Minh Tranh
(tiếp theo)
Nhóm Tin Tức không những có tiếng nói vào ngày lễ 1 tháng 5 ở Hà Nội mà còn có tác dụng lớn và rõ rệt nhất trong đám tang của đồng chí Phan Thanh cũng vào năm ấy. Một số người Hà Nội chắc còn nhớ rất rõ đám tang lịch sử ấy có đông đảo quần chúng, không phải là hàng nghìn mà hàng vạn người, tham dự. Họ kéo đi từ Ngõ Trạm, trước cửa bệnh viện tư của bác sĩ Phạm Hữu Chương, một đảng viên của chi nhánh Đảng Xã hội Pháp lúc bấy giờ. Đám tang đông hiếm có ấy gồm tất cả đại diện các tầng lớp nhân dân Hà Nội kéo dài hàng kilômét, đặc biệt là học sinh và thầy cô giáo Trường Thăng Long. Tất cả cùng đi đến cuối phố Bạch Mai rồi rẽ vào nơi an táng người chiến sĩ dân chủ nổi tiếng Phan Thanh, đại biểu người Việt Nam trong các hội nghị kinh tế - tài chính của Đông Dương. Đám tang ấy chính là do nhóm Tin Tức tổ chức và đi đầu là các đồng chí Trần Huy Liệu, Trường Chinh, Phan Bôi, Trần Đình Long và các nhân viên, cán bộ báo Tin Tức đến đây dự lễ an táng. Người đọc điếu văn là đồng chí Trần Huy Liệu và sau đó đại diện các nhóm khác phát biểu. Theo tôi biết thì những người có trách nhiệm chủ chốt ở đây là các đồng chí Trường Chinh, Phan Bôi, Võ Nguyên Giáp.
Tôi cũng cần thêm rằng trong những năm 1938 - 1939 đã có một số đám tang nổi tiếng ở Hà Nội do nhóm Tin Tức đứng ra tổ chức: đó là đám tang của các đồng chí cộng sản nổi tiếng khi còn là đảng viên của Đảng Quốc dân Việt Nam do Nguyễn Thái Học đứng đầu, như đám tang của các đồng chí Lê Văn Phúc, Phạm Tuấn Tài.
Trụ sở báo Tin Tức và báo Đời Nay còn là nơi các đồng chí Trường Chinh, Trần Huy Liệu gặp gỡ các nhà báo có tên tuổi hồi bấy giờ. Tôi chỉ xin ghi ở đây tên các nhà văn như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Vỹ.
Tôi cũng không bao giờ quên một buổi đi bộ cùng đồng chí Trần Huy Liệu từ nhà báo Đời Nay đến Ngã Tư sở viếng Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu.
Đồng chí Trường Chinh là một nhà báo, chủ nhiệm chính trị của báo Tin Tức. Điều tôi thấy cần nhấn mạnh: đồng chí là một nhà cách mạng có nhiều kinh nghiệm vận động trí thức có uy tín và được mến phục.
Báo Tin Tức và báo Đời Nay là thời Mặt trận Dân chủ chống phát xít
Một số kỷ niệm ở đây về đồng chí Trường Chinh cần được trình bày rõ hơn trong một giai đoạn là thời kỳ dân chủ ở một nước thuộc địa của nước Pháp đang do Mặt trận Bình dân Pháp (gồm có Đảng Xã hội, Đảng Cộng sản Pháp) cầm đầu. Đối với Việt Nam trong thời gian này cần nói rõ thêm là nhân dân Việt Nam vẫn là những người nô lệ mất nước, sống ở một nước thuộc địa và nửa phong kiến, song là nô lệ của một nước mà kẻ thống trị không còn như trước nữa. Vì vậy, thời bấy giờ Đảng Cộng sản Việt Nam đã chia thực dân Pháp thành hai loại: một là tập đoàn thực dân phản động, hai là thực dân không phản động.
Quan hệ trong xã hội Việt Nam với nhau, giữa người Việt Nam với nhau trong ba năm đã mang nhiều màu sắc dân chủ. Ở đây, trong khuôn khổ của báo Tin Tức và Đời Nay, tôi muốn nhấn mạnh tính chất dân chủ giữa chúng tôi - những cán bộ nhân viên với các đồng chí lãnh đạo. Và ngược lại, giữa các đồng chí lãnh đạo với chúng tôi.
Các đồng chí lãnh đạo lúc bấy giờ chủ yếu là tù cộng sản mới được ân xá hoặc mới được hết hạn tù. Có thể kể, chẳng hạn như đồng chí Trường Chinh, đồng chí Trần Huy Liệu, đồng chí Ba Phúc, đồng chí Phan Bôi... Ngoài ra, lớp thanh niên, học sinh có đôi chút văn hóa được nhận vào công tác ở báo đồng thời cũng là những thành viên Công đoàn Dân chủ, những thành viên Đoàn thanh niên Dân chủ. Hơn nữa, giữa lớp thanh niên chúng tôi với các đồng chí lãnh đạo chênh lệch về tuổi tác chỉ khoảng 5-6 tuổi hoặc hơn nữa. Chẳng hạn như đồng chí Trường Chinh những năm ấy cũng chỉ xấp xỉ 30, còn tôi cũng đã trên 20 tuổi.
Từ Sài Gòn tôi ra Hà Nội nhận công tác ở báo Tin Tức sau hai năm trải qua không khí của Mặt trận Dân chủ. Rõ ràng là một không khí dân chủ ở một đất nước vẫn còn dấu vết nặng nề của những người dân mất nước, nay được hưởng dân chủ; trong các tờ báo của Mặt trận Dân chủ, người ta có cảm giác như quan hệ với nhau không theo trật tự phong kiến nữa.
Trong 10 tháng ở báo Tin Tức tôi còn giữ một ấn tượng về tình đồng chí, anh em, tình cảm thân mật gia đình giữa chúng tôi và các đàn anh đi trước. Tôi rất chú ý và ngạc nhiên thấy mối quan hệ giữa lớp người cao tuổi và người ít tuổi hơi quá suồng sã, tùy tiện xưng hô với nhau "mày, tao".
Riêng tôi đối với đồng chí Trường Chinh và một số đồng chí khác thì vẫn luôn cân nhắc, giữ gìn một cách như có chủ ý. Tôi nhớ lại các đồng chí Trường Chinh, Trần Huy Liệu, Ba Phúc, Phan Bôi không bao giờ xưng hô "mày, tao" và đối với đồng chí hơn tuổi, tôi vẫn giữ sự lễ phép trong quan hệ như với những người anh đi trước mà tôi hằng kính trọng.
Trên đây là những kỷ niệm mà tôi muốn ghi lại về đồng chí Trường Chinh trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ ở Hà Nội./.