Hồng Long
(tiếp theo)
Tháng 4-1945, Trường Chinh viết bài Phải nhằm đúng kẻ thù chính và giải thích rõ: "khẩu hiệu cách mạng của chúng ta phải tùy theo mục đích và nhiệm vụ trong từng giai đoạn mà đổi thay. Từ khi Nhật chiếm Đông Dương và bọn phát xít Pháp đầu hàng Nhật, làm tay sai cho Nhật (1940), chúng ta coi phát xít Nhật, Pháp đều là kẻ thù chính... Khẩu hiệu của chúng ta lúc ấy là "đánh đuổi phát xít Nhật, Pháp". Nhưng ngày nay, chính quyền của Pháp ở Đông Dương đã tan rã, ta chỉ cần nêu "đánh đuổi phát xít Nhật"... ta không thân Pháp... Nhưng một ngày phát xít Nhật còn ở Đông Dương thì một ngày ta còn chủ trương liên minh với mọi lực lượng chống phát xít Nhật trên đất Đông Dương cũng như trên thế giới, kể cả lực lượng của người Pháp.
Báo Cờ Giải Phóng, cơ quan tuyên truyền cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương. |
Pháp chống Nhật, miễn là những người Pháp ấy chịu thừa nhận quyền độc lập hoàn toàn của các dân tộc Đông Dương, liên hiệp hành động với nhân dân Đông Dương chống Nhật". Ngày 17-7-1945, Trường Chinh viết bài Hãy kịp đi vào đường lối uốn nắn tình hình chia rẽ ở Nam Bộ. Trước ngày 9-3, Hậu Giang ra báo Tiền Phong đề xướng khẩu hiệu "Kháng Nhật kiến quốc" chủ trương rút khẩu hiệu chống Pháp lấy cớ là để bắt tay Pháp dân chủ, đánh phát xít Nhật, trong khi đó sau đảo chính ngày 9-3 Tiền Giang lại viết trên báo Giải Phóng nêu khẩu hiệu "đánh đuổi phát xít Nhật, Pháp" chửi nhóm Tiền Phong là thân Pháp. Trường Chinh viết: "Những khẩu hiệu cách mạng bao gồm khẩu hiệu chiến lược và khẩu hiệu sách lược, khẩu hiệu để thực hiện và khẩu hiệu tuyên truyền... việc thay đổi khẩu hiệu tùy theo phong trào cách mạng lên hay xuống là một vấn đề thuộc về sách lược cách mạng... Khẩu hiệu cách mạng, nhất là khẩu hiệu chiến lược phải hết sức khách quan căn cứ vào sự phân tích khoa học tình hình trong nước và ngoài nước, căn cứ vào sự nhận định sáng suốt những thay đổi trong hàng ngũ kẻ thù và các bạn đồng minh xa gần, và cố nhiên phải thích hợp với nhiệm vụ cách mạng của từng giai đoạn"...
Vào những năm 1944-1945, tình hình chuyển biến rất nhanh chóng. Trên thế giới cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai đi vào đoạn cuối, kết thúc số phận của chủ nghĩa phát xít Đức - Italia - Nhật. Trong nước, nạn đói năm 1945 là tai họa khủng khiếp của đất nước và dân tộc, nhưng phong trào chuẩn bị khởi nghĩa từ đó càng có điều kiện mở rộng nhanh chóng. Ý Đảng lòng dân quyện chặt đã làm nên thời điểm lịch sử hào hùng của dân tộc. Cả nước đã đứng lên thực hiện cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám và nhanh chóng giành chính quyền về tay người lao động chỉ trong vòng hai tuần lễ. Sự kiện này với tên gọi chung là Cách mạng Tháng Tám đã thành lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trường Chinh đã viết về Cách mạng Tháng Tám như sau: "Cách mạng Tháng Tám đã nêu cao tinh thần quật khởi của dân tộc Việt Nam, một dân tộc có truyền thống lâu đời chiến đấu vì độc lập, tự do quyết không chịu làm nô lệ. Cách mạng Tháng Tám là kết quả của 80 năm đấu tranh không ngừng của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp; nó cũng là một sự kiện lịch sử vĩ đại nhất của nước ta từ khi Quang Trung đánh đuổi quân xâm lược Mãn Thanh (1789) đến nay... Cách mạng Tháng Tám đã chọc thủng được hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc ở một trong những mắt xích yếu nhất của nó, mở đầu cho một quá trình tan rã không thể cứu vãn được của chủ nghĩa thực dân trên thế giới. Cách mạng Tháng Tám đã báo hiệu giờ giải phóng của các dân tộc bị áp bức đã đến rồi".
Nhưng từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, cách mạng giải phóng dân tộc đang còn phải đi tiếp.
Được đế quốc Anh giúp đỡ, thực dân Pháp lại gây hấn ở Nam Bộ ngay từ ngày 23-9-1945. Để tránh cuộc chiến tranh phi lý và phi nghĩa, chúng ta đã nhân nhượng và buộc phải nhân nhượng qua Hiệp định sơ bộ 6-3-1946, rồi Tạm ước 14-9-1946. Nhưng các thế lực thực dân Pháp phản động vẫn lấn tới, buộc nhân dân ta phải tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp giành độc lập hoàn toàn cho dân tộc.
Trong quá trình này, Trường Chinh đã viết những bài chính luận kịp thời như: Ý nghĩa việc thành lập chính phủ liên hiệp lâm thời (3-1-1946) hoặc như Chỉ thị kháng chiến kiến quốc (25-11- 1945), Chỉ thị hòa để tiến hướng dẫn dư luận quần chúng đông đảo nước ta vượt qua những thời điểm lịch sử ngặt nghèo của đất nước vừa mới giành được chính quyền nhưng phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn khách quan và chủ quan vào năm 1946. Đặc biệt là những bài chính luận ngay sau khi phải tiến hành cuộc kháng chiến toàn quốc đăng trên báo Sự Thật từ ngày 4-3 đến ngày 1-8-1947, sau tập hợp thành cuốn sách Kháng chiến nhất định thắng lợi xuất bản ngày 19-9-1947. Trong cuốn sách, ông xây dựng các khái niệm khoa học mới về chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi nghĩa, khẳng định luận điểm mới: "Trong lò lửa kháng chiến, một nước Việt Nam mới đang được rèn đúc: nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, một nước Việt Nam dân chủ mới"; "một cuộc chiến tranh nhân dân - chiến tranh nông dân do giai cấp công nhân lãnh đạo", "cuộc chiến tranh tiến bộ vì tự do độc lập, dân chủ và hòa bình"; "cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng bộ đội nhân dân hùng mạnh".
(còn nữa)