Hoàng Ước
(tiếp theo)
Cũng nhân đây, tôi nhớ lại những ngày anh thường xuyên làm việc với các đồng chí ở cơ quan thường trực sửa sai ở số 4 Bà Huyện Thanh Quan. Những đồng chí chủ chốt ở đây là những người ít nhiều đều đóng góp vào thành quả cũng như sai lầm của cải cách ruộng đất, đều là những người có phẩm chất rất tốt, nhiều người vào tù ra tội, vào sinh ra tử, có nhiều công lao đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Đội ngũ cán bộ đó, vâng, cũng chính vẫn đội ngũ cán bộ đó, lần này được sự lãnh đạo trực tiếp và chỉ đạo sít sao của đồng chí Trường Chinh, đã chịu đựng bao gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt đẹp, với thái độ tự giác và phấn khởi hơn. Ngoài quan hệ trong công việc, anh có tình cảm anh em cũng khá đặc biệt đối với anh Lộc, anh Thí, anh Đào, anh Bình... Hình như còn cả sự thông cảm với hoàn cảnh của nhau nữa. Tôi nhớ nhiều lần anh rất vui khi đến làm việc với anh em. Đôi lần, trước khi làm việc chính thức, anh thông báo để anh em nắm đôi nét về tình hình thế giới và trong nước. Anh Lộc báo cáo có khi dây cà ra dây muống, nhưng lại rất ấn tượng, cho nên anh cũng rất thích thú. Anh cũng rất chú ý tới nét sắc sảo trong các lần phát biểu của anh Thí, anh Đào, anh Bình. Những tài liệu của cơ quan thường trực sửa sai gửi lên anh, thường được anh đồng tình, và nếu có sửa chữa, bổ sung thì rất ít. Anh thường khen cơ quan thường trực sửa sai cũng có những cây bút viết rất khá. Tôi đóng vai trò liên lạc giữa anh và các đồng chí thường trực sửa sai, và các anh bên đó cũng làm việc thực sự nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm rất cao. Anh em hiểu quá rõ tính thận trọng của anh, cho nên gia công gọt rũa câu chữ để tiết kiệm công sức của anh. Trong thâm tâm, anh coi các đồng chí đó là những chuyên gia trên lĩnh vực này, cho nên anh rất tôn trọng ý kiến phát biểu của các đồng chí đó. Khi thảo luận thì mọi người tranh luận đến nơi đến chốn mà vẫn rất chân tình. Thường thường anh kết luận một cách rất vui vẻ và anh em cũng đồng tình một cách rất vui vẻ. Sau đó, cũng "mặc cả" với nhau về thời gian hoàn thành. Trong sự thương lượng đó, đôi lúc anh tỏ thái độ nhân nhượng và thỏa hiệp. Vậy mà công việc cứ chạy băng băng. Dưới sự chỉ đạo khéo léo, tài tình của anh, bộ tham mưu của anh gồm toàn những người nhanh chóng gắn bó với nhau như những người đồng chí, đồng đội, đồng tâm, đồng cảm, đồng điệu ruột thịt. Tác phong quần chúng của anh thể hiện rất rõ ngay cả trong việc điều hành loại công việc có tính chất rất "bàn giấy" này.
Thời kỳ phụ trách công việc sửa sai, tiếp đó chuẩn bị chính sách hợp tác hóa nông nghiệp, cũng là thời kỳ anh đi địa phương và cơ sở nhiều. Trong những chuyến đi đó, tôi thường được đi theo tháp tùng; cũng có nghĩa là phải đi trước cùng tỉnh ủy chuẩn bị, rồi sau đó đi theo anh về làm việc với địa phương. Tôi nhớ những địa phương anh đến thăm và làm việc trong thời kỳ này là Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình. Qua các chuyến công tác ở địa phương, anh nhận được sự đón tiếp nồng hậu, thân tình của cán bộ và nhân dân, thu hoạch được nhiều điều thực tế bổ ích. Những cuộc tiếp xúc riêng với cán bộ lãnh đạo chủ chốt, với cơ sở cũ ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc diễn ra thật là cảm động. Cũng nhờ được mục kích những cuộc gặp gỡ đó, chúng tôi mới biết cách ăn ở và ứng xử của anh trong thời kỳ bí mật với các thành viên của mỗi gia đình cơ sở khiến họ thương anh khi cùng chung sống và nhớ anh lúc phải rời đi nơi khác để tiếp tục nhiệm vụ. Và càng hiểu thêm bản lĩnh của anh thể hiện qua tinh thần cảnh giác cách mạng, giữ vững nguyên tắc công tác bí mật, sự nhanh trí ứng biến một cách bình tĩnh, linh hoạt trong những lần thoát hiểm. Trước đó, dù biết phong phanh một số chuyện như vậy qua người khác, nhưng tôi không dám "tò mò", và cũng chưa bao giờ anh kể cho nghe. Tuy nhiên, từ sau đó, do anh thấy tôi đã được nghe những câu chuyện này thì khi rảnh rỗi, anh cũng kể bổ sung thêm về tên người, nơi và thời gian xảy ra sự kiện. Đồng thời cũng là dịp anh biểu dương và nhớ ơn những người đã từng cưu mang, che chở mình. Đó là một nguồn quan trọng nuôi dưỡng tình cảm cách mạng cũng như nỗi niềm riêng của anh trong cuộc sống đời thường.
Những lần dặn dò...
Mặc dù đã biết tiếng và ngưỡng mộ Tổng Bí thư Trường Chinh - Đặng Xuân Khu từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường và tiếp đó có vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, chiến đấu dưới ngọn cờ của Đảng, nhưng phải đến đầu năm 1953, tôi mới được tiếp xúc với đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh. Lúc đó, tôi được phân công làm một trong ba đội trưởng điều tra nông thôn để chuẩn bị cải cách ruộng đất. Chính đồng chí Tổng Bí thư đích thân chỉ thị cho bốn chục anh em chúng tôi ở cả ba đội trước khi xuống địa bàn công tác. Anh Hoàng Tùng cùng đi với anh tham dự cuộc tiếp xúc này.
Trong khoảng thời gian một tiếng rưỡi, chúng tôi đã lĩnh hội được tầm quan trọng đặc biệt của công tác điều tra, nắm chắc được mục đích của đợt công tác, hiểu được phương pháp làm để đạt kết quả. Việc ý thức được trách nhiệm của mình trong công việc này có giá trị động viên tư tưởng, tinh thần rất thiết thực. Gần 50 năm đã trôi qua kể từ buổi hội ngộ ban đầu ấy, song tôi vẫn đinh ninh nhớ những lời giảng giải dặn dò của anh đại ý như sau:
Cần có sự phân tích cụ thể đối với tình hình cụ thể, xuất phát từ thực tế để xây dựng chính sách; đó là tinh thần cơ bản trong phương pháp của Mác... Việc điều tra này cần phải dựa vào quần chúng để tiến hành. Muốn quần chúng nhiệt tình giúp đỡ mình một cách trung thực, phải làm cho quần chúng hiểu rõ mục đích của điều tra, hiểu được lợi ích của công việc này. Tuy nhiên, điều tra không chỉ là nghe một chiều, một lần, một người, mà phải thường xuyên so sánh, đối chiếu, kiểm tra lại tài liệu thu thập được để chuẩn xác hóa nguồn tư liệu. Do đó, phải kết hợp điều tra với phát động tư tưởng, với kiểm tra. Tác phong của cán bộ phải gần gũi quần chúng, lắng nghe ý kiến của họ... Rồi anh nhấn mạnh đến thái độ trung thực của người làm công tác điều tra, động viên và chúc anh em hoàn thành nhiệm vụ...
(còn nữa)