Nhớ về đồng chí Trường Chinh với việc in báo Đảng thời kỳ bí mật và xây dựng ngành in cách mạng Việt Nam (kỳ 6)

06:05, 23/05/2019

Nguyễn Lương Hoàng

(tiếp theo)

Tình hình xã hội nước ta lúc đó vô cùng khó khăn, phức tạp, đời sống nhân dân đói khổ cơ cực. Cuối năm 1944, nạn đói bắt đầu xảy ra. Gia đình anh chị Quản Lanh cũng khá lao đao. "Nhà in" nhận được nhiệm vụ khẩn cấp in cuốn Đặc san Cứu quốc về vấn đề hải ngoại, số trang khá dày mà yêu cầu phải in thật nhanh. Không may lúc đó lại xảy ra việc tranh chấp đất bãi để tranh thủ trồng ngô và đỗ cứu đói giữa hai làng Tráng Việt và Đông Cao ở liền nhau. Anh Suổi thành viên trong tổ chức thanh niên của làng Tráng Việt, đã được cử đi học võ để tổ chức Tự vệ Cứu quốc, cũng tham gia việc xô xát tranh chấp giữa hai làng. Và lính phủ Yên Lãng kéo về. "Nhà in" bị đe dọa. Nếu không mau chóng dẹp cho ổn thỏa việc tranh chấp này giữa hai làng thì rất có thể bọn phát xít Nhật cũng kéo về can thiệp.

Sau khi chúng tôi và vợ chồng anh Quản Lanh thống nhất với nhau hướng giải quyết để thuyết phục các chức sắc hai làng, thì đến việc lo đề phòng cho "nhà in" được an toàn mà tiến hành gấp việc in Đặc san. Cụ Phán rất tinh tường đã đưa ra ý kiến quyết đoán ngay: phải chuyển toàn bộ "nhà in" ở buồng trong nhà anh Suổi lên nhà trên, chỗ cụ, gia đình anh chị Quản Lanh và các cháu đang ở. Nhưng không phải là ở trong nhà vì hàng ngày vẫn có nhiều khách ra vào.

Đồng chí Trường Chinh với những người làm công tác Điện ảnh Việt Nam.
Đồng chí Trường Chinh với những người làm công tác Điện ảnh Việt Nam.

Và đây quả là một điều bất ngờ trong suốt cuộc đời làm nhà in bí mật của chúng tôi. Không phải là đào hầm bí mật, vì không thể kịp và dễ bị lộ. Liền cuối góc nhà, có bếp đun. Cạnh bếp đun là một cái chuồng trâu khá vững chắc rộng chừng độ hơn 10 mét vuông. Nhưng lúc đó lại đang nuôi một con bò sắp đẻ chung với đôi lợn, bên trên gác đầy những lồng cụp để đánh cá mỗi vụ nước. Thế là cụ quyết định phải dọn dẹp ngay bên trên cái chuồng trâu ấy. Nhà lúc đó rất may còn một cái thuyền thúng cũ, có thể phá bỏ cạp thuyền để đưa lên làm một cái sàn nhà, khá vững chắc, chung quanh xếp đầy lồng cụp đánh cá, rất kín mà lại rất thoáng. Cũng may đằng sau là một mảnh vườn nhỏ của nhà bên cạnh, ít người qua lại. Ngoài những đồ đạc, "máy in", giấy mực... còn phải bố trí một thúng gio để làm "toa lét" hàng ngày. Rồi phải gọi ngay người mua lợn vào bán đi đôi lợn. Lúc đó chúng tôi đã yên vị trên gác có "nhà in" rồi. Cụ Phán thì đang làm tổng vệ sinh bên dưới, có chỗ đã dọn hết phân bò, phân lợn và thay vào là những đống gạch vụn đang được san bằng, trông cũng đẹp mắt, đỡ bẩn. Bỗng hai người lái lợn nói oang oang bên dưới: Cụ ơi, sao cụ làm cẩn thận thế, giá mà đem rải chiếu mà ngồi đánh tổ tôm cũng được đấy! Chúng tôi đang sắp chữ bên trên, giật thót mình nhìn nhau lo lắng. Nhưng rồi anh Quản Lanh cũng rất thính nhạy, nhận ngay giá mua của họ đặt ra hơi rẻ một chút cho xong. Thế là lợn được bán, chuồng được dọn sạch. Ban ngày con bò chửa được đưa ra buộc ngoài vườn có nhiều cỏ và tiện cho các cháu trông nom. Ở đây có cái sân rộng ai vào cũng phải đánh tiếng từ ngoài cổng nên việc trông nom, bảo vệ tương đối an toàn.

Việc in cuốn Đặc san có khó khăn hơn những tài liệu khác vì khổ rộng, mỗi trang sắp chữ phải chia đôi, in làm hai lần. Chữ tít tôi phải kẻ lên đá, in một lần nữa. Thế là "nhà in" không phải là "độn thổ" mà lại "thăng thiên", mỗi trang phải in tới ba lần, nhưng thật là đẹp vì chữ in typô sắc nét, sáng sủa, mà chữ tít mỗi bài rất phong phú, đa dạng. Bìa phải in loại giấy dày, bìa 4 lại phải in chữ Hán: Cứu quốc Đặc san - Hải ngoại vấn đề, tôi cũng can lên đá và in rất sạch sẽ.

Cũng may suốt một tuần in cuốn Đặc san trên gác chuồng trâu, không còn xảy ra xô xát giữa hai làng nữa. Lính phủ Yên Lãng chỉ đá gà đá vịt, nên mọi sự an toàn, trôi chảy. Nhưng đến ngày gần xong lại xảy ra một chuyện cũng suýt "vỡ nhà in". Đó là một buổi sáng, chúng tôi phải leo lên "gác" từ tinh mơ và xếp lại những lồng cụp thật kín đáo, vừa xong thì nghe tiếng cụ Phán nói to: Chúng mày dậy mau, con bò đẻ rồi. Cuối năm trời rét, cụ thương mẹ con con bò vừa đẻ. Thế là cụ vơ rơm rạ đốt ngay bên dưới sưởi ấm cho bò. Khói um lên, cứ xông lên "nhà in". Chỉ khổ cho anh Trường, bị đau mắt hột nặng. Tôi chỉ kịp vơ vội được chiếc khăn mặt ướt đưa cho anh và thì thầm vào tai: cố mà nhịn, tuyệt đối không được để tiếng ho sặc đấy nhé. Vì ở bên dưới, trẻ con hàng xóm đã kéo nhau sang xem bò đẻ đông lắm.

Anh Quản Lanh lại cũng là cứu tinh cho chúng tôi. Anh mau chóng vào chuồng, tháo dây bò rồi khéo dắt cả hai mẹ con bò đẻ ra góc vườn chuối sau nhà kín đáo và chăm sóc. Thế là chúng tôi "thoát nạn".

 (còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com