Minh Tranh
(tiếp theo)
Tất nhiên, đối với tôi, việc nhận lời với anh Trần Đình Long thỏa mãn ước muốn từ lâu của tôi là được biết thành phố Nam Định và vùng nông thôn của Nam Định.
Tôi đã ăn Tết ở Hải Hậu, có lẽ một tuần hay lâu hơn nữa. Khi chúng tôi trở về Hà Nội thì tất cả mọi người đều đã có mặt đông đủ. Một hiện tượng xảy ra đối với tôi thật là bất ngờ.
Trong mấy ngày Tết cho đến những ngày sau Tết, thư từ các nơi gửi đến cho tòa báo cứ tiếp tục tăng lên, những bức thư tin tưởng thân tình gửi đến chúc Tết tòa báo, chúc các đồng chí lãnh đạo tờ báo, chúc nhóm Tin Tức ... Trong những bức thư ấy có chữ ký của đông đảo công nhân các nhà máy ở Hà Nội, Nam Định, Gia Lâm, Vinh; và có những bức thư của đồng bào Việt kiều ở Thái Lan như Uđon... Tất nhiên là có cả thư của nông dân các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa...
Phần nhiều các thư từ gửi tới đều kèm theo tiền ủng hộ tờ báo Tin Tức như thường lệ. Ngoài ra, có một số người đã gửi tiền ủng hộ tòa báo vì biết bọn mật thám Pháp đã tịch thu số báo Xuân và gây cho tờ báo những khó khăn về tài chính. Các thư từ loại này tự nó biểu hiện sự phản đối tập đoàn thực dân thống trị phản động ở Hà Nội và Bắc Kỳ hồi ấy.
Đồng chí quản lý trị sự tòa báo cho biết số tiền ủng hộ tờ báo nhân dịp Tết này cộng lại đến hôm ấy đã vượt xa số tiền chi phí hơn bốn chục đồng đã trả tiền in cho số báo Xuân.
Đáng mừng hơn là ngay trong dịp Tết, các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy Bắc Kỳ ở Hà Nội đã thu xếp mua lại giấy phép quyền ra báo Đời Nay của chủ nhân tờ báo Đời Nay đã có giấy phép mà vẫn chưa ra báo được.
Như vậy là sau khi báo Tin Tức bị cấm thì ở Hà Nội, báo Đời Nay đã ra đời, thay thế và tiếp tục sự nghiệp của báo Tin Tức. Với sự ra đời của báo Đời Nay, nhóm Tin Tức vẫn tồn tại. Và trong thực tế, đồng chí Trường Chinh vẫn giữ trách nhiệm chủ nhiệm chính trị, đồng chí Trần Huy Liệu vẫn tiếp tục làm chủ bút.
Hiện nay tôi không còn nhớ rõ số 1 của báo Đời Nay xuất bản vào thời gian nào, có lẽ chỉ vào khoảng đầu năm 1939. Đứng về mặt công khai thì người quản lý báo Đời Nay là Bùi Đăng Chi chứ không phải Trịnh Hoài Đức nữa, trụ sở báo không còn ở 105 đường Hăngri Đoóclêăng mà được dọn đến phố Hàng Lược gần chợ Đồng Xuân. Tuy nhiên, quan hệ của chúng tôi với những người ở đó vẫn rất khăng khít. Mặc dù về cơ bản, phần lớn ngôi nhà này đã cho gia đình người khác thuê, chỉ còn toàn bộ hành lang tầng hai, rộng khoảng 8 - 9m2, sát với đầu cầu thang, trông thẳng ra đường cái lớn, là do vợ chồng đồng chí Trần Đình Long thuê. Trong cái hành lang 8 – 9 m2 ấy, vợ chồng đồng chí Trần Đình Long ở khoảng 4 - 5m2, Còn lại chừng hơn 3m2 thì tôi và đồng chí Trường Chinh ở và làm việc. Hai chúng tôi là "khách trọ", còn cơm thì do chị Phương, vợ đồng chí Trần Đình Long nấu.
Sở dĩ tôi muốn trình bày rõ nơi ở này vì chính ở đây, từ khi báo Đời Nay xuất hiện, tôi đã được ở cùng với đồng chí Trường Chinh trên một cái giường nhỏ, cùng làm việc bên một cái bàn con trong suốt thời gian từ đầu Xuân 1939 đến khoảng tháng sáu năm ấy. Chính trong mấy tháng đó, tôi có điều kiện để hiểu sâu hơn một đồng chí lãnh đạo trực tiếp, mà tôi kính yêu cho đến ngày nay.
Những tháng đầu tiên công tác ở báo Tin Tức là thời gian tôi được rèn luyện tập sự làm báo. Rồi từ báo Tin Tức tôi được chuyển sang phục vụ báo Đời Nay với tư cách là một biên tập viên. Theo ý kiến của đồng chí Trần Huy Liệu và đồng chí Trường Chinh, những bài của tôi được đăng báo cần có bút danh. Dầu sao tự tôi vẫn còn mặc cảm vì trình độ của mình, nên đã đề nghị các đồng chí lãnh đạo tìm cho tôi một bút danh, một bút danh mà ngày nay khi nhớ lại tôi vẫn cảm thấy biết ơn đồng chí chủ bút và đồng chí chủ nhiệm chính trị hồi ấy. Người nêu sáng kiến đầu tiên là đồng chí Trần Huy Liệu, đồng chí đặt bút danh cho tôi là Sơn Tinh, ngay sau đó đồng chí Trường Chinh đã đồng ý.
Nếu khi còn báo Tin Tức, tôi chỉ viết những tin nhỏ về cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân thì nay tôi đã được trao cho viết những bài bình luận, những bài phóng sự dài. Tôi nhớ mình đã là tác giả của một bài phê bình được đồng chí Trường Chinh đích thân sửa chữa kỹ càng sau khi đồng ý để tôi thảo ra bản nháp đầu tiên. Câu chuyện bắt đầu từ sự việc tòa soạn báo Đời Nay nhận được quyển sách nhỏ gửi biếu có đầu đề: Ai làm chấn động địa cầu của tác giả ký tên là Cựu Kim Sơn.
(còn nữa)