Anh Trường Chinh như tôi được biết (kỳ 5)

06:08, 20/08/2019

Phan Kế An

(tiếp theo)

Một sự kiện cực kỳ quan trọng đối với tôi trong thời gian ở gần anh Trường Chinh là một hôm vào quý IV năm 1948, anh nhắn tôi đến và bảo: "Ngày mai anh đến chỗ Cụ (danh từ chỉ Bác Hồ lúc đó), anh ở đấy và vẽ Cụ. Anh ở bao lâu là tuỳ anh. Anh có thể vẽ Cụ ở mọi tư thế, bằng mọi chất liệu mà anh có, nhưng thế nào cũng có một bức thích hợp để in trên số báo tới. Tôi đã trao đổi với Cụ rồi, và đã báo là mai anh đến". Anh còn chỉ cặn kẽ cho tôi lối đi đến trạm liên lạc của Bác Hồ. Tôi về toà soạn ở gần đấy, gặp anh chị em báo tin đó. Anh Xuân Trường cũng biết việc này, đã nói với cậu giám mã chuẩn bị cho tôi con ngựa quen thuộc. Tôi chỉ còn thu xếp mang theo chiếc ba lô đựng chăn màn, quần áo, đồ dùng thường ngày và giấy vẽ các khổ, cặp vẽ và vật liệu nghề nghiệp gọn nhẹ. Thế là hôm sau tôi lên ngựa theo đường mòn lên Đèo Gie. Đến trạm liên lạc, tôi gặp đồng chí phụ trách là người quen từ hồi anh ấy làm ở "Công tác đội" cơ quan Trung ương Đảng, được anh báo ngay vào trong. Gửi ngựa ở trạm, tôi đi bộ một mình trên đường mòn theo lời chỉ dẫn của anh đến chỗ Bác chỉ cách đấy khoảng 300m. Đi được nửa đường, tôi đã thấy Bác mặc bộ đồ nâu, một mình ra đón tôi, bắt tay, ôm lấy vai tôi, thân mật hỏi thăm chuyện đi đường và sức khoẻ của tôi. Tôi vô cùng cảm động vì khi ấy mình mới là một thanh niên 25 tuổi đến công tác với Bác mà được Bác đối xử trân trọng và thân tình đến vậy, điều mà tôi chưa từng thấy khi tiếp xúc với các lãnh tụ khác. Vừa đi vừa hỏi chuyện, Bác dẫn tôi đến một cái lán to bằng tre nứa lá nằm dưới tán những cây cổ thụ. Bác cho tôi biết đây là chỗ ở và làm việc của cán bộ và nhân viên. Bác giới thiệu tôi với các anh Kỳ, Kháng, Chiến, chị Mai và các đồng chí khác ở Văn phòng, nhà bếp, tiếp tế, cảnh vệ, giao thông... Tôi cất ba lô lên chiếc chiếu được đồng chí Kháng chỉ cho trên một chiếc giường dài tập thể bằng nứa đan, rồi cùng Bác men theo một dốc nhỏ lên một mỏm đồi cao hơn, ngay gần đấy. Dọc lối đi là các bụi nứa, có nhiều cây đã được chặt, để lại những gốc nhọn hoắt, đến nhà sàn của Bác. Nói là nhà sàn cũng đúng vì lán này bằng tranh tre nứa lá nhưng cao hơn mặt đất chừng non một mét, có các cột tre chống đỡ, một cầu thang dăm bậc dẫn lên. Lán có một gian chính, rộng chỉ trải vừa 2 chiếc chiếu cá nhân và một ngách có một bàn ghế tre, trên có chiếc máy chữ nhỏ, một chồng giấy, một chiếc quạt nan, một hộp thuốc lá "Craven A". Trên cột treo một phích nước, một khăn mặt vắt trên dây, dưới sàn một sọt đựng giấy bằng nứa, trên cao một giá dài bằng nứa cả cây để vài bộ quần áo xếp gọn ghẽ và ít sách, giấy má. Chỗ ở của Bác chỉ có vậy.

Mời tôi ngồi xuống sàn ở gian chính, Bác hỏi chuyện cơ quan tôi, chuyện anh Trường Chinh và các anh khác, chuyện gia đình bố mẹ tôi, chuyện vẽ của tôi rồi bảo: "An ở đây với mình, ở bao lâu tuỳ ý và tuỳ công tác của An, mình làm việc của mình, An cứ làm việc theo ngẫu hứng của An. Mình làm việc khi chỗ này, khi chỗ nọ quanh đây, An cứ tự nhiên theo mình mà vẽ. Bây giờ An có thể xuống chỗ anh Kỳ và các anh em khác nghỉ ngơi, muốn tắm rửa thì xuống suối gần đây, chiều ăn cơm với mình".

Đến chiều anh Chiến dẫn tôi đến một cái bàn vuông ở ngoài trời gần nhà, cũng bằng tre nứa, trồng thẳng xuống đất dưới tán cây, trên là bữa cơm giản dị. Bác đã đứng đấy chờ tôi. Cùng ngồi vào bàn chỉ có hai bác cháu. Thế là từ hôm ấy tôi được ngồi ăn cơm với Bác, có hôm có chị Mai, có hôm có khách đến gặp Bác cũng cùng ngồi. Hàng ngày tôi theo Bác, khi vẽ Bác đánh máy, khi Bác cầm tài liệu và báo chí ra ngồi trên một hòn đá ngoài trời làm việc, có khi Bác tiếp cán bộ đến báo cáo hoặc trao đổi công việc cũng ở đấy. Bác thường di chuyển chỗ làm việc luôn trong ngày, tôi cứ theo vẽ Bác ở các tư thế tự nhiên, không làm phiền Bác phải ngồi yên làm mẫu, chỉ cố nắm bắt được "cái thần" của Bác và phải vẽ cho thật nhanh, chỉ với bút chì, chì than hay mực nho trên giấy. Buổi chiều trước bữa cơm Bác thường tham gia đánh bóng chuyền trên một miếng sân nhỏ cùng với anh chị em trong cơ quan. Rất nhiều chuyện cảm động trong suốt thời gian hơn hai tuần lễ tôi được ở gần Bác, tôi không bao giờ quên được, mà tôi không thể kể hết trong phạm vi bài này. Dù sao tôi cũng không thể không nói đến ở đây, trong các bữa cơm xong, ngồi uống chè tươi với Bác, tôi thường được nghe Bác nói về Truyện Kiều, về Chinh Phụ Ngâm, đọc và bàn giải cho tôi nghe những câu, đoạn, chữ mà Bác tâm đắc, hoặc kể lại nhiều chuyện khi Bác bôn ba ở các nước ngày trước, hay chuyện về mỹ thuật, hội hoạ, về các hoạ sĩ mà Bác quen biết...

Tôi được ở với Bác và vẽ Bác đã hơn hai tuần lễ, vẽ được trên 20 bức tốc hoạ và một bức thâm hoạ. Tôi nghĩ đến số báo Sự Thật tới cần có tranh chân dung Bác như anh Trường Chinh đã dặn nên tôi xin về cơ quan. Bác bảo tôi treo tất cả tranh đã vẽ lên tấm liếp ở nhà tập thể và mời tất cả anh chị em trong cơ quan đến xem. Thế là một cuộc triển lãm rồi. Cuối cùng Bác chỉ vào một bức ký hoạ vẽ đơn sơ mấy nét bằng bút sắt mực đen và nói: "Nếu in báo thì nên lấy bức này, vẽ giản dị và có tinh thần".

Trước khi tôi tạm biệt Bác và anh chị em trong cơ quan để ra về, Bác còn đưa cho tôi một ống nứa có nắp đậy và niêm phong, dặn đem về đưa cho anh Trường Chinh. Bác còn ân cần đi tiễn tôi một đoạn đường mòn, bắt tay, ôm chặt vai tôi, rồi để tôi đi. Đi mấy bước, tôi quay mặt lại vẫn còn thấy Bác đứng đấy vẫy tay tạm biệt.

Tôi về, gặp anh Trường Chinh, đưa anh xem các tranh đã vẽ Bác và bức tranh do chính Bác đã chọn để in trên báo, và anh tỏ ý rất hài lòng về công việc của tôi, anh dặn là cần được khắc cho thật chính xác và in thành phụ bản nguyên khổ đóng ngay tiếp trang bìa.

Trước khi được ở với Bác một thời gian năm 1948, tôi cũng chỉ biết và hiểu Bác sơ lược, nhưng từ những ngày ít ỏi ấy tôi được hiểu Bác sâu sắc hơn, tôi nhận thức được nhân cách cao đẹp của Bác một cách thấm thía trực tiếp, và lúc nào tưởng nhớ đến ông Cụ trong bộ quần áo nâu giản dị, nhanh nhẹn trên đường mòn tiễn tôi một đoạn đường, tôi lại bồi hồi, xúc động tận đáy lòng. Tôi vô cùng cảm ơn Bác, cảm ơn anh Trường Chinh và số phận đã cho tôi được có hạnh phúc dường ấy.

*

Bây giờ anh Trường Chinh đã đi xa. Hồi tưởng lại con người anh, tôi thấy phải công bằng mà nhận định, không chỉ có ca ngợi một chiều mà không suy nghĩ sâu xa.

Anh là một người có tài năng lớn, có đạo đức lớn, là một lãnh tụ đáng kính, đã có công lớn trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc trong suốt một đời dài đấu tranh cho lý tưởng cách mạng. Dù sao, anh cũng là một con người, không phải là thánh, mà đã là con người, dù là một con người siêu việt cũng có những ưu điểm và khuyết điểm, có thành công nhưng cũng có thất bại, có nhiều chủ trương và việc làm đúng nhưng cũng không tránh khỏi có một số khuyết điểm sai lầm, nhất là ở cương vị cao, quyết định nhiều việc quan trọng trong nhiều hoàn cảnh vô cùng khó khăn của đất nước.

Tuy vậy, nhìn xuyên suốt cuộc đời và sự nghiệp của anh, nhất là vào những năm cuối đời, anh đã có nhiều đóng góp rất quan trọng trong việc đề ra chủ trương đổi mới, cân nhắc cho kỹ, tôi thấy anh chủ yếu là một con người có đạo đức lớn, có khả năng lãnh đạo lớn, có công lớn trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam ta./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com