Trần Hữu Phước
(tiếp theo)
Một trong những đặc điểm nổi bật trong đức tính của đồng chí Trường Chinh là sự kết hợp tinh tế, nhuần nhị giữa tinh thần cách mạng tiến công, tính nguyên tắc, ý thức tổ chức kỷ luật với tư tưởng nhân đạo, lòng nhân ái, sự khoan dung và đức tính vị tha. Ở đồng chí, không hề có sự thoả hiệp hay nhân nhượng vô nguyên tắc đối với kẻ thù, cũng như trong đấu tranh để bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đồng chí cũng không bao giờ khoan thứ cho những người cộng sự và thuộc cấp của mình lơi lỏng hoặc xem thường việc tu dưỡng bản thân. Trong công vụ cũng như trong cuộc sống riêng, đồng chí đã nêu gương sáng về nhân cách trong việc thực hiện những chuẩn mực giá trị đạo đức truyền thống của cha ông: "Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín", cần kiệm liêm chính, chí công vô tư".
Đối với gia đình, cũng như đối với thân nhân, đồng chí, bạn bè, đồng chí Trường Chinh sống rất mực thuỷ chung, luôn luôn quan tâm tới cuộc sống, tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của mọi người. Có một lần, tôi hân hạnh được xem bản nháp đưa đi đánh máy bài thơ thắm thiết nghĩa tình của đồng chí viết để tặng người bạn đời thân yêu của mình nhân ngày sinh nhật. Tôi còn nhớ mãi, một ngày kia, đồng chí Trường Chinh được anh em ở đồng bằng châu thổ sông Hồng gửi biếu con cá trắm to. Đồng chí căn dặn người cấp dưỡng phải chia đều con cá ấy cho gia đình đồng chí và gia đình các cán bộ giúp việc.
Đặc biệt, đối với số anh chị em cán bộ từ miền Nam tập kết ra Bắc, đồng chí Trường Chinh luôn luôn thể hiện sự quan tâm chăm sóc và hết lòng ưu ái. Năm 1962, có những kỷ niệm đẹp về đồng chí Trường Chinh mãi mãi in sâu trong ký ức tôi không thể phai mờ. Thời gian đó, lúc tôi đang làm nghiên cứu sinh tại Viện Triết học - Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, nhân dịp đầu năm dương lịch, tôi viết thư gửi về Hà Nội để thăm hỏi đồng chí Trường Chinh, đồng chí Lê Đức Thọ và một số đồng chí thân thiết công tác tại cơ quan Văn phòng Trung ương Đảng. Dầu bận trăm công ngàn việc, nhưng đồng chí Trường Chinh vẫn dành thời gian quý báu để tự tay biên thư phúc đáp, ân cần thăm hỏi, dặn dò và động viên tôi trong học tập.
Mùa hè năm ấy, khi sang Mátxcơva công tác, đồng chí Trường Chinh đến thăm và làm việc với đoàn nghiên cứu sinh chúng tôi tại ký túc xá nằm trên đồi Lênin. Đồng chí đã chăm chú lắng nghe ý kiến phát biểu của từng người và soi sáng cho chúng tôi nhận thức được nhiều điều vô cùng quý giá về nội dung của những đề tài khoa học mà chúng tôi quyết định chọn để viết luận án Phó tiến sĩ triết học. Một điều khiến cho tôi vô cùng cảm động là sau khi làm việc xong, trong lúc nói chuyện riêng với tôi, đồng chí Trường Chinh bất chợt hỏi: "Cậu có chuẩn bị quà để gửi cho Anh Sáu không? Tôi mang về cho!", "Anh Sáu" là tên gọi thân mật của đồng chí Lê Đức Thọ.
Do cách ăn ở và cư xử đầy tình nghĩa nên đồng chí Trường Chinh đã thực sự chinh phục được tình cảm quý mến của mọi người. Tôi biết rõ, nhiều cán bộ cấp cao trước kia đã từng giúp việc cho đồng chí Trường Chinh - như đồng chí Hoàng Ước, người bạn thân thiết lâu năm của tôi - suốt đời vẫn mang nặng trong lòng mối thâm tình đối với đồng chí Trường Chinh quý mến. Lúc sinh thời, cũng như sau khi tạ thế, hàng năm cứ đến dịp kỷ niệm sinh nhật đồng chí Trường Chinh, nhiều người đã làm thơ để biểu thị tình cảm yêu thương thắm thiết và lòng quý mến chân thành của mình đối với người đồng chí thân thương.
Đúng như đồng chí Phạm Văn Đồng đã viết: ''Di sản về tư tưởng và những bài học về nhân cách của đồng chí Trường Chinh để lại cho đời thật vô cùng quý giá". Chúng ta phải cố gắng khám khá, phát hiện, khai thác những trữ lượng to lớn tiềm ẩn trong kho tàng tư tưởng quý báu ấy nhằm phục vụ đắc lực cho sự nghiệp chấn hưng và đổi mới đất nước. Đó là cách làm thiết thực và là hành động có ý nghĩa chính trị, tư tưởng sâu sắc để trân trọng kỷ niệm lần thứ 95 ngày sinh đồng chí Trường Chinh - vị lãnh tụ kiệt xuất của Đảng và nhân dân ta.
Cuộc đời, thân thế và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Anh Năm - Trường Chinh sẽ muôn đời sống mãi với hồn thiêng sông núi./.