Hoàng Ước
(tiếp theo)
Lại câu chuyện về một cái Tết khác. Đó là năm 1957, khi đó tôi đang là thư ký giúp việc anh. Trước Tết, tôi về thăm và ăn Tết với mẹ và em gái tôi, lúc đó vẫn còn ở chỗ tản cư cũ ở Yên Thế (nay là Tân Yên), Bắc Giang. Sau đó tôi trở về Hà Nội và chiều mồng hai Tết, tôi mới vào chúc Tết anh và gia đình. Trước đó, tôi đã nhận được quà, lời thăm hỏi và chúc Tết của anh gửi mẹ tôi. Tôi chuyển lời cảm ơn và lời chúc mộc mạc của mẹ tôi đến anh chị. Tôi nhớ là khi anh chị vui vẻ tiếp chuyện riêng tôi (khoảng 4 giờ chiều đã vãn khách), tôi có chúc anh chị năm nay sinh con trai. Anh cười xòa và đùa với chị: "Đấy, anh Ước chúc như vậy, mình phải cố gắng lên nhé!" Rồi quay sang tôi, anh nói: Xin nhận lời chúc, nhưng chúng tôi mong có thêm cháu gái. Mọi người cười vui vẻ. Anh bảo tôi nán lại ăn bánh chưng rồi hãy đi chúc Tết "người đẹp" và họ hàng, bạn bè. Anh dùng từ "người đẹp" một cách rất hóm hỉnh. Anh tiếp chuyện tôi trong khi chị xuống bếp bóc bánh chưng. Anh hỏi han sức khỏe mẹ tôi, hỏi chuyện Tết nhất ở nông thôn. Trong khi đang nói chuyện vui vẻ, bỗng dưng anh dừng lại và hỏi tôi: "Năm nay anh bao nhiêu tuổi?" - "Thưa anh, tôi sang tuổi 29", tôi đáp. Trầm ngâm một chút, anh nói: Các anh còn trẻ cần phấn đấu để ngày càng phục vụ cách mạng được tốt hơn. Nhưng theo ý riêng tôi, đến độ tuổi xấp xỉ 40 thì sẽ chắc chắn hơn, mặc dù các cụ xưa vẫn nói "tam thập nhi lập". Dừng lại một chút, bỗng anh cười xòa rồi thủng thẳng nói một cách hài hước: "Này! Nói vậy chứ, mình đến 50 tuổi đầu rồi mà vẫn còn dại đấy!" Anh vẫn tiếp tục cười vui vẻ. Nhưng lòng tôi bỗng se lại. Đúng là Tết năm đó, anh 50 tuổi. Trước đó một năm, do phát hiện sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, anh đã tự nguyện xin từ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chủ động đứng ra xin Bác và Bộ Chính trị gánh vác công việc sửa sai. Việc anh từ chức cũng đồng thời có ý nghĩa là tự nhận trách nhiệm, thiếu sót và tự nguyện chịu kỷ luật của Đảng cũng gây ra những dư luận, bàn tán, xôn xao trong Đảng và trong nhân dân. Hồi đó, tôi đi thực tế ở nông thôn khá nhiều. Tôi cũng đã giúp việc anh Đỗ Mưòi tham gia sửa sai ở một số huyện, xã của Thái Bình. Đúng là quần chúng, cán bộ, đảng viên rất bất bình đối với sai lầm trong cải cách ruộng đất và đặc biệt là sai lầm trong chỉnh đốn tổ chức. Song quần chúng và cán bộ, đảng viên thù ai? ghét ai? Trước hết, họ ghét số "rễ", "chuỗi" thôi (có khi là lưu manh) mà cán bộ dựa nhầm, để cho số này tố điêu, vu khống nhằm trả thù và mưu lợi cá nhân. Rồi đến, họ căm ghét những ông cán bộ đội cải cách lộng hành ở xã, mà lúc đó bà con đã gọi là "nhất đội, nhì trời". Số có trình độ hơn, hiểu biết hơn thì cho rằng kỷ luật đến đồng chí Hồ Viết Thắng là được rồi. Đồng ý là Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh cũng phải chịu trách nhiệm, song có đáng đến mức đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh phải từ chức hay không?... Tôi cũng đôi lần phản ánh với anh tinh thần của hàng trăm lá thư của cán bộ, đồng bào khắp các tỉnh, thành miền Bắc gửi lên anh với tấm lòng ngưỡng mộ, kính phục, kèm theo câu trách móc có ý nghĩa chất vấn: "Cớ sao anh lại có hành động như vậy?". Có thư của cán bộ cao cấp trong Đảng, trong quân đội còn phê phán thái độ của anh là "chân thực tiểu tư sản" (với chú thích bằng tiếng Pháp "scrupule petit - bourgeois" ) và là những gì khác nữa, …
Chiều hôm đó, tôi được anh chị cho ăn bánh chưng, giò lụa kèm với dưa hành, trong không khí rất thân mật. Tôi cảm thấy tự mình gắn bó với anh thân thiết như người trong gia đình. Tuy nhiên, trong công việc và giao tiếp hàng ngày, tôi vẫn giữ khoảng cách cần thiết. Là người tế nhị, từng trải, anh thông cảm và cũng cho phép giữ một khoảng cách như vậy. Đó là khoảng cách của một cán bộ tận tụy giúp việc thủ trưởng, thủ trưởng lại là một lãnh tụ quan trọng của Đảng. Đòi hỏi của anh đối với người giúp việc mình là: tận tụy trong công việc, bảo vệ bí mật của Đảng, giữ gìn thái độ đúng đắn, hòa nhã đối với mọi người, sinh hoạt nghiêm túc, không được phép bê tha, bừa bãi. Sau đó, là thời giờ tự do của mình được sử dụng thế nào là quyền của mình. Vì vậy, những năm tháng được làm việc và sống bên anh, tôi cảm thấy mình được sống một cách tự do, thoải mái nhất và cũng là có ý nghĩa nhất...
Rồi lại chợt nhớ đến một cái Tết mà tôi dẫn theo đứa con gái đầu lòng của mình đến chúc Tết anh. Khác với lệ thường, hôm đó là sáng ngày mồng một Tết, mà không phải là buổi chiều. Được dặn dò trước, con tôi đã thưa với anh: Năm mới, cháu xin chúc ông mạnh khỏe, sống lâu. Anh phát biểu cảm ơn và chúc lại cháu học giỏi, ngoan, lễ phép để xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ. Rồi anh nói thêm: Cháu ngoan lắm; nhưng bây giờ bác nhắc cháu chúc lại: Năm mới, cháu xin chúc bác mạnh khỏe... Con tôi đưa mắt nhìn tôi. Chính tôi cũng lúng túng, không biết phản ứng thế nào trong tình huống này cho phải. Thấy cháu im lặng, anh nhắc cháu: Thế bây giờ cháu chúc lại bác đi. Cháu đứng dậy và nói một cách mạch lạc: "Năm mới, cháu xin chúc bác sống lâu, mạnh khỏe ạ"...
Con gái tôi năm nay đã bốn chục tuổi, nhưng kỷ niệm của ngày Tết đó vẫn theo cháu, mặc dù hơn ba chục năm đã trôi qua.
(còn nữa)