Nhớ anh Trường Chinh (kỳ 2)

06:04, 16/04/2019

Phạm Thành

(tiếp theo)

Sẽ là một thiếu sót lớn, nếu tôi chỉ nói đến những ấn tượng trên đây của tôi về đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh. Trên thực tế tôi đã chịu ảnh hưởng nhiều của anh trong chính ngay công tác từ khi tôi vẫn chưa có điều kiện gần gũi anh. Sau Cách mạng Tháng Tám tôi làm công tác tuyên huấn ở tỉnh Hà Tĩnh. Nhiệm vụ chủ yếu của tôi lúc đó là mở các lớp huấn luyện chính trị, lý luận cho đảng viên và cán bộ ở cơ sở, cho cán bộ thanh niên và phụ nữ, cho cán bộ Mặt trận Việt Minh, Liên Việt.

Đồng chí Trường Chinh với các đại biểu thanh thiếu niên dự Đại hội truyền thống Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc, ngày 19-12-1981.
Đồng chí Trường Chinh với các đại biểu thanh thiếu niên dự Đại hội truyền thống Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc, ngày 19-12-1981.

Đối với tôi với tư cách là một huấn luyện viên ngay sau khi cách mạng thành công, thì vấn đề huấn luyện thật là mới mẻ, ngay cả đối với bản thân chứ chưa nói đến vấn đề huấn luyện người khác. Người đi giảng bài phải tự giảng cho mình trước tiên. Và biết bao nhiêu bài hết sức mới mẻ: nào là chính trị, nào là lý luận, nào là đường lối, nào là công tác thực tiễn cách mạng. Bản thân tôi muốn làm tròn nhiệm vụ thì dứt khoát là phải tự học, tự học rất nhiều, tự học không biết mệt mỏi. Và người thầy, người thầy thật sự của tôi lúc đó là Bác Hồ với những bài viết vô cùng dễ hiểu, nhưng rất sâu sắc và anh Trường Chinh với những bài nói chuyện ở các cuộc hội nghị mà tôi được dự và đặc biệt là những bài và tác phẩm của anh mà tôi ra công sưu tầm trên báo, tạp chí hay trong các sách đã xuất bản, mà lúc đó còn rất hiếm. Những quyển sách rất quý của anh Trường Chinh đã trở thành sách gối đầu giường của tôi lúc đó là: Cách mạng tháng Tám (in năm 1945 - 1946),  Kháng chiến nhất định thắng lợi (in năm 1948) và các bài lý luận - chính trị trên báo Sự Thật, ... Nhờ học tập và nghiên cứu kỹ những bài và tác phẩm ấy, tôi đã mở được nhiều lớp huấn luyện có thể nói là có kết quả ở tỉnh nhà. Cả cho đến nay nhiều đồng chí lúc đó là học viên vẫn còn nhắc lại những điều đã tiếp thu được ở các lớp huấn luyện lúc đó. Công lao tất cả đều là của Đảng, của Bác Hồ và của anh Trường Chinh. Phải nói rằng đây là một ấn tượng sâu sắc của tôi về anh Trường Chinh thời kỳ tôi làm công tác tuyên truyền, huấn luyện.

Sau đây tôi chỉ xin nói lên một số sự kiện có liên quan ít nhiều đến cuộc đời và sự nghiệp của anh Trường Chinh mà tôi có vinh dự và may mắn được chứng kiến.

*

Lần đầu tiên tôi được trực tiếp gặp anh Trường Chinh là vào cuối thu, đầu đông năm 1946 ở lớp huấn luyện Nguyễn Ái Quốc mở tại Hà Đông. Đây là lớp chính trị đầu tiên do Trung ương mở sau ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công. Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã cử bốn cán bộ ra học lớp này là: đồng chí Nguyễn Phồn (Thường vụ Tỉnh ủy lúc đó), đồng chí Hà Nghệ (tức Hà Xuân Trường), đồng chí Phan Dị và tôi. Trước khi lớp khai giảng, chúng tôi được nghe nói lớp này toàn do giáo sư đỏ giảng dạy. Đó là các đồng chí Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Nguyễn Khánh Toàn, Trần Huy Liệu và Bùi Công Trừng. Được tin đó, riêng tôi vô cùng phấn khởi: lớp học thật là quan trọng, toàn là giáo sư đỏ phụ trách và có cả đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng. Tôi đặc biệt náo nức nghe đồng chí Trường Chinh giảng. Ở đây xin mở một dấu ngoặc. Hồi tỉnh nhà mới giành được chính quyền, nhà tôi vinh dự được nhận một tấm ảnh của Bác Hồ. Ai cũng trầm trồ xem. Dư luận trong làng khi thấy ảnh Bác, ai cũng nói: Bác hơi gầy nhưng đôi mắt sáng lắm. Chả trách cụ thấy rõ mọi điều và tài ba lỗi lạc như thế. Tôi cũng rất tâm đắc về nhận xét ấy và suy nghĩ thêm các lãnh tụ của Đảng ta chắc cũng có dáng dấp như vậy, đặc biệt là có đôi mắt tinh tường, trong sáng như vậy. Đến lớp học Hà Đông tôi cũng đinh ninh rằng đồng chí Trường Chinh, giảng viên dạy chúng tôi cũng như vậy. Thế rồi ngày chờ đợi đã đến. Đồng chí Trường Chinh lên lớp giảng cho chúng tôi. Phòng học rộng, thoáng mát, nhưng không có gì đặc sắc lắm. Tôi chỉ chăm chú nhìn cho kỹ xem đồng chí Trường Chinh là người như thế nào. Quả thật danh bất hư truyền. Một con người tầm thước, ăn mặc đồ ka ki gọn gàng, nhanh nhẹn, trẻ trung, đặc biệt có đôi mắt to và sáng như tôi vẫn hình dung từ trước khi liên hệ với con mắt trong ảnh Bác Hồ. Đôi mắt của anh nằm dưới một vầng trán to và rộng, nổi bật lên trên một khuôn mặt tròn, trắng trẻo, với một nụ cười rất hồn nhiên và hấp dẫn. Lần đầu tiên được gặp một lãnh tụ của Đảng thì cái nhìn của tôi lúc đó chính là như vậy: khao khát và tìm hiểu.

Thế rồi, anh Trường Chinh lên giảng bài, tay cầm một cái thước, đứng trước một cái bảng đen giản dị. Anh giảng về chủ nghĩa Lênin. Cách anh giảng khác hẳn các giáo sư đỏ khác. Anh không luận chứng thao thao bất tuyệt như một số người, mà trước hết anh đặt ra câu hỏi và chỉ định học viên giải đáp. Tôi cũng may mắn được anh chỉ định giải đáp. Thú thật là lúc đó tôi rất bỡ ngỡ và luống cuống. Không trả lời được, tôi bỗng che miệng cười. Anh nói: trả lời đi, sao lại cười. Thấy tôi không trả lời được, anh cho tôi ngồi xuống. Anh lại hỏi người thứ hai, người thứ ba và nhiều người khác. Cuối cùng anh mới giảng giải hết sức cặn kẽ, chỉ ra chỗ đúng, chỗ sai của những người được chỉ định trả lời. Về sau tôi mới hiểu ra rằng cách giảng dạy của anh Trường Chinh là nhằm phát huy tối đa sự suy nghĩ của người học. Đó cũng là cách giảng dạy của Bác Hồ đối với học sinh trong thời kỳ bí mật.

(còn nữa)

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com