Nguyễn Lương Hoàng
(tiếp theo)
Nhà in Trần Phú in chữ đúc Typô
Giữa năm 1944, tôi được anh Toàn điều động rời cơ quan in báo Cờ Giải Phóng ở Viên Nội để đi xây dựng một cơ quan in bí mật khác, nhưng bằng chữ đúc chì (typô) giống như các loại ấn phẩm của các nhà in ở Hà Nội. Chủ trương của anh Toàn chỉ đạo tổ chức nhà in typô này là vừa tăng thêm cơ sở in của Đảng, vừa đánh vào tinh thần của địch và bè lũ tay sai cho là ta có một nhà in bằng máy typô, như vậy phong trào Việt Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương phát triển mạnh mẽ quá rồi, chúng càng thêm hoang mang, bối rối.
Lập nhà in chữ đúc này nói chung khác hẳn với cơ quan in đá trước đây, nó phức tạp hơn và phải chuẩn bị nhiều thứ hơn. Nhưng trước đó tôi đã bàn kỹ với anh Long là chỉ dùng hai kiểu chữ sắp bài mà chỉ nhà in lớn nhất Đông Dương hồi đó mới có là Nhà in Viễn Đông (IDEO) ở Hà Nội. Các hội viên công nhân cứu quốc in của ta trong nhà in này đủ sức cung cấp chữ đúc chì cho cơ quan in bí mật của Đảng. Khó nhất là máy in. Thông thường một chiếc máy in typô nhẹ nhất cũng phải tới 5 tạ. Dùng máy đó thì làm sao giữ được bí mật khi vận chuyển, lúc in tài liệu? Do đó, rút kinh nghiệm trước đó, tôi chỉ dùng hai bộ trục xe đạp, một khuôn chữ bằng bốn thanh sắt nhỏ và hai mặt gỗ dày. Thế là thành một cái máy in bằng thủ công. Tất cả chỉ nặng độ 5kg, và nếu có động thì chỉ cần một phút là tháo rời đi cất giấu rất tiện, rất nhanh. Tuy hơi phải dùng sức lúc dập in, nhưng lúc đó đang là thanh niên, rất hăng hái nên không thấy mệt nhọc lắm. Sau khi tôi báo cáo với anh Toàn, anh đã dành một buổi về thăm, xem việc in thử, thấy đạt yêu cầu, anh rất vui, và động viên tôi hoàn chỉnh. Một thanh niên cứu quốc được điều về ngay cơ quan để cùng làm việc với tôi. Đó là anh Trường. Sau này anh được chuyển sang Giải phóng quân. Hết chống Mỹ cứu nước, anh là Phó Chính ủy Binh đoàn Trường Sơn. Hiện nay anh đã nghỉ hưu ở quê nhà tại xã Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh.
Cơ quan nhà in chữ đúc typô đến đóng tại một làng hẻo lánh bên sông Hồng, cách Hà Nội khoảng gần 20km. Đó là xã Tráng Việt, phủ Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên (nay thuộc huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc). Địa điểm này do đồng chí Mẫn (tức đồng chí Lê Quang Đạo) phát hiện và tuyên truyền giác ngộ gia đình, thuộc ATK (An toàn khu gần Hà Nội). Sau đó đồng chí Mẫn mời đồng chí Tổng Bí thư về xem xét. Cả hai đồng chí đều thấy đây là một địa điểm làm việc rất an toàn nên dành riêng cho anh Toàn sử dụng ăn, ở, làm việc, cả gia đình, từ cụ chủ nhà Ngô Văn Phán, hai người con trai đều đã lập gia đình là Ngô Văn Mạo, Hoàng Thị Long và Ngô Văn Suổi, Trần Thị Sánh cho đến bốn người con của đồng chí Mạo mới từ 12 tuổi trở xuống, đều rất có ý thức bảo vệ bí mật. Gần đó có đồng chí Tấu, chuyên lo việc giao thông liên lạc nên rất thuận tiện. Điểm liên hệ mỗi tuần là Chợ Yên (làng Yên Nhân) ở bên trong đê sông Hồng. Hôm tôi chuyển về thì đi theo chị Sáu, đến chợ Yên thì bàn giao cho đồng chí Mạo (lúc đó thường gọi là anh chị Quản Lanh. Quản là một chức sắc của xã, còn Lanh là tên con gái đầu lòng).
Tôi phải viết hơi kỹ một chút vì theo nhận xét và cách bố trí của anh Toàn, đây là một cơ quan in có tầm đặc biệt quan trọng. Nếu Đảng ta tổ chức được một cơ quan in bằng chữ đúc typô thì đó là một thắng lợi lớn trong công tác tuyên truyền, cổ động và đánh địch mạnh mẽ, làm cho uy tín của Đảng ngày càng tăng và phong trào cách mạng phát triển nhanh tiến tới Tổng khởi nghĩa. Vì vậy, anh đã nhường hẳn địa điểm này cho "nhà in", còn anh lại chuyển sang một nơi khác trong An toàn khu. Sau này cũng chỉ mình anh đi về làm việc với chúng tôi, không một đồng chí nào khác được giao nhiệm vụ đến "nhà in". Chỉ tới sau khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), đồng chí Tổng Bí thư chuẩn bị lên Tân Trào dự Quốc dân Đại hội thì Trung ương mới quyết định đồng chí Lê Hiểu về thay (tức đồng chí Nguyễn Lam). Còn các đồng chí giao thông, liên lạc khác của Trung ương như chị Lương (tức chị Hải, vợ anh Tô Quang Đẩu sau này) hay chị Kỳ (vợ anh Văn Tiến Dũng sau này) cũng chỉ gặp tôi trao đổi công tác ở Chợ Yên mà thôi. Vì vậy, tuy cũng có xảy ra vài việc phải đề phòng, nhưng "nhà in" vẫn hoạt động và tồn tại cho tới khi Tổng khởi nghĩa năm 1945 thắng lợi.
Anh Toàn đã chỉ đạo "nhà in" chúng tôi in rất nhiều tài liệu quan trọng của Đảng và Tổng bộ Việt Minh. Tài liệu đầu tiên là "Chỉ thị về sửa soạn khởi nghĩa", rồi đến nhiều văn kiện quan trọng khác. Sang đến đầu năm 1945 thì phải in cả Thẻ thuế thân giả để giúp cho cán bộ đi hoạt động dễ dàng. Rồi để tạo nguồn tài chính cho Tổng bộ Việt Minh, chúng tôi lại được giao in tín phiếu Tổ quốc ghi tên để vận động đồng bào trong cả nước ủng hộ tài chính cho cách mạng.
(còn nữa)