Đường Hồ Chí Minh - Một kỳ công chiến lược

08:05, 17/05/2019

Cách đây tròn 60 năm, tuyến chi viện chiến lược cho các chiến trường miền Nam và hai nước bạn ra đời. Người Việt Nam gọi đó là tuyến 559, đường dây 559, đường dây “ông cụ”, tuyến giao thông 559, đường Hồ Chí Minh… người phương Tây thì gọi đó là đường “mòn” Hồ Chí Minh… Dù cách gọi khác nhau, nhưng tất cả đều thống nhất trong nhận định: Đó là một kỳ công chiến lược, một hiện tượng “độc nhất vô nhị” trong lịch sử quân sự thế giới đương đại.

Con đường mòn bất khả xâm phạm

Với người Mỹ, đường “mòn” Hồ Chí Minh đã trở thành “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”. Đó không chỉ là con đường tiếp tế, mà còn là biểu tượng của cuộc chiến tranh Việt Nam. Người Mỹ coi những sự đau khổ của họ “bắt nguồn chủ yếu từ con đường mòn bất khả xâm phạm này”.

Còn với người Việt Nam, tuyến chi viện chiến lược mang tên Hồ Chí Minh là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng. Đó là con đường nối liền Nam - Bắc, thống nhất nước nhà; và là con đường đoàn kết các dân tộc của ba nước Đông Dương.

Ngày 19-5-1959, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương “Mở con đường bí mật xuyên Trường Sơn để bảo đảm yêu cầu chi viện cho cách mạng miền Nam”. Kể từ đây, núi rừng Trường Sơn hùng vĩ trở thành “khu đệm”, thành “chiếc cầu” nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam và chiến trường Lào, Campuchia. Tuyến vận tải quân sự chiến lược Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh không chỉ làm nhiệm vụ vận chuyển cơ sở vật chất kỹ thuật, bảo đảm cơ động lực lượng và đưa đón cán bộ vào, ra cả ba chiến trường... mà còn đảm nhiệm vai trò xây dựng căn cứ chiến lược, làm chỗ dựa vững chắc cho các mặt trận, làm hậu phương trực tiếp cho chiến trường Nam Đông Dương, tạo chỗ đứng chân cho các binh đoàn chủ lực, các đoàn binh khí kỹ thuật. Đây còn là một mặt trận tổng hợp tiến công địch, nơi diễn ra cuộc chiến ngăn chặn và chống ngăn chặn hết sức quyết liệt giữa những đội quân tinh nhuệ, được trang bị những vũ khí vào loại tối tân bậc nhất của Mỹ và các nước đồng minh, với những con người Việt Nam “chân trần, chí thép”.

Đường Hồ Chí Minh - con đường huyền thoại. Ảnh: Tư liệu
Đường Hồ Chí Minh - con đường huyền thoại. Ảnh: Tư liệu

Từ 500 cán bộ, chiến sĩ của đội hình đầu tiên tiến vào rừng Trường Sơn soi đường, lập trạm; tuyến đường Hồ Chí Minh đã từng bước phát triển lớn mạnh, thật sự trở thành một chiến trường tổng hợp, hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, luôn đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của các hướng chiến trường. Từ một vài trục đường len lỏi giữa núi rừng bạt ngàn đã lan tỏa thành một mạng đường ngang dọc chạy từ Bắc vào Nam, từ Đông sang Tây Trường Sơn. Từ một đường dây gùi thồ bộ đã phát triển thành nhiều phương thức vận chuyển tổng hợp như vận tải cơ giới, vận tải đường sông, vận chuyển xăng dầu bằng đường ống, hành quân cơ giới...

Trên tuyến đường Hồ Chí Minh góp mặt hầu hết các lực lượng, từ cầu đường, vận tải, phòng không, bộ binh, công binh, giao liên, thông tin, cơ yếu, quân y... cho đến lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và nhiều binh chủng đặc biệt khác như văn hóa, văn nghệ, báo chí... Có thể nói hiếm có một tuyến đường vận tải nào tập trung một lực lượng đông đảo như vậy.

Qua 16 năm đương đầu với những thủ đoạn đánh phá, ngăn chặn xảo quyệt của địch, các lực lượng trên tuyến đường Hồ Chí Minh đã xây dụng được một mạng đường chiến lược có tổng chiều dài gần 20 nghìn km, bao gồm 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, tuyến “đường kín cho xe chạy ban ngày dài 3.140km, tuyến đường sông dài gần 500km nối liền từ Việt Nam qua Lào xuống Campuchia, tuyến đường ống dẫn xăng dầu dài gần 1.400km từ hậu phương lớn miền Bắc vào tận Lộc Ninh (Đông Nam Bộ). Để xây dựng được hệ thống đường ngang, dọc như vậy và bảo đảm giao thông thông suốt trên tuyến, Bộ đội Trường Sơn đã phải đào đắp, san lấp hố bom, gạt sụt lở với khối lượng xấp xỉ 21 triệu m3 đất đá, san lấp 56.750 hố bom địch ném trúng mặt đường, phá 12.600 quả bom nổ chậm và 85.100 quả mìn các loại. Đây thật sự là một kỳ tích bởi tuyến đường Hồ Chí Minh là nơi hợp điểm của sự tập trung đánh phá điên cuồng và liên tục của kẻ địch. Trong cuộc chiến chống ngăn chặn, Bộ đội Trường Sơn đã chiến đấu với không quân Mỹ 112.135 trận, với bộ binh địch hơn 2.500 trận lớn, nhỏ. Bộ đội Trường Sơn, qua tuyến đường Hồ Chí Minh, đã vận chuyển chi viện cho các chiến trường hơn 1,5 triệu tấn hàng hóa các loại và 5,5 triệu tấn xăng dầu; đưa đón hơn 1,1 triệu lượt người. Để giữ cho mạch máu giao thông luôn thông suốt, hơn 20 nghìn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã hy sinh, gần 30 nghìn người bị mang trên mình thương tật, hàng nghìn người bị nhiễm chất độc da cam.

Những “điểm nhấn” huyền thoại

Một trong những điểm nhấn tạo nên “kỳ công chiến lược” của tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại mà người phương Tây vô cùng thán phục chính là mạng “đường kín” và hệ thống đường ống xăng dầu chạy trong lòng đất. Đây là điều chưa có tiền lệ trong lịch sử vận tải quân sự thế giới. Bước vào năm 1971, trên tuyến đường Trường Sơn, không quân Mỹ giảm cường độ đánh phá các trọng điểm mà chuyển sang dùng AC 130 tập trung đánh xe vận tải vào ban đêm gây cho ta nhiều tổn thất về người và phương tiện. Trong bối cảnh đó, Bộ đội Trường Sơn đã nghĩ ra một phương thức vận tải mới - đó là xây dựng tuyến “đường kín” để có thể vận chuyển được cả ban ngày. Sau bảy tháng xây dựng, 1.190km đường kín đã được đưa vào sử dụng. Năm 1972, mạng “đường kín” đã đảm đương 70% lưu lượng xe hoạt động ban ngày an toàn. Với sự ra đời của mạng “đường kín”, năng lực vận tải của tuyến đường Hồ Chí Minh tăng gấp 3-4 lần; tổn thất người và phương tiện, hàng hóa giảm hàng chục lần.

Cùng với mạng “đường kín”, sự ra đời của tuyến đường ống vận chuyển xăng dầu trong lòng đất chạy dài từ Bắc vào Nam và sang Tây Trường Sơn cũng là một trong những “kỳ công” của Bộ đội Trường Sơn. Đầu tháng 3-1969, tuyến đường ống xăng dầu dài hơn 350km từ đèo Mụ Giạ qua Natong kéo xuống đến Kavat (Lào) đã hoàn thành và đưa vào vận hành. Đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, trên tuyến vận tải chiến lược đã có một hệ thống đường ống xăng dầu hoàn chỉnh với tổng chiều dài hơn 1.400km, đáp ứng hơn 90% nhu cầu nhiên liệu cho các loại phương tiện trên các chiến trường.

Con đường của khí phách và bản lĩnh Việt Nam

Trong cuộc chiến ngăn chặn, đế quốc Mỹ đã không từ một thủ đoạn đánh phá xảo quyệt nào, từ chiến tranh tổng lực thông thường đến chiến tranh điện tử, chiến tranh hóa học, chiến tranh khí tượng... sử dụng mọi loại vũ khí, trang bị tối tân nhất như B52, bom thông minh, cây nhiệt đới, máy đánh hơi người, băng ghi tiếng động... Chúng đã trút xuống núi rừng Trường Sơn hơn 2 triệu 350 nghìn tấn bom đạn, vượt cả số lượng bom đạn sử dụng trong cả Chiến tranh thế giới thứ hai; tiến hành hàng trăm đợt máy bay rải chất độc hóa học hủy diệt núi rừng Trường Sơn; tạo ra hàng trăm trọng điểm đánh phá ác liệt và dai dẳng trên suốt chiều dài của tuyến. Tuy vậy, mọi nỗ lực chiến tranh của Mỹ và quân đội Sài Gòn nhằm bóp nghẹt, ngăn chặn và triệt tiêu tuyến chi viện chiến lược mang tên Hồ Chí Minh đều thất bại, đúng như các chiến lược gia Mỹ thừa nhận: “Mỹ không có cách nào có thể ngăn chặn được nguồn tiếp tế vận chuyển qua đường mòn Hồ Chí Minh. Dù ném bom mạnh mẽ thế nào cũng không thể ngăn chặn được đường tiếp tế từ Bắc vào Nam Việt Nam”.

Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là con đường của ý chí quyết thắng, lòng dũng cảm; của khí phách anh hùng và bản lĩnh của người Việt Nam. Đó thật sự là một tượng đài bất tử, một kỳ công chiến lược mà như nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Jacques C.Despuech từng nhận xét: "Toàn bộ con đường mòn Hồ Chí Minh mà người ta nói hôm nay là tổng kết của hàng thế kỷ đấu tranh và áp bức, cho nên con đường ấy có sức sống mãnh liệt vì nó là tượng trưng cho sức chiến đấu của cả một dân tộc”. Người phương Tây có lý khi đem so sánh “Thành tích của Hannibat với những con đường vượt qua dãy núi Alps, của Bonaparte với con đường chuyển trọng pháo qua đèo Saint Bernard đã bị đẩy lùi quá xa khi nói đến con đường mòn Hồ Chí Minh”./.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Long

 




BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com