Trường Chinh - Một cộng sự đắc lực của Bác Hồ, một nhân cách lớn, một tâm hồn trong sáng (kỳ 12)

06:02, 21/02/2019

Hoàng Ước

(tiếp theo)

Phải nói lên một sự thật tế nhị là anh Trường Chinh thường trao đổi với anh Kỳ và tôi về việc tổ chức nhóm giúp việc trực tiếp cho anh. Cuối cùng, anh đã chọn được một nhóm cán bộ trợ lý giúp việc đắc lực theo kiến nghị của tổ chức và ý kiến của anh Kỳ. Tất nhiên, và trước hết anh Hà Nghiệp và anh Trần Nhâm là những người tâm huyết, quý trọng anh và tận tình giúp anh tiếp xúc nhiều hơn với những cán bộ lãnh đạo ở địa phương và cán bộ khoa học có trình độ say sưa tìm ra cái mới để đưa đất nước ra khỏi bế tắc. Đồng thời, các anh ấy cũng bố trí để anh đi địa phương, tiếp xúc với cơ sở nhiều hơn. Về mặt lý luận, anh Trường Chinh quan tâm rất nhiều đến Chính sách kinh tế mới của Lênin (NEP). Qua khảo sát thực tế và vận dụng quan điểm của Lênin trong NEP, anh đã nêu ý kiến: cái gì quốc doanh làm tốt và cần phải nắm lấy để nhất định làm cho tốt thì để quốc doanh làm và muốn nó làm tốt thì giúp cho nó đến nơi đến chốn, tức là bồi dưỡng tay nghề cho công nhân và năng lực của cán bộ quản lý, cân đối vật tư, tài chính đầy đủ và tạo điều kiện cho nó hạch toán kinh tế thực sự; cái gì hợp tác xã làm được thì để hợp tác xã làm, cái gì cá thể, tư nhân làm được thì để cá thể làm. Tôi nói sản xuất cần phải bung ra là như thế. Sản xuất bung ra thì lực lượng sản xuất mới được giải phóng, mới phát triển được.

Đồng chí Trường Chinh thăm Nông trường chè Bầu Cạn, Gia Lai - Kon Tum, tháng 3-1983.
Đồng chí Trường Chinh thăm Nông trường chè Bầu Cạn, Gia Lai - Kon Tum, tháng 3-1983.

Đại thể trong những lần trao đổi ý kiến cá nhân như vậy, có lúc vui vẻ, anh nói một cách hài hước với chúng tôi: "Các cậu khi nói lý luận, thì cứ trích nguyên văn lời Mác, lời Lênin, đem Mác ra hù dọa, tỏ vẻ uyên bác, nhưng lại chẳng chú ý đến cái tinh túy của chủ nghĩa Mác là làm sao đời sống người lao động ngày càng tốt hơn. Đi gõ phèng phèng như chú khách rao thuốc ế trước những người nghèo đói thì làm sao họ thấy được chủ nghĩa Mác. Lương công nhân không nuôi gia đình đủ ăn, mà cứ nói chuyện đâu đâu ấy là mácxít chính cống à!...". Anh cười và chính những lúc đó chúng tôi thấy tính hài hước đó chứng tỏ anh có sự cảm thông sâu sắc với đời sống của quần chúng. Với chúng tôi, hoàn toàn không có gì ngạc nhiên khi anh nêu khẩu hiệu: "Hãy cứu lấy giai cấp công nhân".

Trong thời gian không dài, từ năm 1983, 1984 trở đi, tức là trước cả Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (khóa V), anh đã phát biểu trong Bộ Chính trị nhiều lần về những vấn đề có liên quan đến đổi mới. Phần lớn ý kiến đó là dựa vào thực tế anh nắm được trái ngược với tình hình được phản ánh qua văn bản chính thức của các cấp, hoặc là ý kiến của cán bộ lãnh đạo, cơ sở báo cáo lên mà anh thấy là hợp lý. Không phải ý kiến mới đưa ra dễ được chấp nhận ngay đâu.

Có lần, anh hỏi tôi: thế cái giường, cái bàn, cái ghế nhà cậu có phải là hàng hóa không? Tôi không hiểu ý và xin hỏi lại anh: Vâng, nhưng sao anh lại đặt vấn đề này ra? Anh cười bảo: thế mà bây giờ nói sản xuất hàng hóa cũng chưa thuận tai đâu! Bây giờ không cẩn thận thì nguy đấy. Không cẩn thận thì chúng ta sẽ quay lưng lại với sự thật, với thực tế; không ai muốn nghe sự thật, không muốn bàn chuyện thực tế thì liệu tương lai sẽ đi đến đâu?

Sau này, tôi mới hiểu được đấu tranh giữa nhận thức mới và tư duy cũ quả không đơn giản. Anh uốn nắn cho tôi cái nhận thức chính trị ngây thơ của tôi tin rằng ở cấp lãnh đạo cao, ai cũng có lòng với dân với nước, mà lẽ phải và sự thực quá hiển nhiên, thì làm gì mà không dám nhận mình trước đây sai, nay làm cho đúng thì dân càng hoan nghênh chứ sao. Qua sự giải thích của anh, tôi tự mình rút ra kết luận (kết luận này không phải là lời anh, và anh không thích kết luận thay người khác khi trao đổi ý kiến, vì anh chỉ gợi ý thôi): Sự đời không đơn giản, đôi khi muốn tránh thảo luận để giải quyết vấn đề thực tế, thì người ta lại dẫn ra vấn đề tranh luận về lý luận, về luận điểm, thậm chí nặn ra hoặc sao chép một khái niệm nào đó mà chính người đưa ra cũng chẳng hiểu khái niệm đó là gì. Phải mãi sau này, anh Kỳ có kể cho tôi nghe: cụ bảo mình ghi cho cụ hai trang về khái niệm chủ nghĩa xã hội thị trường, vì có người phê phán cụ là chạy theo chủ nghĩa xã hội thị trường, trái với chủ nghĩa Mác - Lênin.

Sau này, khi đồng chí Trường Chinh có bài phát biểu nổi tiếng được Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (khóa V) nhiệt liệt hoan nghênh - bài này sau loan truyền rộng ra, thì người ta mới vỡ lẽ, và hỏi: "Sao? Bài phát biểu của anh Năm à?...". Có người khoe với tôi bài đó và nói rằng không biết của ai. Tôi cũng nói là chưa được đọc, cho nên chẳng biết của ai? Họ giải thích cho tôi rằng đó là bài của anh Ba đấy. Tôi cười và nói lại: mình chỉ được phép đọc những văn kiện chính thức của Trung ương thôi.

(còn nữa)

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com