Trần Hữu Phước
Tôi là một trong những cán bộ từ miền Nam tập kết ra Bắc, hân hạnh được biết đồng chí Trường Chinh và sinh hoạt chung trong chi bộ với đồng chí, khi đang làm Thư ký riêng cho đồng chí Lê Đức Thọ. Trong những tháng năm công tác tại Văn phòng Trung ương Đảng cách đây hơn bốn thập niên, người mà tôi kính yêu và quý trọng nhất sau Bác Hồ là đồng chí Trường Chinh. Thuở ấy, anh em chúng tôi trong cơ quan thường hay gọi đồng chí Trường Chinh bằng những cái tên trìu mến, thân thương: Anh Thận, Anh Năm.
Tên tuổi của đồng chí Trường Chinh đã vượt qua khói lửa chiến tranh để đến với chiến trường Nam Bộ ngay trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Hồi tưởng lại 53 năm về trước, khi đơn vị chúng tôi trú quân trong khu vực "đám lá tối trời" nổi tiếng thuộc vùng địch hậu tỉnh Gò Công - vùng này xưa kia vốn là căn cứ địa kháng chiến chống Pháp của nghĩa quân Bình Tây Đại nguyên soái Trương Công Định. Tại đây trong tiếng rú xé trời của đạn đại bác của kẻ thù, những chiến sĩ Vệ quốc đoàn chúng tôi đã miệt mài ghi chép và nghiền ngẫm học thuộc lòng từng đoạn văn trong quyển sách chính trị gối đầu giường - quyển Kháng chiến nhất định thắng lợi của đồng chí Trường Chinh. Cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta ở miền cực nam đất nước được biết tên tuổi đồng chí Trường Chinh từ thuở ấy.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Hùng trong giờ nghỉ giải lao tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa II. |
Trong những tháng năm kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ, trong vùng giải phóng cũng như khu du kích, ảnh đồng chí Trường Chinh được treo cùng với ảnh Bác Hồ kính yêu tại những cuộc mít tinh, hội họp và các ngày lễ lớn. Để biểu thị lòng ngưỡng mộ đối với đồng chí Tổng Bí thư, ở chiến khu Đồng Tháp Mười, trong những cuộc sinh hoạt chi bộ của Đảng bộ Ban Quân báo Khu VIII, chúng tôi có thông lệ thường bầu đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch danh dự. Xứ uỷ Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam đã trân trọng sử dụng tên đồng chí Trường Chinh để đặt tên cho Trường Đảng cao cấp của Đảng bộ miền Nam - Trường Trường Chinh, mở tại vùng giải phóng ở miền Tây Nam Bộ. Những năm tháng ấy, ai trải qua khoá huấn luyện ở Trường Trường Chinh coi như đã vinh dự được tốt nghiệp trường đại học của cuộc kháng chiến.
Sau ngày tập kết ra miền Bắc, lần đầu tiên tôi được gặp đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh trong một cuộc họp chuyên đề về công tác cải cách ruộng đất do Văn phòng Trung ương Đảng triệu tập hồi mùa xuân năm 1955. Năm ấy, đồng chí Trường Chinh mới ngoài 40 tuổi, người tràn đầy sinh lực, trên khuôn mặt rạng rỡ luôn ánh lên nụ cười đôn hậu, lạc quan. Vì được chỉ định làm thư ký cuộc họp, nên tôi ngồi cách đồng chí không xa lắm. Vừa cặm cụi ghi chép, vừa kín đáo quan sát, tôi phát hiện một khối óc khổng lồ ẩn sau vầng trán rộng và hiện trên đôi mắt tinh anh của đồng chí Tổng Bí thư kính mến của Đảng ta. Trước mắt tôi, toả rạng khí phách anh hùng của một vị lãnh tụ cách mạng tài ba - người đã cùng Hồ Chủ tịch kính yêu và Ban Chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ kéo dài suốt trong 3.223 ngày đêm ròng rã, đánh bại tám viên tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp, tiêu diệt và tiêu hao gần nửa triệu quân xâm lược nhà nghề của thực dân Pháp.
Trong những tháng năm làm việc tại Văn phòng Trung ương Đảng, tôi có nhiều dịp tiếp cận với đồng chí Trường Chinh. Khi tiếp xúc với đồng chí Tổng Bí thư, điều đầu tiên khiến cho chúng ta có thể dễ dàng cảm nhận được ở đồng chí - một cán bộ lãnh đạo có nếp sống chỉnh tề, quy củ, tác phong chuẩn mực, cẩn trọng và phong cách làm việc nghiêm túc, chỉn chu. Từ những nét chữ ghi trên bản thảo cho đến dòng bút phê công văn cấp dưới đệ trình, hay bản sửa lỗi morát đưa xuống nhà in, cũng như trong thư từ gửi cho thân nhân, đồng chí, bạn bè, chúng ta đều bắt gặp lối viết nắn nót, chân phương của đồng chí. Tại các cuộc nói chuyện, diễn giảng hoặc những buổi báo cáo, thuyết trình, hầu như chúng tôi không bao giờ thấy đồng chí Trường Chinh bước lên diễn đàn hoặc xuất hiện trên bục giảng để diễn đạt ý tưởng của mình theo kiểu bất chợt "nói ứng khẩu", "nói vo".
Ở đồng chí, đã rèn luyện được một thói quen truyền thống là khi nghiên cứu sách báo, tài liệu hoặc phê duyệt công văn, giấy tờ thường hay gạch dưới những đoạn văn quan trọng, những chỗ cung cấp tư liệu quý, những sự kiện hay và các thông số cần được quan tâm. Tôi đã từng trông thấy không biết bao nhiêu chỗ mà đồng chí Trường Chinh đã sử dụng bút màu đỏ để đánh dấu một cách cẩn trọng trong các tác phẩm lý luận kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, trên sách báo và cả trong các bản tin hàng ngày do cơ quan Thông tấn xã Việt Nam cung cấp cho cán bộ lãnh đạo tham khảo.
(còn nữa)