Phạm Thành
(tiếp theo)
Tôi còn nhớ rõ ràng câu nói đầu tiên của anh Trường Chinh khi tôi lên gặp anh lần đầu tiên ở Hà Nội để xin ý kiến của anh về một vài vấn đề cụ thể của công tác xuất bản: "Anh Thành đấy à! Thế nào? Lâu nay anh vẫn mạnh khỏe đấy chứ. Chị Hà có mạnh khỏe không?". Tôi vô cùng xúc động. Đã gần mười năm trời kể từ năm 1950 vậy mà anh Trường Chinh vẫn còn nhớ tôi và gia đình tôi. Anh bận trăm công nghìn việc lớn lao, quốc gia đại sự, thế mà không quên bất cứ một việc cỏn con nào, không quên một con người bình thường nào, dù đó chỉ là một con người chỉ gặp thoáng qua từ lâu.
Trên hơn ba chục năm làm việc ở Nhà xuất bản Sự thật, tôi đã có nhiều dịp được trực tiếp trao đổi về công tác xuất bản với anh Trường Chinh. Tôi đã nghe những ý kiến chỉ đạo rất cụ thể của anh, không phải chỉ với tư cách là một đồng chí lãnh đạo ở cương vị tối cao của Đảng và Nhà nước (có lúc anh là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước), mà hoàn toàn với tư cách là một người am hiểu nghề xuất bản, biên tập sách, một nhà chuyên môn biên tập, xuất bản. Cũng có khi tôi được nghe ý kiến chỉ đạo cụ thể của anh về một nội dung nào đó trong một bài nói chuyện của anh mà tôi có vinh dự được chọn làm một biên tập viên phụ trách khởi thảo một phần của bài đó như bài Kỷ niệm lần thứ 60 Cách mạng Tháng Mười vĩ đại xuất bản năm 1978. Tôi không thể nói cụ thể tất cả những điều mà anh đã nói và nhiều lần căn dặn chúng tôi. Tôi chỉ xin nêu lên mấy ý kiến chỉ đạo hết sức sáng suốt của anh về công tác xuất bản.
Là nhà xuất bản của Đảng, Nhà xuất bản Sự thật phải chăm lo sao cho công tác xuất bản phục vụ thật tốt đường lối, chính sách của Đảng. Sách của Nhà xuất bản Sự thật - dù thuộc loại nào: sách dịch, sách nghiên cứu, sách phổ thông, sách lý luận chính trị hay sách thời sự, sách điển hình,.. thì tư tưởng, quan điểm, lý luận, đường lối đều phải là của Đảng.
Sách lý luận kinh điển Mác - Lênin, sách của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta là loại sách cơ bản nhất, chiếm vị trí hàng đầu trong kế hoạch đề tài sách của Nhà xuất bản Sự thật. Đồng thời, Nhà xuất bản Sự thật cũng phải có những sách lý luận chính trị do những tác giả có trình độ lý luận, quan điểm đúng đắn viết để minh họa, giải thích đường lối, chính sách, quan điểm của Đảng. Đồng thời, phải có sách của các địa phương phản ánh thực tiễn sinh động thực hiện đường lối của Đảng trong cuộc sống. Những sách giới thiệu các nước (nhất là các nước anh em) và tình hình thế giới, tức là những sách về các vấn đề quốc tế, cũng rất quan trọng và cần thiết. Loại sách tham khảo phải được chọn lựa cẩn thận và đặc biệt phải có lời Nhà xuất bản nói rõ thái độ, ý kiến của Nhà xuất bản đối với vấn đề này, hay vấn đề khác để hướng dẫn tư tưởng đúng đắn cho bạn đọc. Tuyệt đối không được xuất bản những sách sai trái, đi ngược lại tư tưởng, quan điểm của Đảng.
Tôi đặc biệt ghi nhớ những lời chỉ bảo cụ thể và ân cần của người anh trong lĩnh vực xuất bản khi chúng tôi xin ý kiến của anh về việc biên tập và xuất bản từng loại sách.
Về sách kinh điển, anh nói: dịch sách kinh điển rất khó, phải tuyệt đối chính xác, vì đó là sách gối đầu giường của mọi nhà cách mạng mácxít. Dịch sai mà đem ra phổ biến thì rất nguy hiểm. Phải chọn người có trình độ ngoại ngữ giỏi đã đành. Nhưng chỉ giỏi ngoại ngữ chưa đủ, còn phải giỏi lý luận nữa. Dịch đúng không chỉ tránh dịch "không" thành "có", chữ "tác" thành chữ "tộ" mà còn phải nắm đúng tinh thần câu ngoại ngữ để diễn ra cho đúng tiếng Việt. Dịch là cả một nghệ thuật. Sách dùng để trích dẫn mà dịch sai thì thành ra trích dẫn sai. Đó là điều hết sức tai hại. Anh Trường Chinh dẫn ra một vài ví dụ cụ thể để lưu ý chúng tôi tổ chức dịch tốt loại sách kinh điển Mác - Lênin.
Về sách của các đồng chí lãnh đạo, anh Trường Chinh cũng hết sức quan tâm giúp đỡ chúng tôi làm tốt. Anh thường nhắc chúng tôi: các anh đừng tưởng sách của các đồng chí lãnh đạo thì cứ để nguyên xi để xuất bản. Anh dặn chúng tôi phải làm tốt công tác biên tập loại sách này. Nhân khi chúng tôi tái bản sách của các đồng chí lãnh đạo và xuất bản các tuyển tập và toàn tập của loại sách này, anh Trường Chinh nói rõ cho chúng tôi hiểu tính nguyên tắc trong việc xuất bản loại sách của các đồng chí lãnh đạo. Anh căn dặn phải đọc lại cho kỹ các bài phát biểu của các đồng chí lãnh đạo, nếu cần thì mạnh dạn đề xuất ý kiến của mình. Còn chấp nhận hay không thì đó là quyền của các đồng chí lãnh đạo và các đồng chí ở Nhà xuất bản sẽ được giải thích sau. Khó nhất là làm các loại sách tuyển tập và chuyên đề của các đồng chí lãnh đạo... Mỗi tác phẩm do các đồng chí ấy viết được in ra là để phục vụ nhiệm vụ chính trị vào những thời điểm nhất định. Nhà xuất bản phải biết lựa chọn bài để đưa vào tuyển tập, chuyên đề, khi cần phải biết chú thích cho rõ bối cảnh và hoàn cảnh lịch sử. Bài nào không phù hợp với tình hình chính trị lúc xuất bản thì phải tạm gác lại. Thậm chí trong mỗi bài cũng có thể lược bớt những chỗ không thích hợp. Tất nhiên, Nhà xuất bản có trách nhiệm đề xuất ý kiến chứ không được tùy tiện sửa chữa bổ sung. Chấp nhận ý kiến của Nhà xuất bản hay không là quyền của tác giả...
(còn nữa)