Phan Kế An
(tiếp theo)
Thế là chiều hôm đó, tôi phóng ngựa đi xuyên rừng, lạc đường mấy lần, đến 3 giờ sáng mới tới nơi. Trong nhà sàn chị Phú vẫn chong đèn ngồi cạnh cháu bé chờ bác sĩ. Nghe tiếng ngựa dừng trước nhà, chị chạy vội xuống đón. Dưới ánh cây đèn bão, tôi kịp nhận ra nét mặt chị nửa mừng rỡ, nửa sững lại khi thấy "khách không mời". Lên nhà, đến cạnh cháu, với sự hiểu biết có hạn, với phương tiện hết sức nghèo nàn, tôi khám kỹ cho cháu. Sau khi đã loại trừ được các bệnh khác, tin chắc "lục phủ ngũ tạng" của cháu không có vấn đề gì, các triệu chứng rõ ràng lúc này chỉ là sốt rét ác tính đối với trẻ nhỏ. Tôi lấy một ống quinoíbrme ra tiêm từng giọt một vào tĩnh mạch cho cháu trong suốt 2 giờ đồng hồ, vừa tiêm vừa theo dõi thể trạng (trong kháng chiến hồi ấy, việc tiêm quinine chậm vào tĩnh mạch còn trong chỉ định). Thêm vài mũi tiêm hạ nhiệt nhẹ và trợ lực. Đến trưa cháu đỡ sốt hơn và hết co giật. Đến chiều thì cháu đã tỉnh, đòi ăn uống. Cùng lúc ấy thì anh Khoa về. Tôi còn ở lại với cháu hai ngày nữa mới về cơ quan. Thế là phúc chủ lộc thầy rồi.
Tôi báo cáo kết quả công việc với đồng chí Trường Chinh, cũng nói với anh rằng tôi không kể ra với chị Phú việc tôi được đọc thư của chị mà chỉ là vì hoàn cảnh mà anh cử tôi đi mà thôi. Anh Trường Chinh bắt chặt tay tôi, ôm lấy tôi và nói: "Anh đã làm được một việc xứng đáng".
Tôi có làm được việc ấy cũng chính là do anh Trường Chinh đã tin tôi, cho tôi đọc thư, để tôi tự cân nhắc và quyết định theo lương tâm mình. Chính anh đã giúp tôi vượt qua được lòng tự ái thường tình và sự lo lắng cá nhân về thất bại rất có thể xảy ra, mà đây không phải là lần duy nhất, chính anh sau này đã nhiều lần cử tôi đi cấp cứu như vậy, kể cả một trường hợp cấp cứu khẩn cấp một cán bộ cao cấp và tôi cũng đã hoàn thành nhiệm vụ khó khăn và tế nhị mà anh giao cho.
*
Được sống và làm việc gần anh Trường Chinh, tôi thấy anh là một người có tính thận trọng đặc biệt trong bất cứ chuyện to hay nhỏ. Có lần trời nắng, tôi phải đi công tác, anh hỏi tôi đã mang áo mưa chưa, tôi đáp chưa thì anh bảo: "Thời tiết lúc này thay đổi bất kỳ, lúc trời quang cũng phải nghĩ đến khi mưa bất chợt, anh nên mang theo áo mưa đi". Chính vì lời khuyên này mà tôi đã tránh bị ướt nhiều lần. Tính thận trọng của anh thể hiện rất rõ trong việc viết bài, viết báo.
Một buổi chiều ở Bản Bắc, trong rừng Định Hoá, tôi chuẩn bị đi đến nhà in theo dõi số báo tới, trong đó có tranh bìa là một biếm hoạ của tôi cần phải làm bản khắc. Tôi còn phải đến lấy bài xã luận của anh Trường Chinh nữa (lúc ấy bí danh là Nhân). Chỗ tôi ở và làm việc chỉ cách nhà anh chừng hai chục mét. Tôi khoác ba lô lên vai, còn buộc thêm dây ba lô ngang bụng để đi ngựa khỏi bị va đập vào lưng. Từ đây đến cơ quan ấn loát đi ngựa cũng gần một ngày đường, mà lúc này đã gần trưa. Tôi sang nhà anh đã thấy anh từ trên cầu thang nhà sàn bước xuống, tay cầm mấy tờ giấy và một ống nứa. Lúc ấy cậu giám mã là một em mới chừng 14, 15 tuổi dắt một con ngựa đỏ đến. Vừa trông thấy con ngựa thì tôi đã phát hoảng vì tôi vốn sợ con ngựa này (ngựa của Liên khu I tặng Trung ương Đảng), nó trẻ, khoẻ, chạy hay nhưng bất kham, lại giỏi tâm lý, chuyên bắt nạt những người sợ nó. Tôi cứ ngỡ là được cưỡi con ngựa trắng vốn hiền và đã cưỡi quen, nay cậu giám mã nói là con trắng đi công tác rồi, chỉ còn con này ở nhà. Nói xong cậu ấy buộc con ngựa đã đóng sẵn yên cương vào cây rồi trở về. Anh Nhân vừa đến với tôi vừa đọc lại bài viết, sau đó anh bỏ bài viết vào ông nứa, đậy nắp lại rồi đưa cho tôi. Tôi hỏi anh có xem lại các bài viết khác và tranh vẽ không thì anh nói đã xem kỹ cả rồi. Thấy tôi lúng túng chưa cởi được sợi dây buộc ba lô quanh bụng thì anh bảo không cần, anh liền giúp tôi cởi nắp ba lô (vẫn ở trên lưng tôi), đặt ông nứa vào tận đáy rồi cẩn thận buộc dây, cài khuy lại giúp tôi. Tôi chào anh, tiến lại tháo cương con ngựa khỏi cây, đặt một chân lên bàn đạp định nhẩy lên yên thì lập tức con ngựa chồm hai chân trước lên, hý ầm ĩ, đá hậu lung tung làm tôi không sao lên được. Lập tức anh Nhân chạy đến, níu lấy cương, ghì hàm con ngựa cho thật yên, lúc đó tôi mới nhẩy lên được. Tôi ngồi chưa vững thì nó đã phi ngay theo đường bờ ruộng để qua một cánh đồng là đường vẫn đi quen. Đang mải đối phó với con ngựa thì bỗng tôi nghe thấy tiếng gọi dồn dập: "Anh Bản ơi, anh Bản ơi!" (Bản là bí danh của tôi lúc đó). Quay đầu lại, tôi thấy anh Nhân vừa chạy theo vừa vẫy tay gọi. Khó khăn lắm tôi mới lái được con ngựa trở về, nhưng cũng phải để nó phi quanh hết cánh đồng mới chịu trở lại. Đón tôi, anh Nhân nói: "Anh cho tôi xem lại bài viết một tí". Tôi định xuống ngựa thì nó lại cọ vào cây, chồm trước đá sau. Anh Nhân lại phải xông vào nắm lấy cương, ghì chặt đầu nó lại, tôi mới xuống được. Anh giúp tôi buộc cương ngựa vào cành ổi, cởi nắp ba lô (vẫn trên lưng tôi), lấy ống nứa ra, rút tập bài, đứng đọc lại. Tôi ghé nhìn thấy anh rút chiếc bút máy Parker 51 quen thuộc ra định chữa một chữ, sau lại thôi, chỉ đặt thêm một dấu phẩy giữa dòng, ngoài ra không thấy anh chữa thêm gì nữa. Đọc kỹ lại hết bài, anh bỏ vào ống, cho vào ba lô trên lưng tôi, buộc và cài kỹ lại. Lần này không chờ con ngựa giở chứng, anh giúp tôi ngay, cởi dây cương, ghì chặt ngựa cho tôi lên và nói: "Con ngựa này phải cho chạy mệt một lúc thì nó lại thuần ngay, và nhất là anh đừng tỏ ra sợ nó". Ngồi trên yên rồi, nó còn cọ tôi vào bụi cây một đoạn rồi mới chịu theo tôi điều khiển qua ruộng vào rừng.
Chuyện này khi đến nhà in, rồi sau trở về toà soạn, tôi kể lại, anh chị em đều nói: "Tính thận trọng và tinh thần trách nhiệm của anh Nhân thật hiếm có, đó là một tấm gương thật sáng cho tất cả chúng ta, nhất là trong công tác báo chí, in ấn. Anh không nề hà giúp đỡ tận tình đồng chí mình trong từng việc nhỏ để hoàn thành nhiệm vụ, thật vô cùng cảm động. Chỉ vì một dấu phẩy mà cậu được Tổng Bí thư giữ ngựa cho ba lần lên xuống, thật là hiếm có và đó là một kỷ niệm nhớ đời".
(còn nữa)