Nguyễn Văn Đặng
(tiếp theo)
Sẽ rất thiếu sót, nếu tôi không nhắc đến công lao to lớn của đồng chí Trường Chinh đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Điều đó là tất nhiên vì trong gần 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Trường Chinh đã có gần 50 năm làm việc ở cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng (trong đó có 17 năm làm Tổng Bí thư của Đảng) và hàng chục năm đứng đầu cơ quan Nhà nước do nhân dân bầu lên.
Tuy nhiên, để khỏi mất thì giờ của bạn đọc, và cũng để khỏi trùng lắp với bài viết của nhiều tác giả khác trong tập sách này, ở đây tôi không nhắc đến toàn bộ công lao của đồng chí Trường Chinh, mà chỉ nêu lên những đóng góp đặc sắc nhất của đồng chí, thể hiện trong mấy điều dưới đây:
Báo Cờ Giải Phóng, cơ quan tuyên truyền cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương. |
Cùng với Hồ Chủ tịch và một số đồng chí khác, lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công và kháng chiến chống Pháp thắng lợi.
Đóng vai trò to lớn trong việc khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước ta.
Trong Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống Pháp, đồng chí Trường Chinh đã thể hiện một trí tuệ trác việt, một sự nhạy bén chính trị hiếm có và một tác phong năng động, sáng tạo của người, lãnh đạo xuất sắc, sống và chiến đấu ngay trong lòng nhân dân mình.
Ngay từ ngày 23-9-1941, đồng chí Trường Chinh đã viết bài "Chính sách mới của Đảng" để truyền đạt nội dung Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tám (khóa I) họp tháng 5-1941 do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Đây là một hội nghị quan trọng đã hoàn chỉnh sự chỉ đạo chiến lược và sách lược được vạch ra từ Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11-1939, và có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Hội nghị này đã khẳng định nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng là giải phóng dân tộc. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh để động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào cách mạng, và chỉ rõ: cách mạng kết thúc bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang, và đi từ khởi nghĩa từng phần, từng địa phương đến một cuộc Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc.
Tháng 1-1942, đồng chí lại viết bài "Chiến tranh Thái Bình Dương và cách mạng giải phóng dân tộc ở Đông Dương", nhấn mạnh thái độ của nhân dân Đông Dương là phải "đấu tranh nhằm đổi cuộc chiến tranh phát xít xâm lược thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, đánh đổ quyền thống trị của phát xít Nhật, Pháp, thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân...". Đồng chí còn viết: "Dù tình hình thế nào, ta cũng không được có thái độ ỷ lại, ươn hèn, không được khoanh tay chờ cho người ta đến giải phóng hộ. Công việc giải phóng dân tộc của ta phải do ta tự làm lấy", và tiên đoán rằng: "Dưới sự lãnh đạo đứng đắn của Đảng ta, một cao trào cách mạng sẽ nổi dậy ở Đông Dương. Bọn phát xít xâm lược và tay sai của chúng sẽ bị tiêu diệt. Một thế giới hòa bình và dân chủ sẽ mọc lên trên đống tro tàn của Chiến tranh thế giới. Đông Dương hòa bình, độc lập và dân chủ muôn năm".
Ngày 29-4-1944, đồng chí lại viết bài Cái nhọt bọc sẽ phải vỡ mủ. Bằng sự phân tích khoa học và nắm tình hình chắc trong lòng bàn tay, đồng chí tiên đoán hai kẻ thù của nhân dân ta sẽ quật đổ nhau. Đồng chí viết: "Cả hai quân thù của nhân dân ta là Nhật và Pháp đang đóng một tấn kịch giả dối, vô cùng nguy hiểm cho chúng. Cả hai đều đang sửa soạn tiến tới chỗ tao sống mày chết, quyết liệt cùng nhau".
..." Chúng ta đang tiến tới tình hình tổng khủng hoảng chính trị ở Đông Dương (tác giả gạch dưới). Phải kịp mài gươm, lắp súng để mai đây Nhật, Pháp bắn nhau kịp nổi dậy tiêu diệt chúng, giành lại giang sơn, Tổ quốc". Cuộc đảo chính Nhật, Pháp ngày 9- 3-1945 đã được đồng chí Trường Chinh dự đoán từ gần một năm trước! Điều này hẳn có ích vô cùng cho việc chuẩn bị của nhân dân ta giành chính quyền trong toàn quốc sau này.
Một trong những hoạt động đáng chú ý của đồng chí Trường Chinh trong việc chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa sẽ diễn ra sau này là đấu tranh chống các chủ trương sai lầm của một số cấp ủy đảng ở địa phương. Cuối năm 1941, khi Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ nhận định sai lầm rằng: "Cuộc cách mạng dân tộc giải phóng của ta đã đủ điều kiện để bùng nổ", đồng chí Trường Chinh đã nghiêm khắc phê phán rằng: "Nếu tình hình chưa cho phép khởi nghĩa mà cứ ra lệnh khởi nghĩa thì khác nào ném đội tiên phong vào một cuộc chiến đấu mạo hiểm, không có triển vọng thắng lợi".
Trên báo "Cờ Giải Phóng" số 15 ngày 19-7-1945, đồng chí Trường Chinh đã phê phán sai lầm của các đồng chí ở Nam Bộ. Đồng chí viết: "Các đồng chí Hậu Giang đã làm một việc cực kỳ lố bịch trong khi tự ý rút bỏ khẩu hiệu chống Pháp ngay từ trước cuộc đảo chính, vì làm như thế khác nào thừa nhận quyền thống trị của phát xít Pháp"... "Trái lại, sau cuộc đảo chính mà còn lặp mãi khẩu hiệu "đánh Nhật đuổi Pháp" như các đồng chí Tiền Giang đã làm thì cũng không đúng nốt; vì sau đảo chính, quyền thống trị của Pháp đã bị bọn phát xít Phù Tang lật đổ, "như thế mà ta còn hô đánh đổ Pháp thì có khác gì đánh vuốt đuôi một kẻ đã ngã có khác gì chém dao xuống nước, hoặc đẩy một cái cửa bỏ ngỏ".
(còn nữa)