Hoàng Ước
(tiếp theo)
Bên anh Trường Chinh những ngày đầu xuân
Gần như thành một thông lệ, cứ chiều mồng một Tết Âm lịch, những đồng chí đã từng giúp việc trực tiếp đồng chí Trường Chinh qua những thời kỳ thường đến chúc Tết anh và gia đình. Tuy nhiên, khách đến thăm và chúc Tết anh trong những ngày Tết còn bao gồm nhiều đồng chí hoạt động trong những ngành khác nhau nữa.
Đồng chí Trường Chinh thăm gia đình ông Sơn - cơ sở cách mạng ở thôn Tả Hành, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, năm 1963. |
Trước hết, tôi nhớ đến một cái Tết mà anh trò chuyện với một số nhà thơ. Chiều mồng một Tết năm đó, khi tôi đến chúc Tết anh thì giáo sư văn học Hoàng Xuân Nhị và nhà thơ Phạm Tiến Duật đã có mặt trong phòng khách. Sau khi nhận lời chúc và anh chúc lại, anh giới thiệu chúng tôi làm quen nhau một cách trân trọng. Có lẽ anh chưa biết rằng chúng tôi cũng có quen hoặc biết nhau. Anh vui vẻ nói rằng nếu các anh đã biết nhau thì chúng ta ngồi đây bàn chuyện thơ. Anh cũng giới thiệu qua rằng tôi cũng biết làm thơ và thưởng thức thơ. Tôi tự nhận mình là người yêu thơ. Nhà thơ Phạm Tiến Duật thì nhấn mạnh đề nghị anh tiếp tục làm thơ, dù rằng có rất ít thì giờ rảnh rỗi. Giọng nói của Phạm Tiến Duật hôm đó khá hùng hồn, thoải mái. Anh ngồi nghe Duật nói một cách thích thú, hồn nhiên. Rồi như để Duật cũng bằng lòng, anh nói đại ý: Mình cũng rất thích thơ, nhưng bận quá và cũng vì chưa khéo sắp xếp thời gian, nhưng khi tuổi đã cao thì độ nhạy cảm kém đi, thơ cũng sút kém đi, … Duật chưa chịu, nhưng đúng lúc đó anh chị Tố Hữu đến thăm và chúc Tết anh. Chúc lại anh chị xong, anh mời anh chị Tố Hữu ngồi chơi và nêu tóm tắt về nội dung câu chuyện vừa bàn. Mọi người lại phát biểu ý kiến của mình. Anh Tố Hữu đưa ra ý kiến đại ý là: Làm thơ không bị giới hạn vào tuổi; trẻ có thơ trẻ, già có thơ già. Mọi người và đặc biệt là anh cười ồ lên một cách thoải mái để tán thưởng. Thực ra, với tập tục văn hiến của ta trong ngày Tết, làm gì có tranh luận để phân đúng sai, phải trái. Trong ngày Tết, ai cũng chọn ý đẹp, lời đẹp, ai cũng muốn vừa bộc lộ, cởi mở, lại vừa biết nén mình, biết nhường nhịn nhau. Giá mọi người đối xử với nhau như trong ngày Tết, thì đúng là "chủ nghĩa cộng sản là mùa xuân của nhân loại". Lúc đó, tôi đang theo đuổi một ý nghĩ lan man như vậy. Tôi đồng tình với ý kiến anh Tố Hữu.
Trong không khí vui vẻ đó, anh Trường Chinh chậm rãi phát biểu ý kiến: Năm nay tôi không làm thơ, nhưng có dịch một bài thơ chữ Hán của Cao Bá Quát, ở đây, các anh đều biết Hán văn; trước hết, tôi xin đọc nguyên tác của cụ Cao:
Khứ nhật xuân lai phá cựu hàn,
Kim triều hồng tử đấu thiên ban.
Hà đương thế sự như hoa sự,
Phong vũ giang san tận cải quan.
Và anh đọc tiếp bài thơ dịch của anh mà tôi ghi nhớ lại lúc đó như sau:
Hôm trước xuân về tan giá lạnh,
Sớm nay muôn tía sánh nghìn hồng.
Việc đời ví được như hoa nhỉ?
Mưa gió qua rồi đẹp núi sông.
Mọi người trầm trồ khen ngợi bài thơ được dịch sát nghĩa và khá hay. Anh Tố Hữu đặc biệt thích thú câu thơ dịch thứ ba. Tuy nhiên, do chưa thật bằng lòng với bài dịch của mình, anh bình bài dịch của mình như sau: Tôi đã cố gắng dịch sát nghĩa, lột tả được cái ý chính của bài thơ, song chưa nêu được cái khí, cái thần của bài thơ. Nguyên tác của bài thơ tả hồng tía đấu nghìn trận; chỗ này nghe nó mạnh, nó hay lắm. Mình dịch chưa đạt được cái ý đó. Rồi câu kết có hàm ý là sau cơn phong ba như vậy, giang sơn được biến đổi một cách triệt để đến tận gốc. Chỗ này tôi dịch cũng chưa thật đạt lắm.
Người ta thường nói: "văn mình, vợ người". Thích thú với việc dịch được một bài thơ khó mà đạt đến sát nghĩa, không lủng củng vần, chữ là được lắm chứ sao! Song đối với riêng anh thì lại chưa được. Về sau này tôi hiểu thêm anh đã bỏ công sửa sang lại bài thơ này trên nền cũ và đã đọc cho một số người khác nghe, nhưng vẫn chưa cho đăng, mặc dù đã có anh em gợi ý. Có lẽ đó cũng là sự cân nhắc rất thận trọng của anh.
(còn nữa)