Hoàng Ước
(tiếp theo)
Cũng nhân chuyện bài phát biểu này, để giải đáp thắc mắc của tôi, anh kể đại ý như sau: "Trước đây thông thường các đồng chí Bộ Chính trị phát biểu xong thì văn kiện trình ra Trung ương để Trung ương bổ sung ý kiến. Ý nào chưa đưa vào được, thì để lại thảo luận sau, rồi có khi cũng chẳng thảo luận nữa. Lần đó, mình phát biểu xong, nhiều anh trong Bộ Chính trị hoan nghênh. Anh Ba cũng đồng tình. Hôm anh Linh ra, tôi có đưa cho anh Linh xem bài phát biểu của tôi trong hội nghị Bộ Chính trị. Tôi trao đổi với anh Linh: Đấy, nhờ anh cho đi thâm nhập thực tế ở các cơ sở sản xuất ở Thành phố và qua trao đổi ý kiến với các anh trong đó, tôi phát biểu như vậy có được không? Anh Linh hoan nghênh và nhắc tôi là nên phát biểu ở Hội nghị Trung ương. Tôi hỏi anh Linh: Phá lệ thế có được không? (vì anh Linh cũng đã từng tham gia Bộ Chính trị) thì anh Linh trả lời: Làm gì có lệ cấm! Trước đây chỉ bảo là nên để thì giờ nghe các đồng chí Trung ương ủy viên phát biểu thôi. Còn lần này anh không nói ra thì chẳng ai nói ra đâu. Tôi có thực tế đấy, nhưng đã phản ánh với anh rồi. Anh phát biểu thì có lý lẽ mạch lạc khúc chiết, lại có thực tế sinh động nữa chứ tôi cũng chẳng phát biểu được đâu. Anh nên phát biểu. Tôi chưa dám hứa nhận lời với anh Linh đâu. Nhưng rồi gặp anh Ba, tôi nói: tôi đi thực tế ở Thành phố Hồ Chí Minh thấy hay lắm; anh Linh muốn tôi phát biểu ý kiến ở Hội nghị Trung ương và tôi cũng muốn bài phát biểu của tôi ở Bộ Chính trị vừa rồi được Trung ương tham gia ý kiến để hoàn chỉnh thêm. Anh Ba đồng ý. Anh em thư ký muốn nhân dịp này tôi bổ sung, phát triển thêm, nhưng cân nhắc kỹ tôi thấy không phải mọi vấn đề đều có thể phát biểu ngay một lúc, sẽ còn nhiều dịp để trình bày với Bộ Chính trị và Trung ương".
Khi làm thơ mừng sinh nhật lần thứ 75 của anh, tôi đã nghĩ và tin rằng nhất định sẽ có bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động chính trị của Trường Chinh (bài thơ tôi kể ở trên).
Từ hôm đó tôi tin rằng cây đời Trường Chinh đã có bộ rễ vững bám vào những mảnh đất màu mỡ mới. Và không thể ai lay chuyển được ý chí đổi mới của Trường Chinh. Anh rất hài lòng với bộ máy giúp việc mới của mình. Anh có thêm những bạn chiến đấu mới tâm đầu ý hợp với mình ở Trung ương và địa phương, những cộng tác viên khoa học mới của mình. Anh lại càng giữ gìn mối quan hệ trong Bộ Chính trị, kiên trì từng bước thuyết phục Bộ Chính trị và cũng tạm rút lui những ý kiến khi thấy cần thiết, để những gì anh làm, anh nói đều được Bộ Chính trị tán thành, đồng tình trên nguyên tắc. Tôn trọng sự lãnh đạo tập thể của Bộ Chính trị, anh mạnh dạn chịu trách nhiệm cá nhân về những bài phát biểu công khai của mình, về những việc làm của mình khi đến công trường, nhà máy, các địa phương. Anh càng vui, càng lạc quan hơn, nhưng cũng lại càng thận trọng hơn. Lần nào gặp riêng anh đều dặn: "Phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức lắm. Nhìn thẳng vào sự thật có nghĩa là đừng say sưa với thắng lợi, đừng đeo kính màu hồng, đừng nhắm mắt trước khó khăn, thách thức. Cán bộ, quần chúng ở cơ sở sáng tạo lắm. Chịu khó học hỏi ở địa phương, ở cơ sở, nơi quần chúng thì mới tiến bộ được".
Gánh vác trọng trách (không biết là mới hay cũ), anh bắt tay ngay vào việc tổ chức biên tập lại Báo cáo chính trị trình Đại hội VI, mà trước đó anh đã tỏ ý chưa đồng tình và đề nghị viết lại. Riêng công việc này đã choán rất nhiều thời gian của anh, khiến anh không có nhiều thời gian dành cho những công việc quan trọng cấp bách khác. Tôi thực sự phấn khởi là khi vào Nam công tác, anh thấy anh em gọi anh bằng cái tên thân thiết là anh Năm mới.
Thiết nghĩ anh đã rất vui khi việc làm của mình đã được nhân dân và cán bộ đồng tình. Đối với anh thế cũng đã là quá đủ rồi.
Song tại sao anh lại có chuyển biến nhận thức kịp thời và lại đem được tư duy, nhận thức của mình làm chuyển biến được tình hình?
Công bằng mà nói, những việc làm có tính chất thí điểm đột phá ở Hải Phòng, Long An, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác nữa sau này phát hiện thêm là do sáng kiến của nhân dân và lãnh đạo ở các địa phương và cơ sở. Nó mang tính thí điểm, còn tản mạn. Nhiều người có ý kiến mới, có sáng kiến mới, nhưng đúc kết lại thành lý luận, nhận thức và tập hợp lại thành một hệ thống những luận điểm mới, thì anh là một trong những người có công đầu. Và còn điểm quan trọng nữa là uy tín của anh, bản lĩnh của anh, uy tín đó được tích lũy lại do cả quá trình được sống, chiến đấu, học tập, rèn luyện bên cạnh và theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại. Giữa anh và anh Ba Duẩn có một tình đồng chí khá đặc biệt, biết tôn trọng nhau, nhường nhịn nhau, chờ đợi nhau. Anh Ba cũng như vậy. Phải công bằng mà nhận định rằng nếu ngay từ đầu, anh Ba không tỏ rõ thái độ ít nhiều đồng tình với anh, mà trong Đảng lại không có sự nhất trí về những vấn đề lớn của đất nước thì tình hình sẽ vô cùng phức tạp. Cũng là may và hạnh phúc cho đất nước mình là anh Năm và anh Ba đều xứng đáng là những người bạn chiến đấu và học trò xuất sắc nhất của Bác Hồ.
Cũng cần nhớ rằng anh Trường Chinh là cựu sinh viên Trường Cao đẳng Thương mại, là nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng, nhưng đồng thời cũng là nhà lý luận sắc sảo, nhà văn hóa uyên thâm. Cái vốn đó, cái vốn rất phong phú đủ sức khai thác và phát triển vốn thực tiễn của người khác thành một chất lượng mới, thì càng không phải ai cũng có. Hội tụ đủ cả cái tâm, cái đức, cái tài, mới có được một "anh Năm mới" của chúng ta.
Và một hoàn cảnh đặc biệt nữa của anh là có được một gia đình êm ấm, một trưởng nam lúc đó đã trưởng thành đủ sức làm trợ thủ đắc lực giúp anh, những ý kiến mà chỉ có tình nghĩa bố con thì mới thẳng thắn phát biểu được.
Đó cũng là một thực tế không thể không tính đến, song dù có hiểu được nhiều hơn, tôi cũng xin phép anh Đặng Xuân Kỳ - người bạn rất đáng quý trọng và tin cậy của chúng tôi - được phép dừng lại ở đây.
(còn nữa)