Anh Thận, rất cẩn thận

06:03, 05/03/2019

Quang Đạm

Năm 1947, một hôm tôi đang ở cơ quan trên ATK Việt Bắc thì anh Trường Chinh đến. Anh thân mật thăm hỏi mọi người, cả nhà vui rộ lên. Bấy giờ tôi mới biết anh có nhiều tên khác nhau: anh Phương, anh Phan, anh Thận. Còn tên anh Năm, không rõ sau ai đặt cho anh. Cũng đến lúc đó tôi mới hiểu được "lý lịch" tên Trường Chinh, bao giờ viết cũng có vạch ngang ngắn ở giữa. Đồng chí cấp dưỡng ở cơ quan có lần "tiết kiệm" chỉ gọi anh là anh Chinh làm anh cứ phải vừa cười, vừa nhắc: "Tôi là Trường Chinh chứ không phải đồng tiền, đồng chinh đâu đấy!".

Có một cái tên rất đúng, rất thật với anh, đó là anh Thận. Anh rất cẩn thận từ suy nghĩ, nói năng, ứng xử, giải quyết công việc và đặc biệt trong cách viết. Anh rất nhạy bén phát hiện những lỗi viết sai chính tả, nhắc nhở các tác giả phải hết sức chú ý khi dùng từ ngữ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh cùng các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng họp bàn mở Chiến dịch Biên giới, năm 1950.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh cùng các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng họp bàn mở Chiến dịch Biên giới, năm 1950.

Ở cơ quan chúng tôi có một nguyện vọng đồng thời cũng là một sáng kiến là ra một "tờ báo" riêng. Tờ báo sẽ phản ánh trung thực cuộc sống trong cơ quan, biểu dương việc tốt, người tốt, phê phán cái dở, cái sai trong anh chị em cán bộ, nhân viên của cơ quan. Ý kiến ấy được nhiều người ủng hộ. Và thế là báo Bảo nhau ra đời, xuất bản hàng ngày, dán trên tấm liếp cửa ra vào. Đồng chí Trường Chinh mặc dầu bận rất nhiều việc nhưng vẫn thường xuyên đọc báo Bảo nhau của chúng tôi.

Chính là do đọc trên báo Bảo nhau mà đồng chí Trường Chinh phát hiện ra một tình trạng không thể bỏ qua, nói đúng hơn là một tình trạng sai lầm phổ biến, kéo dài: Đó là "báo chí" chúng ta đã mắc quá nhiều lỗi về câu và chữ.

Tôi được gặp đồng chí Trường Chinh từ ngay sau Cách mạng Tháng Tám, lên Việt Bắc, đồng chí Trường Chinh đã nhiều lần gặp anh em chúng tôi. Một lần đồng chí hỏi tôi:

Anh có làm thơ không?

Tôi trả lời:

Thưa anh, tôi chỉ quen viết văn xuôi thôi.

Biết tôi là con một cử nhân Hán học, mẹ tôi là nữ thi sĩ Sầm Phố, tôi lại có ba năm được cụ Phan Bội Châu dạy Hán văn... nên đồng chí Trường Chinh đã giao tôi dịch cuốn Tân giai đoạn luận của các cố vấn Trung Quốc đưa sang cùng lúc với cụ Lê Nhuận Chi dịch Liên hiệp chính phủ luận. Tôi dịch cuốn Bàn về giai đoạn mới bốn ngày là xong và trình đồng chí Trường Chinh. Chắc là qua bản dịch này, thấy tôi ít bị "sai lỗi" chính tả nên đồng chí bảo tôi viết một bài luận về chính tả. Vâng lời anh, tôi đã viết một bài dài gần 10 trang giấy thếp vẫn còn giữ đến ngày nay dù đã 50 năm qua. Tôi tự coi đấy cũng là một công trình nghiên cứu về "chính tả" và đã "trả bài" đúng hẹn.

Mấy ngày sau, anh nhắn tôi "sang" bên cơ quan anh làm việc. Trao đổi với tôi trên tinh thần đồng chí, dân chủ, anh không áp đặt ý kiến mà còn gợi mở cho tôi nhiều ý mới, hay.

Về hai chữ "lai căng", có người viết "lai căn". Họ giải thích "căng" chính là "căn" từ Hán nghĩa là "gốc", rồi đọc theo âm miền Nam thành "căng". Sự thật là "quê hương" của hai từ này đều ở Việt Bắc, nơi có một giống vượn được đồng bào gọi là "lai" và một giống khỉ gọi là "căng". Hai con này thường hay bắt chước con người, tất nhiên là không làm được mà chỉ gây buồn cười cho thiên hạ. Theo hình tượng đó, cái gì làm theo, bắt chước lố bịch thì được gọi là "lai căng".

Hay như từ "khoái chá" hay "khoái trá", anh Trường Chinh cũng có những ý rất hay. Vốn là dòng dõi một gia tộc Hán học có nhiều bậc tiền bối nổi tiếng, chắc hẳn vốn chữ Hán của anh cũng không phải nhỏ. Bấy giờ phần đông người ta viết "khoái trá". Nhưng đứng về từ nguyên và quy luật lặp từ cũng nên xem xét. "Khoái" là "nem", "chá" là "chả" thịt nướng, do từ "chích là nướng" biến âm sang. "Khoái chá" nghĩa bóng là "ngon", là "thú vị". Các cụ ta, ngày xưa, khi đọc một bài văn hay, có khi khen "khoái chá hồ nhân khẩu", ý nói như có nem chả đặt trong miệng... Do đó anh Trường Chinh chủ trương viết "khoái chá".

Như chữ "mảng" (dấu hỏi) cầu hay "mãng" (dấu ngã) cầu? "mãn" (an) hay "mãng" (ang?). Đây là tên gọi một thứ quả mà miền Bắc gọi là quả na. Theo tương truyền thì trước kia, một chúa Nguyễn nào đó ở Huế, được dâng các quả na này. Ăn thấy ngon, chúa liền phê vào biểu dâng mấy chữ "như ý mãn cầu" ý nói là "thoả lòng mong ước". Do đó mà trong phía Nam có tên gọi quả na miền Bắc là "mãn (dấu ngã) cầu", đọc theo giọng Thừa Thiên - Huế, mãn (an) thành (ang) "mãng" cầu. Sau đó lại có thêm "mãng cầu Xiêm" quả ở đất Thái giống quả na, to hơn, vị khác hơn.

Vì là "tương truyền" nên anh Trường Chinh gợi ý nên "chờ đợi" tranh thủ thêm ý kiến người đọc, người viết khác...

Khi ở báo Sự thật, cũng như sau này, tôi về công tác tại báo Nhân Dân, anh Trường Chinh lúc nào cũng dành cho những người làm báo chúng tôi những cuộc trao đổi hết sức nghiêm túc về các từ (từ riêng, từ chung), về cách viết...

Đúng là anh Thận, rất cẩn thận./.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com