Nguyễn Văn Đặng
(tiếp theo)
Những năm sau này, do điều kiện đã thay đổi, cho nên việc học tập được tiến hành khác trước, chẳng hạn như: ngoài việc tự học, Tạp chí còn cử cán bộ đi học tại các trường lý luận ở trong nước và ngoài nước; khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ học thêm ngoại ngữ; đã tổ chức hai lớp học nghiệp vụ báo chí ngay tại cơ quan (giảng viên là các cán bộ đã công tác lâu năm ở Tạp chí, và một số nhà báo có kinh nghiệm ở các báo khác) …
Báo Tin tức, cơ quan của Mặt trận Dân chủ. |
Một trong những điều đáng nhớ trong việc thực hiện những lời căn dặn của đồng chí Trường Chinh là: trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, để tạo điều kiện cho cán bộ sống gắn bó với nhân dân, từ đó rèn luyện lập trường cách mạng và tạo ra những bài báo có chất lượng tốt, Ban biên tập đã ra một quyết định quan trọng: Tất cả cán bộ biên tập của Tạp chí đều phải vào "tuyến lửa" để rèn luyện mình. Và trên thực tế, toàn thể anh chị em đã thực hiện quyết định đó một cách dũng cảm, đáng khen. Quả thật việc đi thực tế đó đã đem lại kết quả rõ rệt về hai mặt:
Nâng cao được lập trường và tình cảm cách mạng của cán bộ biên tập. Có cán bộ nằm hầm ở Vĩnh Linh hàng tháng trời, dù bom bi địch rơi ngay trên nóc hầm, để viết bài; hoặc như tại một trọng điểm địch đánh phá rất ác liệt, cán bộ ta đã chứng kiến cảnh tượng cảm động sau đây: các cô gái địa phương vừa chèo đò cho khách qua sông, vừa ca hát một cách hồn nhiên, với tấm lòng thanh thản... và họ làm điều đó suốt ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác, trong khi khách qua đường chỉ mong chóng thoát ra khỏi trọng điểm ác liệt ấy...
Tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành những bài báo có chất lượng cao, có tình cảm cách mạng sâu sắc. Điển hình cho điều này là những bài báo do cán bộ biên tập của Tạp chí viết đăng trên số 3-1969 nhằm tổng kết cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ đối với miền Bắc nước ta. Đó là những bài báo viết riêng về từng tỉnh, và chung cho cả Khu IV cũ được coi là tiền tuyến của miền Bắc, thể hiện một cách sinh động sự kết hợp thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược trong đường lối cách mạng của Đảng ta. Về mặt nghiệp vụ, các bài báo đó đã kết hợp được lý trí và tình cảm, một đặc điểm trong văn phong của Hồ Chủ tịch. Ngoài việc rút ra được những bài học đúng đắn của cuộc chiến đấu lịch sử ấy, xã luận đăng trên số ấy còn nói lên được đặc điểm của từng tỉnh và khí phách anh hùng của quân dân ta như sau:
"Trong cái vẻ đẹp chung có tính chất phổ biến của các tỉnh Khu IV cũ, vẻ đẹp bắt nguồn từ truyền thống quý báu của dân tộc và sự lãnh đạo tài tình của Đảng, chúng ta nhận ra những nét ít nhiều có màu sắc riêng của mỗi địa phương".
"Đó là tinh thần kiên cường, bất khuất của Vĩnh Linh, "lũy thép" trên tuyến đầu chống Mỹ của miền Bắc, mảnh đất nhỏ hẹp mà anh hùng, ở đây những trận đánh phá có tính chất hủy diệt của kẻ thù không sao dập tắt được cuộc sống của những con người tràn đầy khí phách cách mạng, có tình cảm nồng thắm đối với đồng bào miền Nam ruột thịt, và được một đảng bộ vững chắc chỉ đạo".
"Đó là sự phát triển phong phú của chiến tranh nhân dân ở Quảng Bình, quê hương của phong trào "hai giỏi" có tính chất quần chúng rộng rãi, nơi mà 40 vạn nhân dân gắn bó chặt chẽ với Đảng tiên phong, đã biết đánh thắng giặc Mỹ một cách oanh liệt trong những điều kiện hết sức gay go gian khổ".
"Đó là sự kế tục và phát huy truyền thống Xô viết năm xưa, tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, và ở đây sự kết hợp hai nhiệm vụ chiến lược của Đảng chẳng những đem lại thắng lợi trong chiến đấu mà còn bước đầu đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc phát triển công nghiệp địa phương, cải tiến kỹ thuật, và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật trong nông nghiệp".
"Đó là vai trò to lớn phục vụ tiền tuyến của Thanh Hoá, một tỉnh lớn của miền Bắc, nơi đang chuyển mình trên con đường xây dựng nền kinh tế địa phương đầy hứa hẹn".
(còn nữa)