Như Phong
(tiếp theo)
Tôi cũng thuật lại cho anh nghe về các thủ đoạn tuyên truyền nhồi sọ của Pháp và Nhật, các khuynh hướng văn học, nghệ thuật lệch lạc đang phát triển... Hội Văn hóa Cứu quốc thành lập lúc này có thể đáp ứng cho sự cần thiết phải đấu tranh mạnh mẽ trên mặt trận này... Khả năng thu hút của Hội cũng nhiều, vì riêng phần tôi cũng đã được biết rằng trong giới nhà văn có nhiều anh em tốt, đang băn khoăn tìm tòi, đang muốn làm một cái gì đó...
Cách độ hai tuần sau, anh Học Phi lại đến. Lần này, mặt anh có vẻ trịnh trọng khác thường. Anh cho biết là đã báo cáo với tổ chức về việc bắt được liên lạc với tôi. Rồi anh đưa cho tôi một bức thư nói là của đồng chí Trường Chinh gửi về.
Đồng chí Trường Chinh tại Hội nghị chỉ đạo biên soạn bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập, ngày 29-4-1978. |
Thư ấy viết vào một tờ giấy nhỏ hẹp, bằng độ nửa trang giấy học trò cắt theo chiều dọc. Thư viết như viết riêng cho một người bạn. Chữ viết trong thư rõ ràng là chữ của đồng chí Trường Chinh mà tôi đã có nhiều dịp được thấy trong các bản thảo của anh hoặc các câu, các chữ anh sửa chữa cho bản thảo của người khác: một kiểu chữ, tuy đã cố ý viết nhỏ li ti, nhưng rất rõ nét, rõ từng chữ, từng dấu chấm phẩy, đến cả từng dấu chấm trên đầu những chữ "i"...
Tôi cầm thư, trong lòng hết sức bồi hồi xúc động... Nhiều hình ảnh cũ mấy năm trước đây trở lại trong trí nhớ tôi...
Tôi nhớ đến tòa soạn báo Tin Tức, báo Đảng ra công khai lúc bấy giờ, ngôi nhà hai tầng ở đường Phùng Hưng. Phố này chỉ một bên là có nhà cửa, còn phía trước mặt là một cái cầu nối bắc cao cho xe lửa chạy, thành cầu có hai hàng lan can bằng sắt uốn hình xoắn, in một dải hoa văn thưa mỏng lên nền trời. Phía trong nữa là trại lính Cửa Đông của quân đội thực dân Pháp... Binh lính Pháp qua lại nhiều trong phố này, nhất là những buổi tối hay những ngày nghỉ, họ từ cổng trại cửa Đông nhộn nhịp kéo ra, tỏa đi tìm ăn hay tìm gái. Ngay cạnh ngôi nhà của báo Đảng, cũng có mấy nhà cùng một kiểu như vậy, do mấy hạ sĩ quan thuê cho vợ con cùng ở...
Một cơ quan hết sức quan trọng của cách mạng mà lại đóng ở phố phức tạp như vậy thì chẳng bất tiện lắm sao? Nhưng theo tôi được biết thì các đồng chí ta sống trong nhà ấy cũng chẳng thấy xảy ra chuyện gì cả. Thường thường, bọn sĩ quan Pháp đi qua thì bao giờ cũng giữ bộ mặt lạnh lùng, làm như không hề biết đến sự có mặt của các đồng chí ta. Còn bọn lính Pháp thì phần nhiều nhìn ngó một cách tò mò, có anh tỏ vẻ thiện cảm, có anh dừng chân ngoài cửa bắt chuyện. Đồng chí Phúc "ghẻ" phụ trách công việc trị sự tòa báo hồi ấy, hay ở phòng ngoài cửa dưới nhà, còn kể rằng: một hôm, có một anh vào hẳn trong nhà, tự xưng mình là đảng viên cộng sản xa đất nước đã lâu, hỏi xem mình có thể nộp đảng phí ở đây không... Tất nhiên, đó là trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ.
Đồng chí Trường Chinh làm việc và ở ngay trong ngôi nhà đó. Hồi ấy, anh mới độ trên ba mươi tuổi, nhưng đầu đã có vẻ hói, không phải là tóc rụng mà vì vầng trán của anh rộng khác thường. Bọn thanh niên chúng tôi thường trầm trồ riêng với nhau: "Một vầng trán mênh mông". Đôi mắt anh sáng quắc, tinh anh. Đôi lông mày dài của anh, khi cau lại, làm cho đôi mắt ấy thêm cương nghị, nghiêm khắc. Trái lại, miệng anh khi cười thì lại hết sức hiền từ, hồn nhiên...
Anh biết một số trong bọn thanh niên chúng tôi là Nguyễn Thường Khanh, Hồng Quang, Nguyên Hồng và tôi rất mê văn học và thực sự đã ít nhiều hoạt động văn học. Bởi vậy, anh hay gọi chúng tôi đến nói chuyện về văn học.
Anh chỉ dẫn cho chúng tôi đọc các đoạn lý luận kinh điển của Mác, Angghen có liên quan đến văn học. Trước hết, đó là tập tuyển Về nghệ thuật và văn học của Mác và Angghen do Giăng Phơrêvin sưu tầm và giới thiệu... Rồi phần bàn về văn hóa trong bộ Chống Đuyrinh của Ăngghen... Anh lại bảo tìm đọc tập Văn hóa và nhân dân của Mácxim Goócki và các tác phẩm văn học Xôviết... Những sách này đều do Nhà xuất bản E.S.T. của Đảng Cộng sản Pháp dịch ra tiếng Pháp và hồi ấy được đưa sang ta nhiều, dễ tìm thấy ở hiệu sách Đồng Xuân của anh Huệ (tức đồng chí Phạm Văn Hảo bây giờ).
Nhưng dù đọc nhiều đến đâu, kết quả cũng không phong phú sinh động bằng sự thu hoạch của chúng tôi sau các cuộc nói chuyện của đồng chí Trường Chinh với chúng tôi về văn học, nghệ thuật. Anh có kiến thức rất rộng về văn học, triết học cổ kim, Đông Tây. Anh rất yêu văn học của dân tộc và trong khi nói chuyện, tỏ ra thuộc rất nhiều văn thơ cổ, cận đại, ca dao, truyện kể nước ta. Đặc biệt, tuy hồi ấy đã rất bận, nhưng anh vẫn theo dõi khá sát các sáng tác văn học đương thời, ít nhất là các tác phẩm được nói đến nhiều của Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ, Xuân Diệu... về mấy nhà văn, nhà thơ của cánh Tự lực văn đoàn, anh có những nhận xét rạch ròi, chế giễu một cách hóm hỉnh những sự thiển cận về tư tưởng, về chính trị nhưng đồng thời cũng đánh giá đúng mức những cách tân về nghệ thuật của họ.
(còn nữa)