!

Nhưng bọn mật thám Nhật chúng nó cũng ăn mặc như anh thì sao?

Vâng cũng có thể nhưng... nhưng... nhưng mà làm sao nó biết hát những bài anh vừa hát mà em cũng biết.

Thì mật thám Nhật nó cũng tập hát và biết hát những bài hát anh em mình biết thì sao?

Tôi đành im lặng, ấm ức nhưng không còn nói được gì thêm.

Mãi đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tôi mới hỏi anh Cư về người đàn ông lạ mặt đó. Anh Cư bảo: đó là anh Nhân đấy!

Năm 1946 - Cuộc gặp lần thứ hai

Tháng Ba còn có những trận gió bắc lạnh run ngươi. Tôi từ phía Bến Nứa đi qua dốc Hàng Than qua Hàng Giấy, Hàng Đường, Hàng Ngang quặt về Hàng Bồ. Người chết đói vẫn còn rải rác bên đường. Ngã tư Hàng Bồ, Hàng Quạt, Hàng Cân vẫn là những ụ bao cát bọn lính Tàu vẫn cầm lưỡi lê đứng gác, mũ sắt, áo xanh xám như những pho tượng im lặng giữa phố xá Việt Nam. Kẻ đi người lại, xe tay, xe đạp ồn ào của một buổi sớm mùa đông.

Bước chân vào nhà 51 Hàng Bồ - lúc ấy chúng tôi thường gọi là "Nhà in Lao động", tôi thấy rất đông người đứng ở trong sân, trên thang gác và lan can của tầng hai. Tôi chạy vụt vào phía trong nhà ăn. Anh Sĩ, anh Xuân đang nấu cơm canh nhiều hơn mọi khi, gạo rau để ngổn ngang. Tôi vào căn phòng nhỏ của hai anh trút bỏ bộ quần áo dạ đen rồi rút khẩu súng côn 12 còn xanh thép đặt vào dưới bộ quần áo. Anh Xuân tươi cười nói với tôi:

Anh Cư đang tìm Lẫm đấy, anh hỏi Lẫm đã về chưa?

Em vừa về, có lẽ hơi chậm một tí vì về gần tới chỗ ngã tư nhà mình thấy bọn Tàu Tưởng toàn lính mới. Thằng nào cũng cao to, ăn mặc oai vệ, mặt lạnh như tiền. Hôm nay, em đóng bộ dạ đen các anh vừa mang cho, ai cũng bảo trông thằng này có vẻ người lớn quá. Thế mà lúc ấy em lại giắt khẩu "Côn đui" ở cạp quần anh Cư giao cho... Em cũng sợ chứ, vô phúc nó tóm được thì nguy to. Vì vậy em lại phải vòng qua Hàng Đào, Hàng Hòm, Hàng Thiếc... Em đi tìm anh Cư ngay đây!

Sân bên ngoài của nhà 51 Hàng Bồ rất đông vui. Từng nhóm các anh các chị quây quần nói chuyện. Có các anh cũ như: Trần Danh Tuyên, Lê Đức Thọ, Trần Quốc Hoàn, Trần Quang Huy (Khôi Kính), Nguyễn Văn Trân, anh Trần Bảo (Bảo toét); các chị Hoàng Ngân, Lê Thu Trà, Lê Minh (chị Chi), chị Tín (sau gọi là chị Trinh - vợ anh Nguyễn Lương Bằng), chị Thái, chị Tiếp và nhiều anh chị mà tôi chưa biết, còn rất lạ. Về sau tôi mới biết là có cả anh Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng,... nhưng anh Cư thì không thấy... Cuối cùng, tôi xin vào một căn phòng nhỏ tầng hai ở trong cùng, thấy anh Cư đang bàn việc với năm, sáu anh tự vệ chiến đấu, mặc đồng phục rất oai và rất đẹp trai. Anh nào cũng cao lớn, ca lô đội lệch đeo huy hiệu Tự vệ chiến đấu. Nhìn thấy tôi, anh Cư ngừng ngay công việc và đứng dậy ra cửa gặp tôi:

Anh đang tìm Lẫm đây, có việc cần em đấy. Lên gác ba với anh... Anh Đỗ Tần có gặp em không?

Anh Tần gặp em từ sáng sớm. Anh Tần bảo em nói với anh rằng: Anh em ở Hàng Đậu và Nhà máy Nam Thắng đã sẵn sàng từ đêm qua rồi. Thường xuyên túc trực...

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com