Những năm đầu thập niên 1960, chính trường miền Nam Việt Nam rơi vào tình thế rối ren, hỗn loạn. Để cứu nguy sự khủng hoảng có thể dẫn đến sụp đổ của chế độ cộng hòa miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ đã ồ ạt đưa quân đội viễn chinh và chư hầu vào tham chiến tại miền Nam. Thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” thay vì chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đã bị thất bại, chỉ trong vòng 6 tháng (từ ngày 28-1 đến 28-7-1965), lực lượng quân Mỹ đã tăng từ 16 nghìn lên 23 nghìn, rồi 175 nghìn quân. Đồng thời, sau “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” (tháng 8-1964), Tổng thống Mỹ Lyadon Johnson còn ra lệnh cho máy bay, pháo hạm oanh kích miền Bắc Việt Nam làm cho tình hình chiến sự cả nước càng thêm khó khăn khốc liệt.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 (từ ngày 25 đến 27-3-1965) và Chỉ thị 81 của Bộ Chính trị về chuyển từ thời bình sang thời chiến và chống chiến tranh phá hoại, khắp nơi hừng hực khí thế chuẩn bị kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, ở miền Bắc, lớp lớp thanh niên lên đường nhập ngũ. Hầu hết ở các làng quê, nhà máy, nông trường, phố phường…, lực lượng lao động còn lại phần đông là phụ nữ, người trung tuổi hoặc cao tuổi phải thực hiện “mỗi người phải làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “tay cày tay súng”, “tay búa tay súng”, “tay bút tay súng”. Vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương thay thế những người ra mặt trận. Thấm nhuần sâu sắc đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng và Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị chính trị đặc biệt (ngày 27-3-1964), từ đầu năm 1965, cùng với việc tăng cường xây dựng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, lực lượng dân quân tự vệ cũng nhanh chóng được xây dựng, bổ sung củng cố ở các làng xã, phố phường, cơ quan, công trường, nông trường, nhà máy, xí nghiệp.
Năm 1965, Tỉnh ủy Nam Định, Nam Hà (sau khi hợp nhất với tỉnh Hà Nam) đã ra 2 nghị quyết về công tác dân quân, tự vệ và xây dựng làng chiến đấu; nêu rõ nhiệm vụ, mục tiêu và biện pháp thực hiện. Chưa đầy một năm thực hiện, lực lượng dân quân tự vệ trong tỉnh đã nhanh chóng phát triển cả về số lượng, tổ chức và trang bị. Mỗi đơn vị hành chính cơ sở (xã, khu phố, cơ quan, xí nghiệp…) có một trung đội dân quân hoặc tự vệ tập trung làm nhiệm vụ thường trực sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ trật tự trị an ở địa bàn và sẵn sàng cơ động khi có nhiệm vụ đột xuất. Tỉnh quy định chế độ phụ cấp công điểm của hợp tác xã cho dân quân; dân quân làm nhiệm vụ trực chiến thường xuyên ở các chốt trọng điểm ven biển, giao thông cầu cống… được cấp bù mức ăn tương đương 21kg gạo hàng tháng. Hàng năm các hợp tác xã trích 1% tổng thu nhập để lập quỹ dự phòng sản xuất và chiến đấu. Tự vệ tập trung ở các cơ quan, xí nghiệp… được hưởng nguyên lương như sản xuất, công tác và một khoản phụ cấp nhất định. Các huyện lớn như Xuân Thủy (nay là Xuân Trường, Giao Thủy), Nam Ninh (Nam Trực, Trực Ninh), Ý Yên và Hải Hậu (bao gồm cả 7 xã thuộc huyện Trực Ninh ngày nay) lực lượng dân quân tự vệ có từ hơn 9.000 đến 13 nghìn người. Huyện Nghĩa Hưng, Vụ Bản gần 6.000 người. Ở Thành phố Nam Định từ năm 1965 đến năm 1968 có 14.366 dân quân tự vệ được tổ chức thành 78 đại đội, 305 trung đội. Trong đó, lực lượng công binh nhân dân có 3 trung đội cơ động và 4 trung đội ở 4 khu phố gồm 829 người. Riêng Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định (nay là Tổng Công ty Cổ phần Dệt - May Nam Định) năm 1965 có 2 tiểu đoàn tự vệ, đến năm 1972 khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2 thì lực lượng này phát triển thành một trung đoàn, gồm hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ với biên chế thống nhất, chặt chẽ. Trong đó có 9 đại đội pháo cao xạ từ 14,5 ly, 37 ly, 57 ly tới 100 ly. Nhà máy Tơ (nay là Công ty Cổ phần Dệt Lụa) có 1 tiểu đoàn tự vệ, trong đó có 1 đại đội pháo 100 ly (bắn trực tiếp). Tất cả các tổ (chốt) trực chiến ở các địa phương đều được trang bị súng trường (loại CKC, K44), súng trung, đại liên (loại culi-nốp hoặc Brao-ninh); ở 3 huyện ven biển: Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Xuân Thủy được trang bị một số súng 12,7 ly. Tự vệ Thành phố Nam Định có 5 phân đội (tương đương đại đội) súng máy cao xạ 12,7 ly và đại liên culi-nốp. Đồng thời có 3 trạm quan sát máy bay đặt tại nóc nhà Ngân hàng (tỉnh), Nhà thờ Santoma và Cột cờ thành phố.
Dân quân tự vệ từ thành phố đến nông thôn đều thực hiện thường xuyên chương trình, kế hoạch huấn luyện quân sự, luyện tập phương án tác chiến. Ngoài duy trì nhiệm vụ các “tổ săn máy bay” còn hình thành các tổ trinh sát, quân báo, giao thông, các đội xung kích chống bão lụt, làm thủy lợi, làm phân bón… Nhờ đó mà tạo được khí thế thi đua “Mỗi người dân là một chiến sĩ kiên cường chống Mỹ, mỗi làng là một pháo đài, mỗi hợp tác xã là một đơn vị sản xuất và chiến đấu giỏi…", tạo nên phong trào sôi động rộng khắp. Với sự hăng hái, tích cực của dân quân tự vệ mà hàng vạn hầm, hào trú ẩn được đào ở cả đường phố tới xóm làng, trường học; hàng chục trận địa pháo, trận địa tên lửa được xây dựng nhanh chóng, phục vụ cho chiến đấu của các đơn vị bộ đội.
Khi đế quốc Mỹ “leo thang” đánh phá đến địa bàn của tỉnh, trận đầu tiên vào buổi sáng ngày 22-5-1965, pháo hạm và máy bay bắn phá dữ dội vùng ven biển Thịnh Long, dân quân và bộ đội địa phương đã phối hợp chiến đấu kiên cường bắn cháy 1 tàu chiến Mỹ, đồng thời cứu nguy một tàu chở hàng (của hàng hải) bị địch bắn hư hỏng nặng, một số thủy thủ bị thương vong. Tiếp đó, ngày 2 và 4-7-1965 nhiều tốp máy bay Mỹ lao vào đánh phá nhiều mục tiêu ở Thành phố Nam Định, dân quân tự vệ Liên hợp Dệt, Chi cục Xăng dầu, Bưu điện tỉnh và khu phố 4, khu phố 6 đã phối hợp chiến đấu ngoan cường, các trận địa pháo cao xạ thuộc Trung đoàn 250 bắn rơi 4 máy bay địch và bắn cháy 2 chiếc khác. Ngoài lực lượng trực tiếp chiến đấu, rất nhiều dân quân tự vệ xung kích còn tham gia tiếp đạn, vận chuyển cấp cứu thương binh, dập lửa kho xăng bị cháy, khắc phục hậu quả những nơi bị bom đạn địch phá hoại… Lực lượng tự vệ trong ngành thương nghiệp, bất chấp hiểm nguy, bom đạn kịp thời tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bộ đội chiến đấu tại trận địa. Chính sự hợp đồng chặt chẽ, sự dũng cảm bất chấp hiểm nguy vào trận của các lực lượng đó đã tạo nên tinh thần, sức mạnh chiến đấu kiên cường của quân và dân Thành Nam.
Đế quốc Mỹ càng “leo thang” mở rộng quy mô, cường độ đánh phá miền Bắc càng bùng phát hơn ý chí quyết tâm và khả năng chiến đấu của các lực lượng phòng không nhân dân. Ngoài phối hợp tác chiến thường xuyên với các đơn vị bộ đội pháo cao xạ, dân quân tự vệ nhiều địa phương trong tỉnh đã chủ động thực hiện nghiêm nhiệm vụ thường trực chiến đấu tại các trận địa, các “chốt” trọng điểm; lập nhiều chiến công xuất sắc. Ngày 13-8-1965, dân quân xã Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng) bắn rơi 1 máy bay A4. Ngày 27-2-1966, dân quân xã Hải Chính, huyện Hải Hậu với 19 viên đạn súng máy đã bắn rơi 1 máy bay F4. Ngày 10-10-1966, dân quân xã Lê Lợi và Liên Phương, huyện Vụ Bản bắn rơi 1 máy bay A4 tại khu vực cầu Chuối vào 9 giờ 36 phút. Đêm cùng ngày, dân quân xã Giao Hải, Giao Long bắn rơi 1 chiếc A6 gần cống số 9 (Giao Thủy). Ngày 28-6-1967, bộ đội pháo cao xạ và tự vệ Thành phố Nam Định phối hợp bắn rơi 3 máy bay Mỹ bắt sống giặc lái. Ngày 5-8-1967, tổng kho hàng hóa ở Đò Chè bị máy bay Mỹ bắn phá, cháy 2 kho hàng. Với tinh thần bền bỉ, dũng cảm và sáng tạo, tự vệ thành phố đã lao vào cứu người thương vong, cứu hàng chục tấn lương thực, 500 phuy xăng, 800 phuy thuốc trừ sâu và các loại hóa chất khác. Ngày 14-11 và 19-12-1967 dân quân huyện Giao Thủy và Hải Hậu bắn rơi 1 máy bay A4 và 1 máy bay A6. Ngày 14-5-1972, dân quân xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng) với 32 viên đạn 14,5 ly bắn rơi 1 máy bay F8, lúc 17 giờ 28 phút. Ngày 11-6-1972, tự vệ Liên hợp Dệt phối hợp với Tiểu đoàn 6 pháo cao xạ bắn rơi tại chỗ 1 máy bay A7, bắt sống 1 giặc lái (1 chết tại chỗ). Ngày 22-7-1972, trận địa pháo 100 ly của tự vệ Liên hợp Dệt tại Vị Dương bắn trực tiếp bằng kính ngắm (không khí tài) hạ 1 máy bay A4. Cùng ngày bộ đội pháo cao xạ phối hợp bắn rơi 2 máy bay A7…
Trên mặt trận Giao thông - Vận tải với quyết tâm “Địch đánh ta sửa, ta đi”, “Địch đánh ta cứ đi”, các chiến sĩ tự vệ Giao thông - Vận tải đã thực hiện tốt kế hoạch trung chuyển hàng hóa, vũ khí ra tiền tuyến (từ Nam Định vào Thanh Hóa - Vinh) thông suốt cả đường thủy, đường bộ với khối lượng hàng vạn tấn. Đồng thời đã đào đắp hàng chục vạn mét khối đất, đá; cải tạo và làm mới hàng trăm km đường vòng, đường tránh, cầu phao, cầu cáp, bến phà… Tiêu biểu nhất là chiến dịch vận chuyển 9.760 tấn lương thực vào Nghệ Tĩnh (từ ngày 2-6 đến 31-8-1972) do tự vệ Xí nghiệp Vận tải ô tô (tỉnh) và các đội vận tải đường sông: Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Hợp tác xã Tháng Tám và Thanh Phú đảm nhiệm đã đạt kết quả xuất sắc. Đặc biệt vào thời điểm đế quốc Mỹ tiến hành phong tỏa tuyến giao thông đường thủy bằng thủy lôi, bom từ trường nổ chậm ở các cửa sông ven biển đầu năm 1968 và năm 1972, tổ công binh dân quân xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) do xã đội phó Vũ Thị Thanh Nhâm chỉ huy đã dũng cảm, sáng tạo rà phá, làm nổ hàng chục quả bom của địch, bảo đảm an toàn cho bến đò, cầu cống, khai thông tuyến vận tải thủy trên địa bàn. Với sự dũng cảm, sáng tạo và chiến công độc đáo đó, Vũ Thị Thanh Nhâm đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Có thể nói, trong hai giai đoạn chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1965-1968 và 1972), dân quân tự vệ Nam Định thực sự trưởng thành cả về lực lượng, tổ chức, cả về khả năng kỹ thuật chiến đấu; đã đảm nhận và hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ quan trọng. Vượt qua khó khăn thách thức, dũng cảm, mưu trí trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, lập nhiều thành tích xuất sắc, độc lập bắn rơi 11 máy bay Mỹ, phối hợp với bộ đội bắn rơi 63 máy bay, bắn cháy 3 tàu chiến; góp phần vào chiến công chung của cả nước làm nên đại thắng Mùa Xuân 1975 - Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước./.
Ngô Tiến Vạnh
Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh