Tôi được giao nhiệm vụ đi đón anh Trường Chinh

06:06, 11/06/2019

Trương Thị Mỹ

Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, tôi là công nhân Nhà máy tơ Hải Phòng. Tôi tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1936 và được Đảng Cộng sản Đông Dương cử về gây dựng phong trào cách mạng tại tỉnh Thái Bình. Lúc đầu, tôi là Tỉnh ủy viên, sau đó là Xứ ủy viên Bắc Kỳ và được cử đi bắt liên lạc với anh Trường Chinh.

Vào cuối năm 1939, khi Đảng phải rút vào hoạt động bí mật, anh Trường Chinh về tránh ở một gia đình cơ sở tại ấp Tả Hành bên Thái Bình, chờ liên lạc nối lại với tổ chức Đảng để tiếp tục hoạt động. Vì vậy, tôi được Xứ ủy cử đi đón anh về họp Xứ ủy để bàn một số việc gấp. Đồng chí Hoàng Quốc Việt đưa cho tôi một bức thư giới thiệu. Lúc ấy, tôi chưa biết mặt anh Trường Chinh, còn anh thì chưa thuộc mặt chữ của đồng chí Hoàng Quốc Việt, tôi rất phân vân không biết có đón được anh hay không. Song, công việc gấp, tôi quyết tâm đi đón cho được anh về.

Đồng chí Trường Chinh thăm và trồng cây lưu niệm tại khu vực Đền thờ các Vua Hùng ở Vĩnh Phú, ngày 9-5-1971.
Đồng chí Trường Chinh thăm và trồng cây lưu niệm tại khu vực Đền thờ các Vua Hùng ở Vĩnh Phú, ngày 9-5-1971.

Tôi về ấp Tả Hành, tìm được chỗ ở của anh Trường Chinh nhưng không gặp được, có lẽ anh ngại tôi là khách lạ, chưa muốn gặp. Đoán vậy, tôi kiên trì chờ đợi. Sau một ngày tôi mới gặp được anh. Tôi giới thiệu về mình và kể rằng tháng trước, em ruột anh là Đặng Xuân Đĩnh, công nhân lái tàu hỏa tuyến Hà Nội - Côn Minh có về Hành Thiện thăm gia đình. Sau đó anh ấy sang ấp Tả Hành và được anh Trường Chinh nhờ móc nối với cơ sở của Đảng ở khu vực Gia Lâm - Yên Viên, đề nghị với Xứ ủy Bắc Kỳ cho người đón anh và tôi đưa thư của đồng chí Hoàng Quốc Việt cho anh. Anh tiếp chuyện tôi, hỏi han nhiều vấn đề, đặc biệt là công tác hoạt động cách mạng. Bấy giờ tôi làm công tác phụ vận. Biết vậy, anh Trường Chinh cho biết chị em phụ nữ ở đây rất tốt nhưng chưa được giác ngộ. Anh có ý muốn tôi giúp đỡ họ. Tôi liền tập hợp một số chị tích cực, diễn thuyết nói rõ mục tiêu của cách mạng Việt Nam, đạt kết quả tốt. Anh rất hài lòng. Song do thời gian có hạn, tôi giục anh mau chóng thu xếp rời ấp Tả Hành đi Bắc Ninh.

Từ ấp Tả Hành, chúng tôi phải đi qua nhiều làng mạc ở Thái Bình, rồi sang Hưng Yên và từ đây đi Bắc Ninh. Chặng đường đầu tiên tôi để anh Trường Chinh đi trước, tôi đi sau, cách nhau khoảng chục mét. Đi đường, anh đóng vai ông đồ nho, mặc áo chùng thâm đã sờn mép, đầu đội khăn xếp, quần trắng, ô cắp nách. Lúc tới thị xã Hưng Yên, chúng tôi gặp chuyện chẳng lành: Tôi bất ngờ gặp một tên mật thám mà trước đó y làm cùng với tôi ở Nhà máy tơ Hải Phòng. Gặp lại tôi, y đon đả chào hỏi có vẻ rất tự nhiên. Tôi cảnh giác và xử lý nhanh bằng cách hắng giọng, nói thật to với nó, cốt để cho anh Trường Chinh nghe thấy. Rồi tôi vội rảo bước vượt nhanh qua anh như muốn nói rằng, nếu tôi có bị bắt, anh cứ việc đi, đừng vì tôi mà lụy đến cả hai người.

Đi một quãng xa, khi không thấy bóng dáng tên mật thám kia nữa, lúc ấy tôi mới quay lại bảo anh Trường Chinh vào hàng cơm. Đường xa, trời chiều, giữa đất khách quê người, anh rất cảnh giác, phòng tên mật thám còn lảng vảng đâu đây, có thể bất ngờ quay lại, anh quyết định không vào hàng cơm nữa mà vào hẳn một gia đình ở ven đường xin nghỉ trọ.

Tôi và anh Trường Chinh đi vào một ngôi nhà gạch khang trang. Vào tới trong thì gặp một bà cụ già. Cụ chào chúng tôi. Anh Trường Chinh đáp lại và xin cụ ngụm nước uống. Trong lúc bà cụ xuống bếp lấy nước, anh ngồi trên nhà quan sát xung quanh. Chợt anh nhìn thấy tấm ảnh treo trên tường, biết ngay đây là anh trương tuần, vì anh ta mặc theo kiểu nửa nhà binh, trên ngực có gắn mề đay. Anh hơi chột dạ, đi ngay xuống bếp hỏi bà cụ bao giờ "ông trương tuần về". Cụ trả lời: "Con tôi sắp về". Câu trả lời của cụ làm chúng tôi lo ngại nên uống nước xong vội vàng xin phép cụ đi ngay.

Ra tới đường làng, chúng tôi gặp tên tri huyện đi tới. Bọn lính hầu khênh cáng thét lác người đi đường tránh xa cho quan huyện đi, làm nhiều người sợ hãi. Chẳng có cách nào nữa, chúng tôi đành thản nhiên đi. May quá, tuy giáp mặt chúng nhưng vô sự. Đi được một quãng lại thấy bọn tuần đinh đi tuần. Bọn này thường hay bất chợt hỏi người đi đường, hoạnh họe đủ thứ. Anh Trường Chinh bảo tôi rẽ xuống ruộng, núp sau bụi dứa dại, nghe ngóng. Còn anh ngồi sau bụi cây bên này. Bỗng đâu trời đổ cơn mưa. Sấm chớp đùng đùng. Quần áo ướt như chuột lột. Mưa to, ruộng đầy ắp nước, chúng tôi cứ phải ngồi xổm, đỉa bám vào đầy chân. Cứ ngồi như vậy hồi lâu, đợi bọn tuần đinh đi xa, tôi và anh mới lên đường đi tiếp. Đi được mấy cây số nữa thì anh không tài nào lê gót được nữa vì chân sưng phồng hết cả. May thay lúc ấy xuất hiện một chiếc xe tay. Tôi liền gọi thuê chở. Người kéo xe đòi bốn hào cho đoạn đường dài chừng vài cây số. Tôi mặc cả bớt đi nhưng người phu cứ nhất định đòi đúng bốn hào. Tôi buộc phải đồng ý, mặc dù lệ phí đi đường Đảng giao chỉ có một hào. Đến cầu Ghềnh, chúng tôi lại phải đi bộ một đoạn đường nữa mới tới cơ sở. Đầu tiên tôi đưa anh tới nhà anh Mai Vy, sau đó anh Mai Vy lại đưa anh Trường Chinh tới nhà anh Chất, anh ruột anh Mai Vy. Tại đây các anh Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt đã chờ sẵn. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, các anh hỏi han nhau đủ thứ. Song các anh cũng chỉ hàn huyên một chút thôi, rồi ba người chụm đầu vào nhau bàn tính công việc sắp tới.

Anh Trường Chinh ở Bắc Ninh một thời gian ngắn, Tại đây anh có dịp đọc một số tờ báo cùng những tài liệu quan trọng từ các cơ sở ở Hà Nội gửi lên. Qua sách báo và tài liệu, anh thấy rằng, tình hình thế giới đang có những biến động không chỉ hằng ngày mà thậm chí hằng giờ. Nhân dân ba nước Đông Dương đang lâm vào cảnh nước sôi lửa bỏng. Vào khoảng giữa năm 1940, anh quyết định về hoạt động gần Hà Nội, tổ chức bố trí anh về sống ở làng Vạn Phúc, tại nhà anh Nguyễn Văn Mạn. Đến cuối năm 1940 thì cơ quan Xứ ủy Bắc Kỳ cũng chuyển về Đông Anh. Tại đây, anh đã tổ chức ra "An toàn khu" giữa lòng địch, cơ quan đầu não của Đảng. Bọn địch đánh hơi thấy, lùng sục, khủng bố gắt gao. Tôi nhớ có một lần anh Trường Chinh đang họp bàn công tác với các anh trong Xứ ủy Bắc Kỳ, tại quán cơm ông Cả Phê ở Chèm. Bỗng bọn địch ập đến bao vây. Ông Cả Phê nhanh trí nói to lên mấy tiếng mời chúng vào ăn cơm, tín hiệu báo cho các đồng chí biết là có địch. Nhờ đó, chúng tôi đã bố trí để các anh trốn thoát an toàn. Nhưng tôi và ông Cả Phê bị sa vào tay giặc.

Mặc dù bị tra tấn rất tàn nhẫn nhưng chúng tôi kiên quyết không khai báo với địch bất cứ điều gì về cơ sở của ta, về anh Trường Chinh và các đồng chí của mình. Ông Cả Phê, tên thật là Nguyễn Văn Thận, ở bến Chèm. Con người trông bề ngoài có vẻ chậm chạp, nhưng lại vô cùng gan dạ. Trước mọi đòn hiểm độc của quân thù, ông luôn tỏ rõ lòng trung thành với Đảng, với cách mạng.

Bị địch bắt, song tôi thấy lòng mình rất thanh thản và vững tin vào thắng lợi của cách mạng./.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com