Hoàng Ước
(tiếp theo)
Anh Năm mới
Trong hàng ngũ Tổng Bí thư của Đảng, chẳng có ai trong đời sống chính trị lại phải thăng trầm, chìm nổi như anh. Là một trong số cán bộ trẻ (tôi kém anh 22 tuổi, chỉ đáng là con cháu) được xem như gần gũi thân cận anh, tôi vừa hiểu lại vừa không hiểu vì sao anh lại dẫn dắt sự nghiệp đổi mới một cách bài bản nhanh chóng đến thế?
Vào những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ XX này, dù Việt Nam là thành viên của phe xã hội chủ nghĩa, của Hội đồng tương trợ kinh tế, nhưng không mấy người là không có phần lo lắng cho tương lai của đất nước mình. Chính bản thân tôi, trong tham luận về tình hình đất nước tại Viện Triết học thuộc ủy ban Khoa học Xã hội đã thốt ra: mong sao năm sau bằng năm trước, năm tới bằng năm nay. Chế độ tập trung quan liêu, bao cấp tạo ra nhiều tiêu cực. Vì lên được một cấp, lương danh nghĩa tăng chẳng được bao nhiêu, nhưng người ta được nằm Bệnh viện Việt - Xô loại "luých", có phiếu cung cấp ở Tông Đản, Vân Hồ, căn hộ dù tồi tàn nhưng cũng được bố trí rộng hơn, có khi được ô tô đưa đón. Không phải chỉ có cơ chế thị trường làm hư hỏng cán bộ, mà cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp đã tha hóa một số cán bộ rồi. Chẳng qua là mức độ tha hóa, biến chất cao thấp khác nhau, nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó có những chỗ giống, khác nhau, mà nguồn gốc là chủ nghĩa cá nhân mà thôi.
Theo hiểu biết của tôi, bước sang đầu những năm 80 thế kỷ XX, anh Trường Chinh đã có nhiều băn khoăn, trăn trở. Biết tôi công tác ở Ủy ban Khoa học Xã hội, anh thường căn dặn, nhắc nhở tôi phải đầu tư công sức làm sao gắng nghiên cứu, học tập, đi sát cơ sở để tháo gỡ bế tắc, giúp dân từng bước thoát cảnh nghèo đói, đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Anh thường nhấn đi nhấn lại rằng qua 5-6 năm đất nước đã hòa bình thống nhất, sau một kế hoạch 5 năm, mà tình hình vẫn trì trệ, dẫm chân tại chỗ như thế này là không thể chấp nhận được. Phải có một nguyên nhân hoặc những nguyên nhân gì đây mà chúng ta chưa tìm ra, … Tất nhiên, anh kể cho tôi nghe những phản ánh khác nhau của các loại cán bộ và quần chúng cơ sở mà anh quan tâm. Anh cho phép tôi hễ có những ý kiến gì, dù ý kiến đó trái với những văn bản chung, đụng đến những vấn đề lớn, thì cứ mạnh dạn đề đạt lên. Anh dặn trước: tôi sẽ thu xếp thời gian đi một số địa phương, nếu thu xếp được thời gian thì cùng đi và cùng khảo sát, nghiên cứu.
Tôi bị hụt chuyến đi công tác ở miền núi phía Bắc, vì lúc đó tôi đang ở trong Nam. Hai chuyến đi sau ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, tôi đi theo anh.
Trong cả hai chuyến đó, phát hiện lớn nhất của anh là trong Đảng, cấp dưới đã không báo cáo đúng sự thật lên cấp trên, cuối cùng là Trung ương cũng không nắm được sự thật, tự ru ngủ mình với những số liệu giả tạo, cán bộ cấp dưới và quần chúng bị kìm hãm không dám phát biểu ý kiến của mình.
Anh cảm thấy cơ chế vận hành có vấn đề, quần chúng thì rất hăng hái, muốn tự cứu mình, song không biết xoay sở thế nào khi bị dồn ép vào các hợp tác xã vốn tồn tại trên danh nghĩa, hình thức...
Về điều này, anh tỏ ra rất gay gắt, quyết liệt. Cũng cần chú thích rằng trong chuyến đi này có anh Kỳ cùng đi giúp anh. Tôi và anh Kỳ cùng ở chung với nhau một buồng. Trước đó, chúng tôi thường bàn với nhau và đi đến quyết định: cụ mà không chuyển thì rất gay, cụ mà chuyển thì gỡ được thế bí của tình hình. Bản thân chúng tôi cũng lặn lội xuống tận cơ sở để thẩm tra lại tình hình, phát động cán bộ cơ sở và cán bộ ở một số ngành của tỉnh báo cáo sự thật với Chủ tịch nước. Đúng là "cụ" và anh em trong đoàn đều đã nhận được báo cáo khá đầy đủ. Song đến lúc chúng tôi chứng minh và thuyết phục được "cụ" rằng những số liệu đó không đáng tin cậy, thì bài nói chuyện của "cụ" trước cán bộ lãnh đạo và các ngành, các huyện thị và cơ sở đã hoàn toàn khác.
Cũng phải kể rằng, có một buổi từ tối đến nửa đêm, anh Trường Chinh đã "quần" anh Kỳ và tôi về tình hình. Hai anh em chúng tôi, mỗi người một kiểu, đã trình bày để anh hiểu được rằng: cho đến nay, Trung ương vẫn bị bưng bít sự thật và tình hình không phải sáng sủa như bức tranh ta đã vẽ ra đâu. Làm sao tìm ra được biện pháp xoay sở tình hình, khi mà những thông tin được phản ánh không đúng sự thật. Chúng tôi đã thành công; anh Kỳ là người đột phá và động viên tôi báo cáo với "cụ" một cách thẳng thắn, dứt khoát ý kiến của mình, bởi vì không phải lúc nào chúng tôi cũng có đủ lòng dũng cảm, mà cũng phải thôi, có bao giờ anh Trường Chinh xuôi tai, nghe báo cáo một cách dễ dãi, thuận chiều. Cho anh báo cáo một cách tự do, thoải mái không cắt ngang, nhưng phải để cho tôi thắc mắc, chất vấn đòi hỏi thêm chứng minh chứ.
Phong cách và tác phong làm việc của Trường Chinh là như thế đấy.
(còn nữa)