Nguyễn Văn Đặng
(tiếp theo)
Đương nhiên, cùng với hoạt động báo chí và tư tưởng, đồng chí Trường Chinh đã có những hoạt động thực tiễn rất năng động. Đồng chí tích cực chỉ đạo các hoạt động chuẩn bị tiến tới Tổng khởi nghĩa, đưa Bộ chỉ huy cách mạng (Trung ương Đảng) vào gần vùng Hà Nội để nắm tình hình địch và ta cho sát, và ngay sau khi cuộc đảo chính Nhật, Pháp ngày 9-3-1945 xảy ra, đồng chí đã triệu tập cuộc họp Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng, từ đó đề ra chỉ thị nổi tiếng Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta do chính đồng chí khởi thảo. Chỉ thị này có tác dụng cực kỳ to lớn đối với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám sau này. Những nội dung chính của Chỉ thị là: đế quốc phát xít Nhật đã trở thành kẻ thù chính duy nhất của nhân dân Đông Dương; cuộc khởi nghĩa đang chín muồi nhanh chóng; phải phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho Tổng khởi nghĩa, với những biện pháp chỉ đạo cách mạng rất cụ thể, đúng đắn, có hiệu quả. Trong đó nổi lên khẩu hiệu hành động "đánh phá các kho thóc của Nhật để cứu đói".
Đến ngày 13-8-1945, lệnh tổng khởi nghĩa đã được ban ra. Sáng 16-8-1945 Quốc dân Đại hội đã họp ở Tân Trào. Trong Đại hội lịch sử này, Đảng ta, đứng đầu là Hồ Chủ tịch và do đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư, đã đề ra một chủ trương hết sức đúng đắn: "Lãnh đạo quần chúng nhân dân nổi dậy tước vũ khí của Nhật trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương, giành lấy chính quyền từ tay Nhật, lật đổ bọn bù nhìn tay sai của Nhật, đứng địa vị cầm quyền mà tiếp đón quân Đồng minh vào giải ngũ quân Nhật trên đất Đông Dương". Nhiều địa phương, tuy chưa nhận được lệnh tổng khởi nghĩa, nhưng đứng trước tình hình quân Nhật hoang mang do dự đến cực điểm, các chiến sĩ Việt Minh cũng đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền, theo đúng Chỉ thị ngày 12-3-1945 của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Cuộc kháng chiến chống Pháp sau đó, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, cũng đã giành được thắng lợi vẻ vang. Đó là cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và lâu dài, được tiến hành dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Hồ Chủ tịch, và dưới sự chỉ dẫn của cuốn sách Kháng chiến nhất định thắng lợi do Tổng Bí thư Trường Chinh viết ra trong năm đầu của cuộc kháng chiến.
Một đóng góp đặc biệt xuất sắc nữa của đồng chí Trường Chinh trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng là đồng chí đã chủ động nêu lên trước Đảng và nhân dân ta sự cần thiết và nội dung của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước ta.
Đương nhiên đường lối đổi mới của Đại hội VI là sự tổng kết thực tiễn xây dựng đất nước của Đảng và nhân dân ta trong những năm trước đó (những năm mà nhân dân ta gặp vô vàn khó khăn do đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng); là sự tiếp thu những ý kiến phê bình của đông đảo quần chúng đảng viên và quần chúng ngoài Đảng, trong đó có nhiều trí thức có tâm huyết; cũng là kết quả của sự tự phê bình nghiêm khắc của Trung ương Đảng và đồng chí Trường Chinh về những sai lầm nghiêm trọng trong công tác lãnh đạo của mình, trong đó in đậm dấu ấn trí tuệ, tấm lòng vì dân vì nước, và tinh thần tự phê bình của Tổng Bí thư Trường Chinh, một tinh thần đáng cảm phục đã từng thể hiện nổi bật trong thời kỳ phát hiện và sửa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức diễn ra trong giữa thập niên thứ năm của thế kỷ XX.
Ai nấy đều biết, với tinh thần "Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật", Đảng ta và đồng chí Trường Chinh thấy rõ tình hình nghiêm trọng về kinh tế - xã hội…, của đất nước do những sai lầm kéo dài trong công tác lãnh đạo của Đảng gây ra, từ đó kết luận rằng: Đổi mới là đòi hỏi bức thiết của đất nước, là vấn đề có ý nghĩa sống còn.
Đại hội VI chỉ rõ: Đảng phải đổi mới về nhiều mặt: đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, đổi mới tổ chức, đổi mới đội ngũ cán bộ, đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác. Và công cuộc đổi mới đất nước, tất nhiên cũng mang tính chất toàn diện mặc dù trọng tâm lúc đầu là đổi mới về kinh tế.
Ý nghĩa của đường lối đổi mới do Đại hội VI nêu lên là rất to lớn. Trên thực tế, nó uốn nắn lại nhận thức căn bản sai lầm của ta về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, và ở một mức độ nhất định cũng là nhận thức sai lầm về bản thân chủ nghĩa xã hội, từ đó góp phần to lớn đưa đất nước ta thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, và tiến lên giành được những thắng lợi ngày càng quan trọng.
Đường lối đổi mới được khởi xướng từ Đại hội VI của Đảng, đến nay trải qua ba kỳ Đại hội VII, VIII và IX, đã được phát triển, bổ sung ngày càng hoàn thiện hơn. Song chúng ta chưa thể coi thế là đủ. Bởi vì, mệnh lệnh của thời đại, và yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đã và đang đòi hỏi Đảng ta phải đổi mới tư duy nhiều hơn nữa, trên cơ sở đó đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước, làm cho nó phát triển sâu sắc hơn, toàn diện hơn và có hiệu quả hơn.
Với niềm tin vào triển vọng sáng sủa của sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, chúng ta nhớ đến công lao của đồng chí Trường Chinh, người đã cùng với Ban chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị nêu ra trước Đại hội VI đường lối đổi mới. Là người suốt đời đấu tranh cho sự giàu mạnh của đất nước và hạnh phúc lâu dài của nhân dân Việt Nam, đồng chí Trường Chinh chắc chắn sẽ được nhân dân ta ghi nhớ như một chiến sĩ cách mạng quả cảm và kiên cường, một nhà lãnh đạo vừa nghiêm khắc vừa nhân hậu, một người hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu cao quý: học trò xuất sắc và bạn chiến đấu gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.