Trường Chinh - Một cộng sự đắc lực của Bác Hồ, một nhân cách lớn, một tâm hồn trong sáng (kỳ 6)

12:02, 07/02/2019

Hoàng Ước

(tiếp theo)

Sau khoảng một tháng, anh đã xuống chỗ đội chúng tôi để kiểm tra công việc và dặn dò thêm. Theo đề nghị của anh, chúng tôi được bồi dưỡng thêm vì nhiều buổi phải làm việc thâu đêm suốt sáng. Trong lần tiếp xúc này, một số anh em chúng tôi sau khi được báo cáo lên anh tình hình phân tán ruộng đất rất phức tạp, việc phân định thành phần rất khó khăn trong những trường hợp nhập nhằng giữa địa chủ với phú nông, giữa phú nông với trung nông lớp trên, giữa bần nông với trung nông lớp dưới, đã được nghe anh góp ý giải đáp một cách rất thỏa đáng, thiết thực. Anh nói đại ý: Vì tình hình ruộng đất trong kháng chiến diễn biến phức tạp như vậy, cho nên Trung ương mới cử các đồng chí đi điều tra cụ thể tình hình nông thôn để Trung ương căn cứ vào thực tế đó mà quyết định đường lối, phương châm, chính sách, các bước tiến hành cải cách ruộng đất. Chúng ta chưa có kinh nghiệm, nên có cố vấn giúp đỡ thêm. Có ý kiến khác nhau thì báo cáo lên Trung ương xem xét và cho ý kiến. Chỉ cần các đồng chí nắm chắc thực tế, phản ánh một cách trung thực tình hình, phân tích thật cụ thể, khách quan, khoa học thì coi như là đã hoàn thành cơ bản được nhiệm vụ. Còn nếu có thêm ý kiến đề xuất lên Trung ương về đường lối, chính sách thì rất hoan nghênh.

Đồng chí Trường Chinh thăm gia đình bà Trần Thị Hồng và bà Lê Thị Cúc, cơ sở cách mạng ở Đông Xuân, Kim Anh, Vĩnh Phú.
Đồng chí Trường Chinh thăm gia đình bà Trần Thị Hồng và bà Lê Thị Cúc, cơ sở cách mạng ở Đông Xuân, Kim Anh, Vĩnh Phú.

Sau này, chúng tôi hiểu ra rằng chính do phân tích tình hình thực tế mà anh đã đề xuất với Trung ương trong đường lối tiến hành cải cách ruộng đất là "liên hiệp với phú nông" chứ không phải là "trung lập phú nông" như đã có ý kiến đề nghị.

Tôi vẫn đinh ninh nghĩ rằng giá hồi đó tiến hành cải cách ruộng đất mà quán triệt được tư tưởng chỉ đạo của anh và Bộ Chính trị, nhất là đừng gắn với kết hợp chỉnh đốn tổ chức, thì không thể có sai lầm đến mức như vậy.

Sở dĩ tôi ghi nhớ điều anh căn dặn, vì trong cải cách ruộng đất, tôi là người được chứng kiến từ đầu đến cuối, tức là từ lúc điều tra đến lúc tổng kết, và tiếp đó cũng tham gia sửa sai từ đầu đến cuối. Trong cuốn sách Về cách mạng ruộng đất ở Việt Nam mà đồng chí Trần Phương là chủ biên, tôi có tham gia một phần cùng với anh Lê Đức Bình do ủy ban Khoa học Xã hội in và phát hành, cũng có nghĩa là trong thắng lợi và sai lầm của cải cách ruộng đất, tôi đều có phần đóng góp và phần chịu trách nhiệm của mình. Do đó, khi tổng kết cải cách ruộng đất, đánh giá thắng lợi là cơ bản, mà sai lầm chủ yếu là do chỉ đạo thực hiện, thì tôi lại thoáng có ý nghĩ rằng đồng chí Trường Chinh của chúng ta không đáng nhận kỷ luật đến mức phải từ chức Tổng Bí thư.

Lần anh dặn dò đáng ghi nhớ nữa đối với tôi diễn ra chiều ngày 22-4-1965. Đó là ngày tôi đến xin ý kiến và chào tạm biệt anh trước khi lên đường vào Nam chiến đấu. sở dĩ, tôi nhớ chính xác thời gian là vì trong ngày này, anh tặng tôi tấm ảnh của anh với bút tích và thời gian rõ rệt, mà đến nay, tôi coi như một bảo vật. Tất nhiên, vì nguyên tắc bí mật, hôm đó tôi đã cảm động báo cáo với anh rằng: "Rất xúc động và cảm ơn anh đã tặng ảnh. Tôi hứa xứng đáng với lòng tin cậy của anh. Nhưng cũng xin báo cáo với anh rằng tôi không được phép mang theo, và để lại gia đình như một kỷ niệm quý... Trong buổi đó, không khí diễn ra hơi đặc biệt: có thuốc, có trà và cả bánh kẹo nữa. Trên bàn có sẵn bức thư của tôi xin gặp anh và có cả đề cương khá chi tiết bài viết của anh dặn dò tôi trước lúc lên đường. Thư tôi báo cáo anh gồm mấy ý: một là, toại nguyện và vui vẻ, phấn khởi lên đường, vì từ năm 1963, tôi đã có đơn tình nguyện đi B và hằng năm, tôi có nhắc lại; hai là, thu xếp ổn thỏa trong gia đình; ba là, hứa làm tròn nhiệm vụ và xứng đáng với lòng tin của Đảng, của Đoàn và là người đã được anh trực tiếp giáo dục, dạy dỗ.

Có lẽ, hôm đó anh cũng xúc động, còn đối với tôi thì có sự xúc động rõ rệt hơn. Nhịp tim tôi chắc chắn nhanh hơn. Trời rất oi bức mà không hiểu sao tôi run rẩy. Kẹo bánh do anh mời, tôi cầm lấy, nhưng lại đặt lên bàn, cảm thấy không thể ăn được. Điếu thuốc tôi cũng đặt lên bàn mà không châm lửa. Anh xua tay lắc lắc nhẹ nhàng khi tôi lấy giấy bút ra định ghi ý kiến của anh.

Lúc chậm rãi, lúc mạnh mẽ, anh nói một mạch khoảng hơn nửa tiếng, đôi khi liếc nhìn tờ giấy gạch đầu dòng ý kiến của mình, sở dĩ anh không cho ghi, vì sau đó, anh cho tôi ngồi tại chỗ đọc lại bản ghi của anh. Tuy là bản ghi ý chính, nhưng cũng chữ đỏ xen lẫn chữ xanh, và tôi hiểu anh đã phải tốn khá nhiều thời gian cho vài ba trang viết này. Thực ra để đọc mấy trang của anh, chỉ cần mươi phút. Nhưng tôi cũng tranh thủ đọc và nhẩm nhớ trong nửa tiếng đồng hồ, lúc anh vào buồng làm việc để mình tôi nghiền ngẫm. Cũng có một chi tiết thú vị là trong bản viết này, đôi chỗ anh viết bằng tiếng Pháp. Thí dụ: có chỗ anh viết nguyên văn: "Facteurs permanents / / Facteurs de contingence,...

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com