Đồng chí Trường Chinh với tạp chí lý luận của Đảng - Những cống hiến xuất sắc của đồng chí cho cách mạng Việt Nam (kỳ 2)

06:03, 12/03/2019

Nguyễn Văn Đặng

(tiếp theo)

Đích thân đồng chí đến truyền đạt Nghị quyết Đại hội Đảng cho cán bộ biên tập và một số cộng tác viên thân cận của Tạp chí. Có những dịp, đồng chí đến nói chuyện thân mật với cán bộ Tạp chí về kinh nghiệm làm báo của bản thân và khuyên bảo những điều bổ ích.

Một kỷ niệm sâu sắc mà đồng chí Trường Chinh để lại trong tâm trí các cán bộ Tạp chí Học tập là bài nói chuyện của đồng chí khi đến thăm Tạp chí ngày 23-12-1959. Đồng chí nói:

"Muốn làm tốt công tác ở một cơ quan lý luận, tư tưởng của Đảng, chúng ta phải chú ý rèn luyện về ba mặt:

Một là, củng cố lập trường cách mạng của giai cấp công nhân, cũng chính là lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin, nâng cao tư tưởng của mình lên.

Hai là, học tập lý luận, đường lối chính sách của Đảng. Có hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin, hiểu chính sách thì viết bài mới tốt.

Ba là, gần gũi phong trào quần chúng. Phải gần gũi quần chúng đảng viên cũng như quần chúng ngoài Đảng để nghe ý kiến quần chúng đối với bài báo của mình, để phục vụ quần chúng, để quần chúng hiểu được mình.

Ngoài ra, phải nâng cao trình độ viết văn của mình. Phải nhớ những câu mà Hồ Chủ tịch căn dặn: "Phải viết sao cho quần chúng hiểu được, làm cho họ hiểu ta, tin ta và theo ta". Văn của Hồ Chủ tịch giản dị, dễ hiểu, đi sâu vào lòng người, tính tư tưởng cao. Chúng ta phải học tập Bác".

Đồng chí còn nói: "Nghề viết văn là một nghề rất công phu, là một nghệ thuật, một khoa học. Viết lý luận phải dày công tu luyện. Vì cách mạng, vì Đảng, ta phải làm sao cho bài của ta đi sâu vào quần chúng, động viên được quần chúng sôi nổi sáng tạo. Muốn vậy, ta phải khiêm tốn, chân thành học hỏi lẫn nhau. Phải có nhiệt tình cách mạng và đạo đức cách mạng, vì có hai cái đó thì có thể có những cái khác".

Sau khi kể lại cuộc đời viết báo của bản thân dưới sự thống trị tàn bạo và sự kiểm duyệt gắt gao của kẻ thù và nói lên niềm vui về báo chí cách mạng của ta đã có cơ ngơi hẳn hoi, đồng chí nói: "Được như ngày nay là nhờ bao nhiêu chiến sĩ đã đấu tranh gian khổ, nhờ nhân dân, nhờ Đảng. Nghĩ như thế thì ta sẽ thấy phải phát huy truyền thống của Đảng: Đoàn kết là bảo đảm thắng lợi, hòa mình với quần chúng để phục vụ quần chúng, anh dũng và liên tục đấu tranh; bất kỳ khó khăn gian khổ thế nào cũng khắc phục để tiến lên.

Ngày 15-12-1965, đồng chí Trường Chinh lại phát biểu với cán bộ Tạp chí một số ý kiến về công tác lý luận. Đồng chí nhấn mạnh: "Phải coi trọng việc tổng kết những kinh nghiệm lịch sử và kinh nghiệm hiện tại của Đảng, để đi đến những kết luận có tính lý luận. Trong khi tiến hành công tác nghiên cứu lý luận, phải nắm vững phương châm "kết hợp lý luận với thực tiễn"; nghiên cứu có trọng điểm; phát huy tinh thần độc lập, tự chủ; tiếp thu có nghiên cứu, có chọn lọc những thành quả nghiên cứu lý luận của người khác; kết hợp việc nghiên cứu trước mắt với nghiên cứu lâu dài…".

Tháng 3-1974, đồng chí còn nói với lãnh đạo Tạp chí Học tập về nhà in của Tạp chí như sau: "Tạp chí Học tập phải in tốt, in đẹp, in nhanh. Nhà in của ta là tài sản của Đảng, của Nhà nước, tài sản chung của chúng ta. Ta phải quản lý tốt, sử dụng tốt để làm lợi cho cách mạng".

Sự chỉ đạo tận tình, chu đáo của đồng chí Trường Chinh đã giúp rất nhiều cho anh chị em Tạp chí Học tập trong những năm đầu rất khó khăn gian khổ, cố gắng vươn lên hoàn thành nhiệm vụ của mình. Từ những lời khuyên chí tình của đồng chí Trường Chinh, cán bộ Tạp chí hăng hái học tập lý luận, học tập đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, học tập nghiệp vụ báo chí, học tập văn hóa, đi sâu vào đời sống quần chúng nhân dân để rèn luyện, phấn đấu nâng cao không ngừng chất lượng của Tạp chí, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Những năm đầu Tạp chí Học tập, anh chị em tổ chức lớp học văn hóa tại chức ở cơ quan, về học lý luận, do đa số cán bộ chưa được học lý luận có hệ thống tại trường, Ban biên tập quy định mọi người đều phải tự đọc sách lý luận kinh điển đã xuất bản. Về nghiệp vụ báo chí, thì dùng Sinh hoạt thường kỳ của Chi hội nhà báo để giúp nhau nâng cao trình độ nghiệp vụ. Về đi thực tế, thì có chế độ bắt buộc mỗi cán bộ biên tập phải thường xuyên xuống cơ sở để nghiên cứu tình hình, tổng kết công tác. Riêng những cán bộ trẻ thì phải công tác từ ba đến sáu tháng tại một xã hay một cơ sở sản xuất để rèn luyện lập trường cách mạng và tích lũy kinh nghiệm công tác. Đương nhiên, Tạp chí còn tổ chức nhiều cuộc hội thảo về các vấn đề lý luận và thực tiễn, thu hút sự đóng góp tích cực của các cộng tác viên bên ngoài.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com