Nhớ anh Trường Chinh (kỳ 5)

06:04, 24/04/2019

Phạm Thành

(tiếp theo)

Làm công tác chỗ anh Minh Tranh cho đến năm 1953 thì tôi lại được Cơ quan biên tập (về sau là Nhà xuất bản Sự thật) biệt phái sang chỗ anh Trường Chinh để giúp theo dõi phong trào cải cách ruộng đất lúc đó đang được mở rộng trong khí thế cả nước đang chuẩn bị chiến dịch Điện Biên Phủ.

Mùa thu năm 1953, cơ quan Tổng Bí thư đã được chuyển sang một địa điểm khác. Di chuyển địa điểm cơ quan là một việc thường xuyên và tất yếu trong thời kỳ kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp. Lúc này tôi còn nhớ đường vào nơi làm việc của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đi qua một con suối khá to, nước trong veo. Phía ngoài là nhà của đồng chí Lê Văn Lương. Phía giữa cách suối vài trăm mét là nhà khách, nhà ở và làm việc của cán bộ. Phía trong cùng là nhà của đồng chí Tổng Bí thư. Tất cả các căn nhà ở khu vực này đều bằng gỗ và tre nứa lá chặt ở trong rừng. Một đặc điểm của khu nhà này mà trước đây tôi chưa nhìn thấy là cạnh nhà, đào sâu vào sườn núi là một cái hầm khá kiên cố. Khoảng cuối năm 1953 Trung ương Đảng có chủ trương cho cán bộ cơ quan Trung ương đi tham gia cải cách ruộng đất. Nhân dịp này tôi cũng xin phép đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh và Cơ quan biên tập cho tôi vào Khu IV tham gia cải cách ruộng đất. Anh Trường Chinh và cơ quan tôi đồng ý. Trước khi lên đường về Khu IV, tôi đã đến chào tạm biệt anh Trường Chinh. Một dịp may hiếm có đến với tôi. Tôi vào chỗ anh Trường Chinh đúng vào lúc anh chuẩn bị ăn trưa. Mâm bát đã dọn sẵn trên bàn. Anh Trường Chinh thân mật tiếp tôi. Liếc nhìn bàn ăn của anh Trường Chinh, tôi ngạc nhiên về cuộc sống vô cùng đạm bạc, giản dị của đồng chí Tổng Bí thư của Đảng: một vài lát thịt, một bát canh và một đĩa rau chắc chắn lấy từ nguồn tăng gia trong cơ quan. Anh Trường Chinh mời tôi ngồi xuống ghế cạnh bàn làm việc đối diện với anh. Tôi báo cáo với anh: "Được phép của anh và Cơ quan biên tập tôi được về Khu IV đi thực tế cải cách ruộng đất. Tôi đến chào anh và gia đình". Anh Trường Chinh cười, tỏ ý vui vẻ và ôn tồn nói: "Anh biết không cách mạng nước ta sắp bước sang một bước ngoặt. Tôi dặn anh một điều. Anh phải chú ý nhé. Anh giống một hành khách ngồi trên một chiếc xe đang chạy nhanh với một tốc độ rất lớn và đi qua một tournant (tiếng Pháp có nghĩa là khúc quanh) gấp khúc. Anh phải bám chặt lấy thành xe và ngồi cho thật vững. Nếu không anh sẽ bị hất ra ngoài xe, còn cỗ xe thì cứ chạy. Thôi, chúc anh lên đường mạnh khỏe và luôn luôn nhớ lời tôi dặn nhé". Tôi chưa thể hiểu hết ý nghĩa thâm thúy của lời nói đầy hình ảnh của anh Trường Chinh. Nhưng tôi vẫn thưa: "Xin vâng ạ. Kính chúc anh và gia đình mạnh khỏe. Tôi hứa sẽ làm tròn nhiệm vụ". Về công tác cải cách ruộng đất ở Thanh Hóa mấy tháng tôi luôn luôn được tin thắng lợi của chiến dịch Đông - Xuân năm 1953 - 1954 và cuối cùng là thắng lợi vĩ đại của quân và dân ta ở Điện Biên Phủ, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, rút hoàn toàn khỏi miền Bắc Việt Nam, kể từ vĩ tuyến 17 trở ra. Chẳng bao lâu Chính phủ lại sẽ trở về Hà Nội, và miền Bắc hoàn toàn giải phóng sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà. Tôi mừng rỡ khôn xiết và nhớ lại câu nói thâm thúy, đầy hình tượng và có tính chất tiên tri trước đây của anh Trường Chinh. Trong thâm tâm, tôi tự hứa sẽ luôn luôn kiên định lập trường cách mạng trong điều kiện mới như anh Trường Chinh đã thân mật và ân cần căn dặn lúc tôi chào tạm biệt anh. Ít lâu sau, tôi trở ra Hà Nội - lúc này là trở ra Hà Nội chứ không phải trở về Tân Trào, mặc dù trong lòng vẫn luôn luôn nhớ Tân Trào - tôi càng thấy rõ ý nghĩa câu nói của anh Trường Chinh. Anh em trong cơ quan vẫn giữ tác phong quân sự hóa, nói chung đi đâu cũng phải đi tập thể, luôn luôn giữ vững kỷ luật và phong cách của cán bộ mới về tiếp quản thủ đô. Tôi còn nhớ một câu nói đầy hình ảnh và ý nghĩa lúc đó, khi mà kẻ thù đang ráo riết vận động di cư vào Nam: "Phải cẩn thận đề phòng âm mưu phá hoại của kẻ thù. Tránh ăn phải đạn bọc đường, ...". Anh phải bám chặt thành xe và ngồi trong xe cho vững. Câu nói ấy luôn luôn nhắc nhở tôi rằng cách mạng đã chuyển sang một giai đoạn mới, phải chuẩn bị đón những nhiệm vụ mới. Đại hội III của Đảng năm 1960 đã làm rõ thêm bước ngoặt của cách mạng mà anh Trường Chinh đã căn dặn tôi.

Từ cuối năm 1955 trở đi tôi hoàn toàn trở lại làm việc ở Nhà xuất bản Sự thật mà trong kháng chiến, khi còn ở Việt Bắc, chúng tôi vẫn quen gọi là Ban biên tập. Từ đây mọi việc của Nhà xuất bản Sự thật đi vào chính quy. Tôi lại có điều kiện làm việc thường xuyên với anh Trường Chinh, khi thì với tư cách biên tập viên, khi thì với tư cách Trưởng phòng Kinh điển, khi thì với tư cách Phó Giám đốc rồi Giám đốc kiêm Tổng biên tập suốt gần 40 năm cho đến tận lúc nghỉ hưu năm 1992.

Được gặp lại anh Trường Chinh trong điều kiện miền Bắc đã được hòa bình, tôi vô cùng phấn khởi. Qua nhiều cuộc tiếp xúc làm việc với anh Trường Chinh, tôi thật sự đã trở thành người học trò của anh trong công tác xuất bản, lĩnh vực mà anh là người rất giàu kinh nghiệm.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com