Kiến quốc công phu nhân Lương Thị Minh Nguyệt và Kiến quốc trung dũng công thần Đinh Công Tuấn, người thôn Ngọc Chuế, xã Yên Nghĩa (Ý Yên) là những người đã có công giúp nghĩa quân Lam Sơn hạ thành Cổ Lộng, góp phần đánh đuổi giặc Minh. Với kế sách lấy thông tin, làm nội ứng giết giặc độc đáo, không tốn nhiều thương vong cho quân ta, bà Lương Thị Minh Nguyệt được coi như là nữ “tình báo” đầu tiên của chính sử Việt Nam.
Bức tường bằng cây ruối trước Đình Ruối, thôn Ngọc Chuế, xã Yên Nghĩa (Ý Yên). Ảnh: Đức Thiện |
Chuẩn bị đón mùa xuân mới, cũng là lúc lễ hội Đình Ruối năm 2018 kỷ niệm 575 năm (1443-2018) ngày mất của vợ chồng Kiến quốc công phu nhân Lương Thị Minh Nguyệt diễn ra sôi động với nhiều hoạt động lễ và hội. Từ sáng 23-11 âm lịch, các đôi trai gái trong làng được ban tổ chức lễ hội phân công đi lấy gạo nếp được trồng trên đất thờ tự vua ban ngày xưa về giã bánh dày. Chiếc bánh tròn như cái nia, nặng 70-80kg, thơm phức mùi gạo mới được làng kính cẩn dâng đến 2 vị Phúc thần được Vua Lê Thái Tổ phong. Ngoài bánh dày, các loại bánh chưng, bánh mật, bánh gai… cũng được dân làng dâng lên. Sau lễ dâng bánh, từ chiều 23 đến hết ngày 25-11 âm lịch, lễ hội náo nức hơn với các hoạt động: tế nam quan, tế nữ quan, lễ dâng hương với sự tham gia của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương và khách thập phương. Sôi nổi nhất là lễ rước 2 vị Phúc thần về đình, trong đó kiệu ông Đinh Công Tuấn do 6 nam khiêng, còn kiệu bà Lương Thị Minh Nguyệt do 6 nữ khiêng, theo sau là các kiệu thành hoàng làng của các thôn.
Rước kiệu trong Lễ hội Đình Ruối. Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Đồng chí Hoàng Văn Đận, Chủ tịch UBND xã Yên Nghĩa, Trưởng ban tổ chức lễ hội Đình Ruối cho biết: Theo các tư liệu lịch sử năm 1406, hai tướng Trương Phụ và Mộc Thạnh của nhà Minh đem 20 vạn quân sang xâm lược nước ta. Năm 1407, tướng giặc Mộc Thạnh sai quân lấy đất núi Thiên Kiện (núi Bô), đập phá tháp Chương Sơn (xã Yên Lợi ngày nay) vận chuyển về cánh đồng Lai Cách (xã Yên Thọ) để đắp thành Cổ Lộng nhằm án ngữ đường thủy trên sông Đáy và đường bộ Thiên Lý từ Bắc vào Nam, là bàn đạp để giặc Minh cai trị và đàn áp các cuộc nổi dậy của nhân dân. Trước cảnh ấy, bà Lương Thị Minh Nguyệt cùng chồng là ông Đinh Công Tuấn ở thôn Cổ Chuế thuộc xã Chuế Cầu, tổng Tử Mặc, cách thành Cổ Lộng khoảng 3km đã bàn với chồng tìm cách giết giặc. Bà mở quán bán hàng ăn ngay bên thành Cổ Lộng để dễ bề lọt vào nội thành dò la tin tức, nắm cách bố trí phòng bị của giặc để có dịp báo thù góp công với nước. Với bản tính thông minh, khéo léo, lại có nhan sắc, bà dễ dàng làm quen với nhiều tướng giặc cùng quân lính nhà Minh. Sau này, tướng giặc còn cho phép bà mang rượu thịt vào bán cho quân lính. Do đó, các lối đi lại, cách bố trí quân lương, vũ khí, các trại trú quân đều được bà tường tận, ghi chép thành sơ đồ. Khi Lê Lợi tiến quân ra Đông Quan, đang tìm cách để đánh thành Cổ Lộng thì bà tìm đến dâng tấm sơ đồ vẽ kho lương thực và vũ khí, đề xuất kế sách hạ thành. Một đêm cuối năm Bính Ngọ 1426, trong tiết trời giá rét, bà Lương Thị Minh Nguyệt đem theo một số thôn nữ trẻ vào thành mang rượu, thịt bán cho giặc. Quân giặc không đề phòng, sau khi ăn uống no say thì chui vào túi để ngủ. Bà và các thôn nữ nhanh chóng thắt thật chặt miệng túi. Khi thành chỉ còn lại đám lính nhỏ canh gác, bà mở cửa thành để ông Đinh Công Tuấn cùng binh lính phục sẵn dẫn đại quân xông vào. Tướng giặc và bọn chỉ huy vội vàng đạp túi ngủ để chui ra nhưng nút túi buộc quá chắc, không sao ra được, thành Cổ Lộng nhanh chóng thất thủ.
Sau khi trừ giặc Minh, vợ chồng bà không nhận chức quan Vua Lê Thái Tổ ban cho mà chỉ xin ban ruộng đất và miễn sưu thuế 3 năm cho nhân dân trong vùng dễ bề sinh sống. Vợ chồng bà Lương Thị Minh Nguyệt sống trong cảnh bình yên của quê nhà thì bất ngờ ngày 25-11-1443 âm lịch, cả hai bỗng dưng không bệnh mà cùng qua đời. Vua cho lập đền thờ Kiến Quốc ở làng, đem thi thể 2 người an táng sau đền, ban cho thôn 100 mẫu ruộng tốt để làm việc tế tự. Năm 1902, đời Vua Thành Thái năm thứ 13, đền được trùng tu quy mô lớn, đổi đền thành Đình Kiến Quốc. Do trước đình có dậu bằng những cây ruối cổ thụ to bằng thân người, sù sì, tỏa tán rộng 4-5m, nối với nhau như bức tường thành che chắn cho ngôi đình hàng mấy trăm năm nay nên nhân dân quen gọi là Đình Ruối./.
Đức Thiện