Trường Chinh - Một cộng sự đắc lực của Bác Hồ, một nhân cách lớn, một tâm hồn trong sáng (kỳ 8)

05:02, 12/02/2019

Hoàng Ước

(tiếp theo)

Nhà thơ Sóng Hồng

Đến những năm 70 thế kỷ XX, sau vài lần nghe tôi đọc thơ của mình viết ở trong Nam, anh tỏ vẻ hoan nghênh. Đầu năm 1977, năm anh tròn 70 tuổi, lúc đó cả anh và tôi đều có mặt ở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi có gửi lên anh thơ mừng sinh nhật. Gặp lại tôi ở Hà Nội, anh cảm ơn tôi có thơ tặng, rồi anh hỏi tôi chuyện khác có liên quan đến kế hoạch Nhà nước. Bài thơ của tôi có hai khổ, mỗi khổ bốn câu. Anh bảo: Đoạn hai được. Nhân đây, tôi xin ghi toàn bộ bài thơ tôi viết tặng anh ngày 9-2-1977:

Muốn đến tặng Anh một đóa hoa mai,
Chúc mừng Anh nhân kỳ sinh nhật.
Nhớ khảng khái câu thơ Cao Bá Quát,
Lồng lộng tâm hồn lời hịch ức Trai.

*

Đất nước hôm nay biển rộng, sông dài,
Đường Trường Chinh cánh đại bàng chưa mỏi.
Trọn bảy mươi xuân lòng còn trẻ mãi,
“Huýt sáo trên đường đời vui tuổi hai mươi”.

Đồng chí Trường Chinh thăm một đơn vị Hải quân ở Quảng Ninh, năm 1970.
Đồng chí Trường Chinh thăm một đơn vị Hải quân ở Quảng Ninh, năm 1970.

Rồi anh khuyến khích tôi nên nhớ lại và dồn sức làm thơ ca ngợi cuộc chiến đấu ở tiền tuyến lớn và tỏ vẻ thích bài thơ Ý nghĩa tháng năm tôi gửi lên xin ý kiến anh mà sau đó tôi lấy đầu đề Khải hoàn ca theo sự góp ý của anh. Anh không "mặn mà" lắm với bài thơ tôi viết mừng sinh nhật anh lần đầu. Phải nói thật lòng rằng tôi hơi bị cụt hứng. Nhưng theo hướng anh góp ý, tôi có gửi anh khoảng hơn chục bài thơ tôi viết ở trong Nam. Cũng cần chú thích rằng chùm thơ của tôi đã được Việt Phương giúp sửa và đã có sự góp ý của Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ về cách chọn chữ. Bẵng đi một thời gian, khoảng hai tháng, anh hẹn tôi đến chơi một buổi sáng chủ nhật, lúc 10 giờ sáng và nếu không bận thì ăn cơm trưa với anh. Tôi chưa rõ anh gọi có việc gì. Theo thói quen nghề nghiệp, tôi mang theo sổ công tác và cũng chuẩn bị những số liệu tổng hợp mà tôi biết anh hay quan tâm hỏi. Thực ra, thì đôi lần làm việc, khi anh hỏi thì tôi thường bí vì chỉ nghe bàn phong phanh chứ chưa nắm chắc. Mà kinh nghiệm đối với tôi, khi đã báo cáo lên anh mà chưa nắm chắc, chưa có ý kiến riêng của mình, thì chớ có dại mà báo cáo. Tốt nhất là trả lời: "Thưa anh, về việc này, tôi chưa nắm được". Thông thường, gặp vấn đề mà anh cần biết và muốn tham khảo ý kiến của tôi thì anh dặn: "Tôi muốn hiểu vấn để này, nhưng chưa rõ. Nếu anh quan tâm thì giúp mình tìm hiểu và ghi rõ ý kiến của anh...". Anh còn dặn thêm: tan giờ làm việc trưa hoặc chiều, ghi đầu dòng những nét chính, rồi đưa trực tiếp cho tôi, nếu tôi bận. Có lẽ cũng đến dăm ba lần, anh nhận tờ giấy báo cáo của tôi liếc qua rồi bảo: tôi có việc đột xuất, hôm khác chúng ta gặp nhau sẽ bàn tiếp. Rồi lần khác, anh bảo: anh viết cho tôi gọn và đáp ứng đúng yêu cầu rồi. Cách làm việc của đồng chí Trường Chinh là như thế đấy. Việc nào cần nghiền ngẫm, thì làm việc rất chính quy, bài bản. Nhưng cũng có việc chỉ trong một ngày cần phải nắm, thì hẹn cần gấp, và chấp nhận lối làm việc "du kích". Song đừng nghĩ làm việc kiểu này mà à uôm được đâu. Kinh nghiệm bản thân tôi là khi làm việc, báo cáo với anh, thì cần nhớ rằng đang báo cáo với cụ Thận đấy. Ghi số liệu, sự kiện thì chú thích nguồn rõ ràng; trình bày ý kiến của mình, thì nói rõ là đồng tình, phản đối hoặc phân vân, kèm theo lý do ngắn, gọn.

Hóa ra buổi sáng chủ nhật hôm đó, anh góp ý với tôi về một số bài thơ tôi viết ở trong Nam. Không khí ban đầu thật là vui vẻ. Anh hỏi: "Trưa nay không bận đi đâu chứ?". Tôi thưa: không ạ! Anh bảo: "Thế thì bình thơ của cậu xong thì ăn cơm ở đây. Cơm thường thôi. Nhưng có món lòng lợn chấm mắm tôm".

Thế rồi anh giở tập thơ ra, lật mấy trang, rồi anh bắt đầu câu chuyện - anh nói vì bận quá, nên tháng trước mới xem được. Anh bảo qua những bài tôi lựa chọn đưa anh xem, thì nói chung anh hoan nghênh. Hôm đó, anh cũng nói và phân tích về thơ khá dài, còn trực tiếp góp ý vào thơ của tôi thì cũng ít thôi.

Anh nói đại ý: "Về số bài thơ của cậu, tôi đọc khá kỹ và cũng có đánh dấu. Nói chung là có tình cảm, dễ hiểu, như vậy là tác giả có cảm xúc thực sự, cho nên thơ của cậu cũng dễ đi vào lòng người. Lựa chọn đề tài và thể thơ như vậy cũng được. Dùng chữ có cân nhắc đấy, nhưng lựa chọn thế nào cho thật hay hơn, mình đã làm thơ, mình thấy có khi chỉ đánh vật với mấy câu thôi cũng đã thấy mệt. Nhiều lúc cảm thấy tắc tị. Có lúc tưởng như ra được thơ ngay, nhưng rồi lại chẳng có. Mà những lúc đó, lại chẳng tìm được ai mà hỏi, trao đổi. Đến lúc nghĩ lại, thì hứng thơ chẳng còn nữa. Các cậu thuận lợi hơn mình, lại có nhiều bạn bè trao đổi ý kiến, bình với nhau, thì dễ có thơ hơn. Tuy nhiên, chọn thơ để in khó lắm. Đừng dễ dãi với mình, về chỗ này, đúng là phải chú trọng đến chất lượng nhiều hơn. Không nên cố cưỡng với thơ của mình, vì thơ là con người, là tâm hồn mình. Mình ở tầm này, mà cố vươn lên tầm cao hơn để đi vào những đề tài bao quát, lớn thì khó thành công. Điều kiện quan trọng nhất hoặc cũng là tính nghiêm túc của người làm thơ là ghi thật, ghi đúng sự rung động và cảm xúc của mình...".

 (còn nữa)

 

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com