Anh Trường Chinh, người anh cả của chúng tôi (kỳ 1)

06:06, 12/06/2019

Nguyễn Thị Hội

Quê tôi ở làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Bố tôi mất sớm, mẹ tôi đi bước nữa, tôi được chú là Nguyễn Duy Thân nuôi cho ăn học, nhưng tôi lại không thiết học. Hồi đó, tôi nghỉ học nhưng cũng chả làm gì cả. Về sau, chú Nguyễn Duy Thân đi học ở Hà Nội và tham gia phong trào yêu nước ở Hà Nội. Chú về giác ngộ cho tôi, bảo tôi có muốn được tiến bộ không? Tôi đáp: Có. Chú Thân nói: Nếu muốn thế thì cháu phải tham gia cách mạng. Tôi sốt sắng nhận lời ngay.

Việc đầu tiên, chú Thân giao cho tôi là canh gác cho các cuộc họp của mấy anh ở cấp trên. Các anh thường về hội họp ở nhà ông Đám Thi. Nhà ông Đám Thi lại ở ngay trong làng. Ở đây, tôi thường được gặp một số anh như anh Hoàng Quốc Việt, anh Hoàng Văn Thụ và anh Thận, tức anh Trường Chinh. Hồi đó, tôi còn nhỏ, mới 14, 15 tuổi, các anh coi tôi như em út. Để tiện canh gác, tôi giả là người đi bán dứa, tuy ở làng tôi ai cũng coi việc bán dứa là công việc tầm thường, vì làng tôi có nghề nhuộm vải, nhuộm lĩnh và the lụa.

Đồng chí Trường Chinh trao đổi công tác báo chí với cán bộ báo Nhân Dân ở Việt Bắc.
Đồng chí Trường Chinh trao đổi công tác báo chí với cán bộ báo Nhân Dân ở Việt Bắc.

Nhưng ai nói mặc ai, cứ khi các anh về họp là tôi ngồi ở ngoài ngõ gọt dứa, bổ dứa bán ở ngoài. Thấy tôi nhanh nhẹn, các anh liền giao cho tôi làm công tác giao thông liên lạc, dần dần tôi đã bước ra khỏi lũy tre làng. Làng tôi lại ở ven đường cái, từ đây đi Bắc Ninh - Bắc Giang - Thái Nguyên hay ra Hà Nội đều rất thuận tiện. Việc gì các anh giao tôi cũng cố gắng làm tròn, về sau, các anh giao hẳn cho tôi phụ trách giao thông gồm hầu hết các tỉnh phía Bắc.

Được gần các anh, tôi thấy các anh làm việc, đọc sách nhiều, tôi mới tiếc là hồi còn ở nhà, mình đã không tranh thủ đi học. Một hôm tôi đánh bạo nói với anh Trường Chinh:

Anh ơi, lúc nào anh được rảnh, anh dạy cho em phăngxe đi.

Không ngờ anh Trường Chinh nghiêm nét mặt bảo tôi:

Phăngxe cái gì? Em cứ học tiếng mẹ đẻ cho tốt đã. Em viết báo cáo cho các anh, chữ tác còn đánh ra chữ tộ, o còn lẫn lộn với a làm các anh đọc chả hiểu gì cả, buồn cười chết đi được, o, a hai chữ khác nhau, vì a có cái móc câu bên mình.

Nghe anh nói tôi ngượng quá, từ đấy mỗi lần đi giao thông đến chỗ nào nghỉ chân được một lúc, tôi lại mang quyển sách ra học, dần dần tôi đã đọc thông viết thạo, viết báo cáo không lầm như trước nữa. Tôi được các anh khen học hành có nhiều tiến bộ.

Lần nào tôi đi giao thông, anh Trường Chinh cũng cho tôi một ít tiền để ăn đường, tôi thấy anh chu đáo và rất thương cán bộ nên tôi càng quý anh hơn. Anh như người anh cả của chúng tôi vậy.

Năm 1940, nổ ra cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn. Bọn đế quốc càng lùng sục bắt các đồng chí lãnh đạo của Đảng ta trong đó có các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt. Việc giao thông liên lạc của chúng tôi cũng gặp muôn vàn khó khăn.

Một lần, tôi gánh một gánh tài liệu về Phúc Yên. Trời đã nhá nhem tối, nếu không vướng gánh tài liệu, tôi sẽ có thể đi thêm một quãng đường nữa tìm nhà trọ xin ngủ nhờ. Song trời tối, thân gái dặm trường, với gánh tài liệu bí mật đi đâu bây giờ. Cực chẳng đã, tôi đành phải về nhà Lý Ba ngủ qua đêm. Lý Ba là cơ sở của Khoát Địa. Nhà Lý Ba ở ngay cầu Đa Phúc. Biết nghỉ ở đây là rất liều, tôi có cảm giác bồn chồn không yên, thật khó tả. Vì tôi có nghe nói Khoát Địa bị bắt, đã khai ra cơ sở, song bí quá, tôi đành chấp nhận ở tạm.

Vào nhà Lý Ba, tôi cất tài liệu vào đống rơm và nói với vợ hai Lý Ba:

Chị ơi, hôm nay em thấy trong người làm sao ấy, tài liệu em giấu trong đống rơm, nếu em không bị bắt thì mai em lại gánh đi, nếu em bị bắt thì chị liệu nhắn người của ta về mà lấy nhé.

Vợ Lý Ba gật đầu, bảo:

Được, em cứ yên tâm.

Tôi nghĩ, bần cùng lắm tôi mới phải về đây, không ngờ một lúc sau tôi thấy anh Trường Chinh cũng đến. Tôi giật mình, từ đấy tôi cứ đứng ngồi không yên, cảm thấy ruột gan cứ nóng như có lửa đốt. Tôi nói với anh:

Anh ơi, hay là anh đi đi, sao em cứ thấy khang khác thế nào, anh đừng ở đây nữa, em lỡ ở đây rồi vì em vướng gánh tài liệu.

Anh Trường Chinh cười, bảo tôi:

Cô lại duy tâm rồi.

Tôi cố nói nhỏ với anh:

Em không duy tâm đâu, nhưng em linh cảm thấy có điều không hay sẽ xảy ra. Anh chịu khó nghe em, anh cứ đi đi cho em yên tâm.

Thấy tôi khẩn khoản, anh Trường Chinh đành ra đi, tôi cũng lo không biết rồi anh sẽ nghỉ ở đâu?

(còn nữa)

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com