Trần Nhâm
(tiếp theo)
Với điều kiện của Việt Nam, chúng ta không bao giờ ảo tưởng rằng trong trạng thái thấp kém của lực lượng sản xuất lại có thể xác lập và củng cố được những quan hệ sản xuất mới, cao hơn và vượt quá tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất cho phép quan hệ sản xuất ra đời, tồn tại và phát triển. Do vậy việc củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất bao giờ Đảng ta cũng xem xét kỹ đến tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất. Đổi mới cơ chế quản lý, mở rộng quyền chủ động của cơ sở, giải quyết giá - lương - tiền chính là giải quyết các vấn đề của quan hệ sản xuất, mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển.
Lôgích của tư duy kinh tế của Trường Chinh chính là đặt vấn đề trên cơ sở đó. Ông thường nói: tôn trọng quy luật, làm theo quy luật cũng chính là như thế.
Tư duy mới về kinh tế hàng hóa và cơ chế thị trường
Mô hình kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp đã từ lâu phủ nhận kinh tế hàng hóa, quy luật giá trị và cơ chế thị trường. Bất chấp điều kiện lịch sử cụ thể, nó tuyệt đối hóa chế độ công hữu về tư liệu sản xuất và giản lược nó thành sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể mà không tính đến sự tồn tại khách quan của các thành phần kinh tế khác trong chặng đường đầu của thời kỳ quá độ. Do đó các năng lực sản xuất bị kìm hãm, các tiềm năng không được phát huy, nền sản xuất xã hội thiếu hẳn động lực kích thích sự phát triển, mà rõ nhất là không bảo đảm lợi ích của người lao động.
Tại sao có tình hình như vậy? Đó dĩ nhiên là do nhận thức không đúng về chủ nghĩa xã hội. Cho rằng chủ nghĩa xã hội phải được xây dựng một cách trong sạch, thuần khiết, về chế độ sở hữu chỉ có hai hình thức: sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể, nghĩa là chỉ còn lại ta với ta. Tự mình đối lập tuyệt đối với chủ nghĩa tư bản về mọi phương diện, nghĩ rằng kinh tế hàng hóa, quy luật giá trị, cơ chế thị trường đều là những cái thuộc về chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội không thể chấp nhận được. Quan niệm rằng thà lựa chọn mô hình quan liêu, bao cấp chứ không lựa chọn kinh tế hàng hóa, cơ chế thị trường. Điều đó có thể giải thích được vì sao mô hình ấy lại tồn tại và kéo dài quá lâu như vậy ở nước ta.
Lôgích phát triển của tư duy kinh tế của Trường Chinh là một khi đã xóa bỏ mô hình cũ chuyển sang mô hình mới thì mặc nhiên phải thừa nhận đó là mô hình kinh tế hàng hóa. Chính trên ý nghĩa này mà ông khẳng định: từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, tiểu sản xuất là phổ biến, có thể tiến lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, tức là bỏ qua quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, song nhất thiết không thể bỏ qua sản xuất hàng hóa. Như vậy, theo ông, có thể bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa đi lên chủ nghĩa xã hội, nhưng không thể bỏ qua những gì mà chủ nghĩa tư bản tạo ra những tiền đề vật chất cho một xã hội mới sẽ thay thế nó.
Sản xuất hàng hóa vốn tồn tại từ xa xưa, nó không phải là một phạm trù mới mẻ, nhưng nó đã bị lãng quên từ lâu, hơn nữa nó là một phạm trù kiêng kỵ, là vùng cấm địa không thể vượt qua. Các nhà kinh tế nước ta thường chỉ gặp nó trên các bài giảng; một số có bản lĩnh thì nhắc đến trong một vài cuộc hội thảo khoa học, nhưng cũng bị chụp cho cái mũ là "chạy theo cơ chế thị trường", là rơi vào luận điệu của "chủ nghĩa xã hội thị trường" ... Nói chung là trong vài ba thập kỷ (từ những năm 60 đến những năm 80 thế kỷ XX) chúng ta đã đối lập và đi đến chỗ phủ nhận kinh tế hàng hóa, cơ chế thị trường.
Nay Trường Chinh lại đặt vấn đề phát triển sản xuất hàng hóa, kinh tế thị trường, quả thật là một điều đáng ngạc nhiên. Nó cởi trói cho các nhà khoa học đã từ lâu không được giải phóng. Đây không phải là xuất phát từ tình cảm bồng bột nhất thời của ông mà thực sự là một tổng kết thực tiễn, trở về với những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, đánh dấu sự chín muồi của tư duy kinh tế của ông.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Trung ương chín, ông phân tích một cách rõ ràng rằng: Do những điều kiện lịch sử đặc thù, nhìn chung nước ta chưa trải qua một nền sản xuất hàng hóa phát triển (miền Nam còn có chừng nào, miền Bắc rất ít) sản xuất nhỏ mang tính tự cấp, tự túc, khép kín còn đang in dấu khá rõ trong nền kinh tế. Vì vậy, chúng ta càng phải ra sức phát triển sản xuất hàng hóa, cả trong nông nghiệp cũng như trong công nghiệp; hệ thống lưu thông phải được tổ chức thích ứng với nền sản xuất hàng hóa đó. Ông cho rằng, Nhà nước ta cần và hoàn toàn có khả năng kiểm soát, chỉ đạo, hướng dẫn và chi phối nền sản xuất hàng hóa thông qua kế hoạch hóa, hợp đồng kinh tế, hệ thống pháp luật, hệ thống chính sách. Luận điểm này của ông dần dần phát triển thành luận điểm nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần có sự quản lý của Nhà nước. Theo ông, sự kiểm soát, quản lý, hướng dẫn của Nhà nước phải nhằm mục tiêu làm cho sản xuất hàng hóa phát triển với năng suất, chất lượng và hiệu quả ngày công cao, giá thành ngày càng hạ, hàng hóa ngày càng trở nên phong phú, dồi dào về chủng loại và khối lượng, theo đúng quỹ đạo đi lên chủ nghĩa xã hội. Đây là ý mà ông muốn nói là theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà sau này Đại hội VII đã khái quát lên.
Ông nhấn mạnh: thái độ đối với sản xuất hàng hóa, đối với việc sử dụng quan hệ hàng hóa - tiền tệ, đối với thị trường, đối với vấn đề liên minh công nông... và hàng loạt vấn đề khác cần phải được xác định xuất phát từ mục đích, nhiệm vụ do tình hình thực tế của giai đoạn hiện nay đề ra mà Đại hội Đảng lần này phải giải quyết. Giải quyết đúng thì đất nước ra khỏi khó khăn, giải quyết không đúng thì sẽ tiếp tục khó khăn, và có thể lâm vào tình trạng khó khăn hơn nữa".
(còn nữa)