Trọn nghĩa vẹn tình

06:06, 18/06/2019

Nguyễn Thị Nguyên

Sau vụ Nam Kỳ khởi nghĩa và nổi dậy ở Bắc Sơn, cơ sở của Đảng ta trong Nam ngoài Bắc vỡ từng mảng, nhiều cán bộ bị bắt bớ tù đày, Đảng rất thiếu cán bộ.

Để đối phó với địch, các đồng chí lãnh đạo của Đảng chủ trương tích cực đào tạo cán bộ có khả năng độc lập lãnh đạo phong trào đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang ở các địa phương.

Một hôm, tôi được đồng chí Tỉnh báo cho biết tôi được đi dự lớp huấn luyện ngắn ngày. Lớp được chính anh Trường Chinh giảng dạy, tôi mừng quá, vội thu xếp công việc đi ngay. Những lần đi liên lạc cho anh Trường Chinh, anh Hoàng Văn Thụ, tôi thường được các anh dặn dò chu đáo, đi phải hết sức cẩn thận và bình tĩnh nếu gặp địch. Tôi luôn nhớ lời các anh phải hết sức cảnh giác. Thư từ của các anh giao cho tôi thường cất kỹ trong nẹp áo, vành nón, vành khăn.

Lớp học là một nếp nhà tranh năm gian dựng trên một sào quýt. Chủ nhà góa vợ có hai con trai đã lớn. Địa điểm này cũng là cơ sở của anh Tỉnh. Nếp nhà tranh thuận lợi là có cửa sau, khi có động từ đó có thể chạy ra bến sông lúc nào cũng có một con đò neo sẵn. Học viên đến dự lớp phần lớn đều nghèo, tôi may mắn được bà nội cho ít sào ruộng cấy nên có tiền đóng được ba đồng bạc, ba đồng bạc hồi ấy là cả một gánh thóc.

Chủ nhà lo việc nấu nướng cho lớp. Học viên ngồi trên nền gạch, không ghi chép, anh Trường Chinh cũng chỉ giảng vo, không có tài liệu. Tất cả chỉ là đề phòng khi giặc đến. Nhưng các anh ăn khổ quá, bữa nào cũng rau muống luộc chấm tương. Anh Trường Chinh thì xanh xao. Có lần tôi được nghe anh kể: "Tôi và anh Thụ thường ăn cơm sớm để đi công tác nhưng gặp lúc đế quốc nó khủng bố gắt gao quá, cơ sở vỡ lung tung, vì đế quốc Pháp quyết dập tắt phong trào cho bằng được, nó sợ bọn Đức, bọn Nhật nhưng nó sợ cách mạng, sợ Đảng Cộng sản hơn. Tôi với anh Thụ cứ lang thang hết tỉnh này sang tỉnh khác, mãi không chắp được mối, đêm thì ngủ ruộng ngô, đêm thì ngủ ngoài cánh đồng, sương xuống lạnh giá. Lắm lúc trong túi chỉ còn vài xu, phải ăn bánh đúc trừ bữa. Anh Thụ chỉ có đôi guốc mẻ, cái ô rách, tôi có một cái áo the rách khoác ở tay. Nếu chúng tôi không có kinh nghiệm hoạt động bí mật và được che chở thì đã nhiều lần bị chúng nó bắt rồi".

Tôi nhớ mãi câu chuyện anh kể và càng thêm kính trọng anh. Một bữa, nhân buổi học tan sớm, tôi chạy ra chợ mua mấy xóc cua đồng, mớ rau nhỏ về nấu canh cua, rang rạm cho các anh ăn. Anh Trường Chinh ăn rất ngon lành. Anh khen:

Bữa nay chị Chung đi chợ nên cả lớp được ăn canh cua.

Anh Tỉnh vui tính nói tiếp:

Bận sau chị Chung cứ đi chợ nhé.

Anh chị em lại cười. Nhưng cả anh Trường Chinh và các học viên chúng tôi không ai biết lúc đó ở Hà Nội xảy ra một chuyện không có lợi cho lớp học.

Ngày 7-11, Khoát Địa, Xứ ủy viên phụ trách Hà Nội cho rải truyền đơn về Cách mạng Tháng Mười Nga, không ngờ bọn Tây bắt được người rải truyền đơn là anh Lân. Anh Lân khai ra Khoát Địa. Khoát Địa bị bắt về sở mật thám.

Không chịu được đòn tra của địch, Khoát Địa đã phản bội, khai báo. Địa đã trùm khăn đưa chúng về bắt cậu thư ký của anh Trường Chinh nhưng không bắt được.

Và đúng sáng hôm ấy, anh Trường Chinh bảo tôi:

Chị Chung, hôm nay chị trực nhật, phải dậy sớm đun nước.

Mờ sáng, tôi trở dậy, đi thổi cái bùi nhùi rơm châm lửa, anh Trường Chinh đang tập thể dục, tôi bỗng thấy ánh đèn pin loang loáng ở đầu nhà, tôi vội gọi ầm lên:

Các anh ơi, có người!

Tôi vừa gọi vừa chạy ra chặn chân thằng Luýt để nó không vào được phía sau bắt anh Trường Chinh. Thằng Luýt thộp ngay lấy cổ tôi, cười khả ố:

Chạy đi đâu? Chạy đi đâu?

Lúc đó trong nhà có chín người, sáu người bị bắt. Rất may, anh Tỉnh đã kịp đưa anh Trường Chinh ra bến sông Cà Lồ sang Thái Nguyên.

Bắt được tôi, nó đánh tôi tối tăm mặt mũi, chỉ hỏi một câu:

Đặng Xuân Khu chạy đâu, mày là giao thông cho Xứ ủy mày phải biết nó chạy đi đâu.

Trước sau, tôi chỉ đáp:

Tôi không biết. Các ông còn không biết nữa là tôi.

Liền mấy ngày, chúng nó tra tấn tôi, quay điện vào hai tai, vào ngực, vào hai ngón chân cái tôi. Tôi chết đi sống lại, nhưng tôi chỉ một mực khai không biết Đặng Xuân Khu ở đâu. Chúng quẳng tôi vào xà lim. Tôi bị ngất đi. Khi tỉnh dậy, tôi thấy nhức buốt lên tận đỉnh đầu, toàn thân đau ê ẩm. Chúng ném cho tôi một nắm cơm với tí muối vừng. Nhưng tôi yên tâm, thanh thản chấp nhận mọi cực hình. Anh Trường Chinh đã kịp chạy thoát, chỉ có tôi, chị Nhữ và một vài anh nữa bị bắt, nhưng không một ai khai báo gì.

Chúng đưa tôi ra xử tại tòa cùng các chị khác. Tôi bị chúng kết án tù 5 năm giam tại Hỏa Lò.

Những năm sau này, khoảng năm 1950 - 1951, tôi lên công tác tại Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Một lần tôi sang thăm anh Trường Chinh, anh Hoàng Quốc Việt, các anh mừng lắm, hỏi thăm tôi chuyện công tác, chuyện gia đình. Thấy tôi mải mê công tác chưa có gia đình, các anh đứng ra se duyên tôi với anh Trịnh Văn Phú.

Ngày đất nước hòa bình thống nhất, anh Trường Chinh đến tận nhà thăm tôi. Hồi đó, chúng tôi còn ở phố Phúc Châu. Thấy chúng tôi ở chật chội quá, anh bảo: "Chị ở thế này không được". Anh đã nói với Ban Tài chính Quản trị Trung ương sắp xếp cho tôi một căn hộ tương đối rộng ở khu tập thể Thành Công này./.

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com