Nhớ anh Trường Chinh (kỳ 1)

06:04, 11/04/2019

Phạm Thành

Vinh dự cho tôi biết bao khi được viết những dòng hồi ký về anh Trường Chinh, về anh Thận, anh Năm kính yêu, thân thiết mà chúng ta thường gọi khi nói đến anh.

Anh Trường Chinh là một Tổng Bí thư lâu năm của Đảng ta, anh đã hai lần được bầu làm Tổng Bí thư. Lần thứ nhất là từ tháng 11-1940 tại Hội nghị Trung ương lần thứ bảy đồng chí được cử giữ chức Quyền Tổng Bí thư và chính thức được bầu làm Tổng Bí thư tháng 5-1941 tại Hội nghị Trung ương lần thứ tám của Đảng do Bác Hồ chủ trì ở Pắc Bó, Cao Bằng cho đến năm 1956. Thời kỳ này đất nước ta còn bị Nhật, Pháp thống trị, rồi khi Cách mạng Tháng Tám thành công cả nước lại đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, tình hình vô cùng phức tạp, vô cùng khó khăn. Lần thứ hai, sau một thời gian dài làm Chủ tịch ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, cùng toàn Đảng lãnh đạo nhân dân ta thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đi đến thống nhất cả nước vào năm 1975, đồng chí Trường Chinh lại được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng trong điều kiện cả nước đã hoàn toàn thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội. Đồng chí đảm trách cương vị này từ tháng 7-1986 đến tháng 12-1986, khi mà tuổi đã cao.

Khi nói đến anh Trường Chinh, tôi không thể không nghĩ đến những ấn tượng sâu sắc nhất của tôi về anh, những ấn tượng mà tôi đã có qua thực tiễn công tác của bản thân, qua những bài báo, tác phẩm của anh Trường Chinh và kể cả qua những lần gần gũi, được làm việc trực tiếp với anh.

Đồng chí Trường Chinh với các đại biểu dự Đại hội Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc ở Việt Bắc.
Đồng chí Trường Chinh với các đại biểu dự Đại hội Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc ở Việt Bắc.

Anh Trường Chinh là một trong những người học trò và bạn chiến đấu gần gũi nhất và xuất sắc nhất của Bác Hồ, một chiến sĩ kiên cường đấu tranh cho nền độc lập dân tộc theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Thật vậy, dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh Trường Chinh là một trong những nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam có đóng góp vô cùng to lớn đối với đường lối cách mạng Việt Nam, đối với cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại và đối với hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bọn tay sai, đối với cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nước ta và cả đối với sự nghiệp đổi mới của cách mạng nước ta theo định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay. Đó là những văn kiện Đảng mà anh Trường Chinh đã có phần đóng góp to lớn như: Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta; Báo cáo tại Đại hội II của Đảng..., cũng như những tác phẩm lý luận xuất sắc của bản thân đồng chí Trường Chinh: Kháng chiến nhất định thắng lợi, Cách mạng Tháng Tám, Bàn về cách mạng Việt Nam...

Anh Trường Chinh cũng là một nhà văn hóa lớn từ trong thời kỳ thống trị của thực dân Pháp ở nước ta với những bài chính luận sắc bén, giàu hình ảnh làm nhân dân ta nức lòng, phấn chấn và kẻ thù phải bàng hoàng lo sợ, với những tác phẩm lớn được tái bản nhiều lần như: Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, Thư Sóng Hồng. Hoạt động văn hóa của anh Trường Chinh gắn liền khăng khít với hoạt động cách mạng của anh. Với anh văn hóa và cách mạng, cách mạng và văn hóa là một. Bởi lẽ anh thấy rất sớm vai trò của văn hóa, vị trí của tri thức đối với cách mạng. Bởi lẽ chính văn của anh đã là văn hóa. Bởi lẽ khí phách, phẩm tiết cách mạng của Nhật ký trong tù và các bài thơ cách mạng của Bác chắc chắn đã thấm nhuần sâu sắc trong con người anh.

Về thực tiễn hoạt động cách mạng, anh Trường Chinh là một con người luôn luôn nói đi đôi với làm, đúng như khẩu hiệu mà Đảng ta luôn luôn đề cao và đặc biệt càng phải đề cao trong lúc này. Anh là một nhà cách mạng kiên cường. Kể từ khi vào Đảng (1930), anh đã bị cầm tù hết nhà tù này đến nhà tù khác của đế quốc Pháp, ở trong tù anh đã đóng góp vào sự giáo dục cho các đảng viên cùng bị giam giữ. Bản thân anh đã tự rèn luyện mình để khi ra tù thì hoạt động ngay trở lại một cách tài tình và khôn khéo, khi thì công khai trước mắt kẻ địch thời Mặt trận Bình dân (Front Populaire) ở Pháp, khi thì bí mật ngay sát ngoại thành, nơi gần hang ổ của kẻ thù, chỉ cách Hà Nội vài ba chục cây số. Cái tên anh Thận mà mọi người dùng để gọi anh một cách trìu mến có lẽ từ đó mà ra.

Một ấn tượng rất sâu sắc của tôi về anh Trường Chinh mà chính bản thân tôi có được trong thời gian vinh dự được sống gần anh và học được ít nhiều ở anh là: lối sống giản dị, thanh bạch, bình dị, đức tính rất cởi mở, vui tính, thân mật, chan hòa và khoan dung đối với những người sống gần anh, cũng như với tất cả cán bộ và quần chúng nói chung.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com