Trường Chinh - Một cộng sự đắc lực của Bác Hồ, một nhân cách lớn, một tâm hồn trong sáng (kỳ 9)

05:02, 14/02/2019

Hoàng Ước

(tiếp theo)

Rồi anh khen một số câu thơ hay của một số tác giả ở các lứa tuổi và cương vị khác nhau. Và anh cũng bình về tay nghề trong nghệ thuật thơ. Anh nói: “Nói vậy thôi, chứ làm thơ khó lắm đấy. Còn phải có năng khiếu, rồi lại phải luyện tay nghề nữa. Kể ra nghề nào cũng phải học, "không thầy đố mày làm nên" ”... Anh cười thích thú và nói tiếp: "Mình học văn chung chung, được nghe giảng về các thể loại thơ và cũng đã học thuộc lòng nhiều tập thơ và bài thơ của các tác giả trong và ngoài nước. Sau này, cũng thỉnh thoảng nghiền ngẫm về nghệ thuật thơ. Nhất là lúc chuẩn bị viết Đề cương Văn hóa, thì mình nghiền ngẫm Kiều với Cung oán ngâm khúc khá kỹ đấy. Có lẽ mình chỉ có bấy nhiêu ý kiến để trao đổi thôi. Cậu cũng có khiếu làm thơ đấy; làm thơ cũng khuây khỏa được chút nỗi lòng. Nếu có in thơ, thì phải cẩn thận. Nhưng điều này thì đối với cậu mình chân tình nhắc là còn phải thận trọng nữa, và vì đây là lĩnh vực nghệ thuật, cho nên không được tầm thường hóa nó, phải đầu tư công sức thêm, vì trình độ quần chúng đọc thơ bây giờ đã được nâng cao rồi. Trước khi đưa in, nếu mình không bận, thì sẵn sàng làm một bạn đọc trước bản thảo mà không phải trả thù lao đâu...". Và anh lại cười rất hồn nhiên. Đấy nhà thơ Sóng Hồng nói chuyện với người tập sự làm thơ là như vậy đó. Lúc đó, tôi thầm tự hào rằng ít nhất mình cũng có thơ mà anh Trường Chinh đọc, không chê dù chẳng phải là dân chuyên nghiệp.

Đồng chí Trường Chinh cùng các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ gặp gỡ các đồng chí lão thành cách mạng dự Đại hội lần thứ VI của Đảng.
Đồng chí Trường Chinh cùng các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ gặp gỡ các đồng chí lão thành cách mạng dự Đại hội lần thứ VI của Đảng.

Câu chuyện hôm ấy là thế, nhưng chuyện thơ của tôi không dừng lại đây. Vài năm sau, tôi đưa lên anh đến năm sáu chục bài thơ, trong đó, tôi đã phân loại thơ để đăng, thơ để anh xem có tính chất tâm sự. Sau này, anh góp ý với tôi: "Mình thấy vài bài cậu viết về Bác khá xúc động. Giá hồi Bác mất mà ra được thì tốt. Còn những bài cậu viết tặng mình thì mình đã nhận rồi. Theo mình thì cậu chẳng nên cho in, coi như kỷ niệm riêng lại thú vị hơn". Tôi thưa lại: Vâng! Đó là ý của anh. Anh em khác thì lại bảo tôi rằng thơ cậu viết về anh Năm rất chân thành. Chúng tớ rất quý anh, nhưng chẳng hiểu được bằng cậu. Có anh bạn lớn tuổi cỡ đàn anh tôi còn nói bằng tiếng Pháp để khen là cậu posséder anh ấy lắm (ý là rất hiểu anh). Anh giải thích: "Không! Đấy là mình góp ý thôi, chứ ai dám can thiệp và quyền tác giả!". Rồi câu chuyện được xí xóa bằng những chuỗi cười xòa, xen với những chuyện khác.

Anh không nhắc lại, nhưng lần mừng sinh nhật anh 75 tuổi, tôi có tặng anh một bài thơ, rồi gửi bài đó lên báo Nhân dân. Anh Hoàng Tùng có thư trả lời tôi đại ý: "Các anh lãnh đạo không thích có thơ đăng trong dịp sinh nhật... Bài thơ này sẽ được dùng trong dịp khác...". Xem thư anh Hoàng Tùng, anh bảo tôi: "Anh thấy anh Hoàng Tùng cân nhắc và có lý đấy. Để lúc khác hãy dùng". Tôi biết rằng trong những việc tế nhị như thế này, nếu đã hỏi hoặc xin ý kiến anh, thì anh dễ gạt và tôi xác định: tôi sẽ còn dịp có thơ đăng về anh, và tự tôi cùng với đồng chí Tổng biên tập cùng chịu trách nhiệm. Tôi lại kể chuyện thơ mừng sinh nhật anh 80 tuổi, tức là ngày 9-2-1987.

Hồi bấy giờ là sau Đại hội VI, anh là cố vấn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và lúc đó vẫn còn đương chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam... Lúc đó, uy tín và ảnh hưởng của anh trong toàn Đảng và toàn xã hội rất lớn. Bộ Chính trị mời anh làm Trưởng tiểu ban Cương lĩnh để chuẩn bị trình ra Đại hội Đảng lần thứ VII. Anh mời anh Hoàng Tùng làm tổ trưởng tổ biên tập Cương lĩnh. Một số nhà nghiên cứu, cán bộ khoa học được Bộ Chính trị chỉ định tham gia vào tổ biên tập. Sau này, khi biết tôi có thể thu xếp thời gian được, anh gọi tôi đến và bảo rằng anh và anh Hoàng Tùng mời tôi tham gia tổ biên tập này, và được phân công trong tổ kinh tế do anh Chế Viết Tấn phụ trách. Sở dĩ tôi xen vào đây câu chuyện này, vì gần hai năm lại được họp với anh, tôi có cảm giác cái không khí của "gia đình tổ biên tập Cương lĩnh" này cũng rất ấm áp.

Như trên đã viết, uy tín và ảnh hưởng của anh hồi đó rất cao. Nhiều người vẫn còn ngỡ ngàng vì sao anh lại không tiếp tục giữ trọng trách Tổng Bí thư. Bạn bè tôi trong Nam hỏi tôi lý do, nhưng tôi chịu, vì chẳng hiểu được nội tình diễn biến của Đại hội VI. Sự vui mừng của tôi lúc đó chỉ là do có nhiều dịp được tiếp xúc với anh. Một số anh em trí thức ở Hà Nội lúc này cũng rất hâm mộ anh tiếc cho anh không còn đủ sức khỏe để đảm đương trọng trách. Hồi đó, tôi hay sinh hoạt ở Câu lạc bộ Ba Đình. Tất nhiên, trong số bạn bia, tôi cũng còn có một số bạn tâm tình. Đầu tháng 2-1987, tôi đã phác thảo ra một số ý để làm thơ mừng sinh nhật. Lúc đầu, định viết thể thơ tự do. Phải nói, công đóng góp để tôi làm được bài thơ tứ tuyệt này là các anh Trần Quốc Vượng, Vũ Cận, Đào Viết Thường, Nguyễn Ngọc Thanh, về thể loại, Trần Quốc Vượng và Đào Viết Thường nhấn đến thể loại chỉnh nhất phải là thể thơ Đường thất ngôn tứ tuyệt. Ngọc Thanh thì ra đề mở đầu bốn câu đó bằng bốn từ: Non, Nước, Mừng, Bác (hay Anh). Vũ Cận thì cũng tán thành thể loại thơ như vậy, nhưng muốn mở đầu câu thứ tư bằng Người. Bản thảo bài thơ này được tôi trình ra cho mấy anh em đó vào một sáng chủ nhật đầu tháng 2-1987. Anh em khen hay và riêng Trần Quốc Vượng đề nghị sửa một chữ mà anh em thấy chí phải. Vì vậy, tuy bài thơ là do tôi khởi xướng, khởi thảo và hoàn chỉnh, nhưng cũng rõ ràng là một công trình tập thể mà tôi là chủ biên.

(còn nữa)

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com