Phan Kế An
(tiếp theo)
Sau khi vẽ ở các trang bên trong được ít lâu, anh Trường Chinh quyết định để tôi vẽ tranh đả kích khổ lớn, in choán toàn bộ tờ bìa 1 của báo (35cm X 25cm). Được các đồng chí phụ trách nhà in và anh chị em công nhân tận tình giúp đỡ thực hiện, tôi đã hoàn thành được chủ trương này thật mỹ mãn. Thế là báo Sự Thật từ đấy luôn có tranh đả kích chính trị hoặc các dạng tranh khác in trên cả khổ bìa, có lúc còn in màu.
Những điều anh Trường Chinh căn dặn tôi trong buổi gặp ở trạm liên lạc năm 1947 khi tôi mới về cơ quan báo, bây giờ anh cũng chỉ đạo công tác vẽ tranh cho báo của tôi như vậy, để tôi tự suy nghĩ ra đề tài và phong cách vẽ cho từng số báo, không áp đặt, khiến tôi phải thường xuyên học tập, nghiên cứu, chủ động trong sáng tác, và chưa một lần nào tôi bị anh bác bỏ một tranh đã vẽ. Các bạn trong toà soạn cũng theo cách đó của anh. Chính vì thế mà tôi làm được công tác "một thời Sự Thật" có kết quả.
Đồng chí Trường Chinh dự Hội nghị thống nhất Việt Minh - Liên Việt, tháng 3-1951. |
Theo sự chỉ đạo của anh Trường Chinh, tranh biếm hoạ trên báo Sự Thật được các cơ quan thông tin tuyên truyền các địa phương phóng to trên các mảng tường còn sót lại qua cuộc tiêu thổ kháng chiến, tất nhiên là do uy tín của tờ báo, nhưng mỗi lần đi các nơi thấy tranh của mình trên các tường lớn, tôi cũng tự thấy sung sướng trong lòng vì mình cũng có phần đóng góp cụ thể cho công cuộc kháng chiến.
Một lần Trung ương phái tôi đi về công tác ở vùng địch hậu Bắc Ninh cùng với nhà văn Nguyễn Tuân, nhà báo Như Phong, cùng dịp với các đồng chí Chu Huy Mân, Hoàng Hữu Nhân, đồng chí Ly, Bí thư Bắc Ninh, đồng chí Yên, Bí thư Quảng Yên... tôi cũng được thấy tranh của mình ở vùng căn cứ du kích. Trong chuyến đi ấy, tôi cũng tranh thủ vẽ bằng sơn màu lên các bức tường còn lại trong vùng du kích và căn cứ du kích một số tranh cổ động kháng chiến. Về sau được gặp các đồng chí công tác địch hậu ra họp cho biết là địch nhiều lần đã dùng mìn phá đổ những bức tường có vẽ tranh. Nghe tin tranh mình vẽ bị Pháp phá bằng mìn, tôi vừa tức giận vì nhà dân và chùa chiền bị hại, tranh của mình bị mất, vừa thấy tự hào vì công việc của mình có tác dụng thực sự cho cách mạng.
Vì có một mình tôi là hoạ sĩ ở cơ quan, phải bám sát các số báo, ít có thời gian đi vào quần chúng các địa phương, nên tôi đã đề nghị xin thêm người. Tôi đã giới thiệu anh Nguyễn Địch Dũng và anh Nguyễn Thọ, được anh Trường Chinh và các anh trong toà soạn chấp nhận. Từ đó tôi hay được Trung ương cử đi các chiến dịch, các vùng có sự kiện lớn. Cũng chính trong Chiến dịch Lê Hồng Phong II ở Tây Bắc năm 1950, tôi đã có cảm hứng và thu thập tài liệu ký hoạ để về sau, năm 1955, sáng tác được bức tranh sơn mài "Nhớ một chiều Tây Bắc" được giải nhất Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1955. Tôi còn vẽ biếm hoạ chính trị khổ lớn để trưng bày triển lãm, có một số bức cũng được giải nhất trong các Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1951, 1960, có bức được in to và phổ biến rộng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (bức "Níchxơn tên giết người" - 1972) được nhiều báo chí nước ngoài in lại. Anh Trường Chinh có xem các tranh đó và nhận xét tốt, nói rằng "tác giả đã có kinh nghiệm trong thời gian vẽ tranh cho báo Đảng".
Tôi vốn là một người sáng tác hội hoạ, nhưng nhờ có thời gian công tác ở báo Sự Thật, được sự dìu dắt tận tình và sự chỉ đạo sáng suốt của anh Trường Chinh và các bạn cùng cơ quan mà đã làm được một số công trình hội hoạ và đồ hoạ đóng góp có hiệu quả trong công cuộc cách mạng của dân tộc.
*
Anh Trường Chinh là một lãnh tụ rất tin ở cán bộ khi đã biết rõ năng lực và tính cách của người đó. Tôi có một kỷ niệm với anh mà tôi nhớ suốt đời.
Thời Pháp thuộc tôi học ở Trường Mỹ Thuật Đông Dương Hà Nội, các sinh viên mỹ thuật đều phải học cơ thể học, phải vào Viện giải phẫu cơ thể nghiên cứu trên tử thi và học một số điều cơ bản về giải phẫu và hình thể người dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Hiuuốt (Huard) và bác sĩ Đỗ Xuân Hợp. Nhiều sinh viên khác thì ghê sợ, chỉ nghe giảng qua quýt, còn chỉ học trên sách, thường hay lảng tránh các xác chết. Riêng tôi lại bị môn này hấp dẫn, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp nhận thấy thế đã tận tình hướng dẫn tôi ngoài giờ. Tôi có mấy người bạn sinh viên nội trú tại Bệnh viện Phủ Doãn đã giúp tôi vào bệnh viện ban đêm để học hỏi về thực hành và cho mượn sách, tài liệu để học thêm về y, chỉ vì tôi tò mò muốn biết. Vì vậy, hồi đầu kháng chiến, lên Chiến khu Việt Bắc, giữa rừng sâu núi cao, chưa có y tá, trong cơ quan và các cơ quan xung quanh Trung ương có ai bị bệnh hay tai nạn đều nhờ tôi khám thay cho bác sĩ vậy, còn hơn là chờ bác sĩ Lê Văn Chánh tận bên kia Đèo Re, đi ngựa mất cả ngày đường mà chưa chắc đã tìm được bác sĩ trong địa bàn rộng, các cơ quan ở phân tán xa nhau. Hồi đó bác sĩ Chánh chịu trách nhiệm chăm sóc sức khoẻ cho cán bộ khối cơ quan chính phủ là chính, đặc biệt là chăm sóc sức khoẻ của Bác Hồ. Ngoài ra, quanh vùng này không có bác sĩ nào khác ở gần. Một buổi chiều, đồng chí Trường Chinh cho người tìm tôi đến gấp. Anh đưa cho tôi một bức thư và nói: "Tôi vừa nhận được thư của chị Phú, anh đọc đi". Bức thư chỉ có mấy dòng: "Kính gửi anh Nhân (bí danh của đồng chí Trường Chinh lúc ấy). Cháu Hằng nhà tôi đang sốt rất cao, mê man, co giật. Anh Khoa lại đi công tác vắng. Xin anh cho mời bác sĩ Lê Văn Chánh đến nhanh để cứu cháu". Qua chữ ký tôi nhận ra người viết là chị Tăng Phú, vợ anh Phạm Văn Khoa (sau này là đạo diễn điện ảnh). Nhưng dưới bức thư lại có dòng tái bút làm tôi choáng người: "Xin anh cố mời cho được bác sĩ Chánh chứ đừng cử anh Phan Kế An đến". Đọc dòng tái bút này tôi nghĩ chị Phú tin tưởng làm sao được một hoạ sĩ khi con mình bị bệnh nặng như vậy. Tôi không khỏi tự ái, nhưng lại thấy chị Phú nghĩ vậy cũng phải. Nếu tôi không đi cũng chả ai trách được mình. Nếu mình cứ đến, không may gặp ca khó, ngoài tầm hiểu biết của mình thì lại càng rầy rà. Ở cơ quan Trung ương, suốt thời gian làm "thầy thuốc nghiệp dư" tôi chưa hề phải áy náy lần nào về việc nhầm bệnh, nhầm thuốc, bởi tôi luôn theo phương châm: biết chắc đến đâu làm đến đó. Sau mỗi ca chữa bệnh, khi nào gặp bác sĩ Vũ Văn Cẩn lên họp, tôi thường tranh thủ hỏi anh về cách xử lý bệnh. Hầu hết, bác sĩ Cẩn đều tán thành bởi tôi chưa bị sai sót lần nào. Mỗi lần nghe bác sĩ Cẩn cũng như bác sĩ Chánh phân tích giảng giải, tôi lại rút thêm được kinh nghiệm. Nhưng lần này, đối với con chị Phú nếu cử người đi tìm bác sĩ Chánh, phải mất một ngày đi ngựa, tìm được, lại một thời gian nữa để bác sĩ tới chỗ cháu bé, cháu lại đang trong tình trạng khẩn cấp như vậy, e rằng không kịp. Tình hình ấy đồng chí Trường Chinh và tôi đều hiểu rõ, đồng chí cứ im lặng nhìn tôi và chờ. Tôi chưa bao giờ gặp phải trường hợp phải đấu tranh tư tưởng gay go như trường hợp này. Nhưng không thể nghĩ lâu được. Tính mệnh cháu bé phải đặt lên trên hết. Nghĩ thế, tôi ngẩng đầu, nói dứt khoát với đồng chí Trường Chinh: "Anh để tôi đi". Đồng chí Trường Chinh mỉm cười, nhẹ nhàng: "Anh nghĩ thế là phải!".
(còn nữa)