Phan Kế An
(tiếp theo)
Một hôm anh Nguyễn Huy Tưởng nói với tôi là Trung ương có ý định đưa tôi về báo Sự Thật là tờ báo lớn của Trung ương, kế thừa báo Cờ Giải Phóng đã giải thể. Tôi ngần ngại tỏ ý không muốn về đấy, một phần vì quyến luyến anh em, một phần cũng ngại về cơ quan "sát mặt trời" sợ bị gò bó, khó phù hợp với tính thích tự do của tôi. Nhưng chỉ sau mười ngày, anh Tưởng đưa tôi xem một công văn điều động tôi về Trung ương, dưới ký tên Trường Chinh. Đã có quyết định chính thức thì phải đi thôi. Thế là tôi lên đường.
Đồng chí Trường Chinh thăm và trồng cây lưu niệm tại khu vực Đền thờ các Vua Hùng ở Vĩnh Phú, ngày 9-5-1971. |
Khi tôi vừa đến trạm liên lạc thì gặp ngay anh Trường Chinh đang chuẩn bị đi công tác lên Bắc Cạn (mà chính chuyến đó anh phải đương đầu với một sự kiện cực kỳ nguy hiểm là giặc Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn và anh đã thoát hiểm nhờ sự gan dạ, bình tĩnh, nhanh trí cùng kinh nghiệm đấu tranh bí mật già dặn của mình). Ở trạm liên lạc, tôi có hỏi anh về nhiệm vụ công tác của tôi. Anh cho biết tôi sẽ là hoạ sĩ vẽ cho báo Sự Thật, trình bày báo và nhất là vẽ tranh đả kích chính trị, dùng tranh vẽ làm cho tờ báo sinh động hơn, tính chiến đấu mạnh hơn. Tôi có hỏi anh nhiều điều cụ thể để hiểu rõ đặc trưng các tranh đả kích của báo này, khi cần thì hỏi ai, ai quyết định nội dung các tranh chính trị, nghĩa là tôi muốn được anh phổ biến thật chi tiết công việc của tôi vì đây là tờ báo quan trọng, có tính chỉ đạo trong cả nước. Anh ôn tổn nói với tôi: "Ở cơ quan có nhiều tài liệu, bản tin, có báo chí trong nước và nước ngoài, lại có anh em cùng làm việc. Anh nên đọc nhiều, tự nhận xét những vấn đề gì cần đề cập trong từng số báo và trao đổi với anh em. Anh phải tự nghiên cứu những chủ trương của Trung ương, suy nghĩ và tự quyết định lấy là chính. Anh cần tự rèn luyện cho mình sự nhạy bén về chính trị. Bút pháp là tuỳ ở anh nhưng nên vẽ cho nhiều người hiểu. Anh cứ làm đi rồi sẽ quen. Anh nhất định sẽ làm được. Tôi tin ở anh". Đã đến lúc phải lên đường nên anh Trường Chinh chỉ căn dặn tôi có thế.
Tôi theo đồng chí giao thông đi vào cơ quan. Tôi gặp ở đấy các anh Trần Quốc Hương (tức Mười Hương), Xuân Trường, Quang Đạm, Thép Mới, Minh Tranh, Đinh Nho Liêm, Phạm Hoàng, ... Trong có mấy ngày, tôi được tiếp xúc không những với các đồng chí trong toà soạn mà còn với nhiều đồng chí khác ở các cơ quan của Trung ương đóng tại các nhà dân quanh đấy, có những đồng chí tôi đã nghe tên từ lâu, nay mới gặp mặt. Tôi chỉ có mấy ngày để tìm hiểu tờ báo, trao đổi với các bạn cùng cơ quan, còn lại là ngồi đọc tài liệu, tin tức, báo chí. Những báo nước ngoài khá mới được cung cấp về đây rất nhanh. Thái độ chân tình, cởi mở của các bạn làm tôi rất vui và nhất là sinh hoạt tập thể cũng thoải mái, xua tan sự ngại ngùng mà tôi đã tưởng tượng ra khi tôi nghe tin phải từ biệt các bạn ở cơ quan cũ. Thế là tôi bắt tay vào vẽ những tranh đầu tiên trên báo Sự Thật, vừa minh hoạ, trình bày và chủ yếu là vẽ biếm hoạ chính trị, lấy bút danh là Phan Kích. Tôi vẽ bức nào, sau khi được anh em thông qua, tôi còn phải khắc trên ván gỗ rồi gửi đi nhà in ở cách khá xa vì nhà in chưa có thợ khắc. Những bức tranh đầu tiên được in trên báo với khuôn khổ nhũn nhặn ở các trang bên trong, cầm tờ báo có tranh của mình tôi thật phấn khởi và tự tin.
Đang trong những ngày ngắn ngủi làm báo như vậy thì quân Pháp nhảy dù, mở cuộc tấn công lên Việt Bắc năm 1947. Thế là cả một cuộc đảo lộn. Cơ quan phải chuẩn bị di chuyển. Chưa có tin gì về anh Trường Chinh. Nhưng giữa lúc mọi người lo lắng cho anh thì anh về tới cơ quan. Việc di chuyển vẫn được thực hiện theo kế hoạch đã định (dù ý kiến của anh Trường Chinh lúc này có khác về vùng sẽ chuyển đến). Trên đường xuyên rừng nhiều ngày lại còn mang vác nặng, tôi đã vẽ xong một tranh đả kích chính sách xâm lược của thực dân Pháp được sự hỗ trợ của các thế lực đế quốc khác. Không có gỗ khắc, tôi phải tìm một cây "thừng mực" tươi trong rừng, dùng dao đẽo thành ván gỗ phù hợp với việc in ấn, lấy đá suối mài cho thật phẳng và mịn, hơ lửa cho khô, rồi lại mài nữa, dán bản vẽ lên, dùng "dao díp" khắc thành bản in rồi gửi giao thông đưa đến cơ quan ấn loát khi ấy đã sơ tán vào rừng sâu ở khá xa. Tranh được in trên giấy xấu làm bằng bột giang và nứa nhưng cũng khá rõ, báo ra được kịp thời. Một đêm trời rét đậm, tôi ngủ trong lán cùng với anh Trường Chinh và một cán bộ cao cấp nữa, ba người đắp chung một chăn dạ. Đang ngủ, tôi chợt tỉnh giấc nghe anh ấy đang bàn chuyện với anh Trường Chinh, trong câu chuyện có nói cần phải phê bình bức tranh của tôi vẽ trên số báo ấy không đạt. Tôi thấy anh Trường Chinh không nói gì, sau đó tôi lại ngủ thiếp đi. Hôm sau ngồi họp, anh Trường Chinh chẳng những không phê bình tôi mà lại khen tranh ấy là sắc sảo và kịp thời. Sau khi ta đã đánh tan cuộc tấn công của giặc Pháp vào Việt Bắc, cơ quan lại chuyển về vùng cũ. Ngoài các công việc lớn trên cương vị Tổng Bí thư, anh Trường Chinh còn hay nói chuyện với chúng tôi về chủ nghĩa Mác-Lênin, về tư tưởng của Bác Hồ, nhất là nhắc nhở chúng tôi vận dụng lý luận vào thực hiện công tác văn hoá, văn nghệ của chúng ta. Anh thường phổ biến chủ trương của Trung ương, nội dung của các số báo tới, gợi cho chúng tôi những vấn đề chính trị, thời sự cần thiết để chúng tôi tự tìm tài liệu để viết, để vẽ. Anh duyệt rất kỹ các bài và tranh chủ yếu. Ngoài những vấn đề cấp thiết, anh còn hay tổ chức những buổi tối trao đổi ý kiến với nhau, tranh luận về những vấn đề do chính anh em trong cơ quan đề xuất và thuyết trình. Những buổi sinh hoạt như vậy thường ở chung quanh bếp lửa nhà sàn thật lý thú và bổ ích, nhất là đôi khi lại có điểm thêm mấy củ sắn lùi thơm phức, hoặc nghe anh đọc những vần thơ hay của các nhà thơ mà anh quý, hoặc đọc cho chúng tôi nghe bài thơ do chính anh mới sáng tác. Thời gian ấy, anh Nguyễn Lương Hoàng đã đưa anh Phạm Cao Tăng mới được bổ sung về nhà in. Anh Tăng là một thợ khắc giỏi, tính rất cần mẫn và có đầu óc sáng tạo trong kỹ thuật. Tôi thường xuyên phải trực tiếp đến nhà in để trông coi in báo, cùng ăn, ở, làm việc với anh chị em thợ in, nên giữa chúng tôi nảy sinh một tình cảm đậm đà, thân mật. Anh Trường Chinh biết vậy đã thường xuyên khuyến khích. Tình cảm ấy vẫn duy trì được đến tận ngày nay khi chúng tôi đã trên dưới 80 tuổi, và nhiều bạn đã ra đi.
(còn nữa)