Nhớ về đồng chí Trường Chinh với việc in báo Đảng thời kỳ bí mật và xây dựng ngành in cách mạng Việt Nam (kỳ 8)

07:05, 30/05/2019

Nguyễn Lương Hoàng

(tiếp theo)

Cái tên xưởng in Tiến Bộ ra đời

Trong lúc tôi đang say sưa lao vào công tác xây dựng bộ máy chính quyền của huyện và các xã trong huyện thì Tỉnh ủy Phúc Yên cho biết là anh Xuân Thủy có đặt vấn đề với tỉnh chuyển tôi về công tác ở báo Cứu Quốc tại Hà Nội. Nhưng Tỉnh ủy (lúc đó do đồng chí Vũ Ngọc Linh làm Bí thư) đã đề nghị giữ tôi ở lại để tiếp tục công tác vì đang có hiệu quả tốt.

Nhưng đến dịp kỷ niệm một năm giành chính quyền (tháng 8- 1946) thì cả Tỉnh ủy và tôi đều phải chấp hành một lệnh điều động khác. Tỉnh báo cho thời gian và địa điểm cụ thể mà tôi phải có mặt ở Hà Nội.

Đồng chí Trường Chinh tại buổi khai mạc kỳ họp thứ hai Hội đồng bầu cử toàn quốc, ngày 7-5-1976.
Đồng chí Trường Chinh tại buổi khai mạc kỳ họp thứ hai Hội đồng bầu cử toàn quốc, ngày 7-5-1976.

Thế là tôi phải khẩn trương báo cáo với Thường vụ Huyện ủy Yên Lãng lúc đó do đồng chí Đào Văn Mỹ làm Bí thư, rồi tổ chức việc bàn giao lại công tác của huyện và ngày 25-8-1946, tôi đạp xe với một túi nhỏ quần áo, đồ dùng vặt vãnh về số nhà 24 phố Phan Chu Trinh (bây giờ là phố Nguyễn Thái Học). Địa điểm này lúc bấy giờ là trụ sở công khai, có treo biển đàng hoàng là Tòa soạn báo Sự Thật, cơ quan tuyên truyền phổ biến của Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương. Người đầu tiên tôi tiếp xúc và báo cáo trông rất hiền hậu, vui vẻ, ân cần. Đồng chí tự giới thiệu là Lê Văn Lương, sau khi hỏi han tình hình của tôi, đồng chí cho biết công tác mới của tôi sẽ là: về giúp đồng chí Trường Chinh ở cơ quan riêng, vừa quản lý cơ quan, vừa làm một phần công tác văn thư ở đấy. Tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì lại được gần anh Toàn để phục vụ và học tập anh. Nhưng cũng rất lo vì tính tôi cũng còn thanh niên, sợ nhiều mặt dễ xảy ra sơ suất. Trước kia ở cơ quan in bí mật, thỉnh thoảng anh Toàn mới về công tác và khai hội. Nay phải ở liền cơ quan với anh, e sẽ khó tránh hết được khuyết điểm, nhược điểm của mình. Tôi cũng đem những suy nghĩ ấy giãi bày với đồng chí Lê Văn Lương. Nhưng đồng chí điềm đạm trấn an tôi và nói chính là đồng chí Trường Chinh đề xuất việc chuyển tôi về công tác ở cơ quan đồng chí nên không ai có ý kiến gì khác, vả lại người hiểu rõ quá trình công tác và con người của tôi thì chỉ có đồng chí Trường Chinh thôi, cho nên phải coi đây là một "vinh dự" mà chấp hành.

Đồng chí Lê Văn Lương viết thư tay cho tôi và chỉ địa điểm về số nhà 47 phố Hàng Chuối, Hà Nội. Vốn sinh ra và học ở Hà Nội nên tôi thông thạo mọi đường phố. Thế là tôi đạp xe đến thẳng luôn chỗ đó. Tòa nhà là một biệt thự ba tầng, ngoài có giàn hoa tím che phủ kín đáo. Tôi bấm chuông, một anh bảo vệ ra mở cửa. Tôi đưa giấy của đồng chí Lê Văn Lương ra. Anh bảo vệ xem xong mời tôi vào. Tôi cất xe, rửa qua tay chân rồi vào phòng của anh chuyện trò. Nhà cũng ít người. Anh cho biết tên anh là Vân, làm bảo vệ, có anh Hồng lo việc đi chợ cơm nước. Còn chỉ có hai đồng chí làm công tác là bác Nhân và anh Hương. Thì ra anh Toàn đã đổi bí danh là anh Nhân, còn anh Hương thì tôi chưa biết là ai. Anh Vân nói đã được anh Hương dặn cho biết việc tổ chức điều tôi về đây công tác rồi. Phần nhiều các anh ấy buổi tối mới về. Buồng của tôi được bố trí ở tầng ba cùng với anh Nhân và anh Hương.

Tối về, gặp các anh, tôi vô cùng mừng rỡ, cảm động. Thì ra ngoài anh Nhân, đồng chí Tổng Bí thư kính mến, còn có anh Hương cũng là bạn quen biết khi tôi còn làm nhà in ở Hà Nội (lúc bấy giờ, tên anh thường gọi là Trần Ngọc Ban. Và sau này mới gọi là Mười Hương). Vì hồi đó tôi có quen anh Kiên cũng làm ở Nhà in Viễn Đông (IDEO) với tôi, nhưng anh có trình độ văn hóa cao hơn tôi nên hay thích nghiên cứu về in. Anh ở chung với một số anh em khác (lúc đó gọi là pôpốt) ở gác hai số nhà 6 bis phố Miribel (nay là phố Trần Nhân Tông) gần chợ Hôm. Trong pôpốt này có anh Hương và một số anh khác mà tôi còn nhớ như: Dương Thiết Sơn (sau này là Đại sứ của ta ở Inđônêxia), anh Giảng ở ngành Thể dục thể thao...

Anh Hương hồi đó hoạt động trong sinh viên, tôi ở công nhân cứu quốc, nên nói chung chỉ biết nhau chứ không có quan hệ công tác. Một buổi sáng sớm (khoảng năm 1942 gì đó, tôi không còn nhớ rõ), tôi đến sớm để gặp anh Kiên trước giờ đi làm, thì thấy cửa buồng mở toang, trong buồng lung tung sách báo, quần áo bừa bãi trên sàn, vắng tanh không còn ai. Tôi vội vã xuống ngay dưới nhà thì gặp một cô giúp việc của nhà dưới (lúc ấy thường gọi là cô Sen). Thấy dáng điệu tôi vội vã, cô nói nhỏ cho tôi biết là đêm qua mật thám đã về khám xét và bắt tất cả các cậu ấy đi rồi. Chúng nó còn hai đứa ở lại. May cho cậu là chúng nó vừa kéo nhau đi ăn sáng. Cậu chạy ngay đi. Tôi chỉ còn vội nói câu cảm ơn và tìm cách chuồn cho nhanh. Thế là thoát.

Nay được gặp lại anh Hương ở cùng cơ quan riêng với đồng chí Tổng Bí thư thì hỏi làm sao tôi lại không thấy mừng và yên tâm?

(còn nữa)

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com