Trường Chinh - Nhà lý luận xuất sắc của Đảng và nhân dân ta (kỳ 4)

04:11, 27/11/2018

Hồng Long

(tiếp theo)

Lý luận về cách mạng Việt Nam

Cống hiến xuất sắc của Trường Chinh về lý luận là bộ phận quan trọng trong kho tàng lý luận cách mạng của Đảng và nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, gắn liền với những bước đi cụ thể của cách mạng Việt Nam ở thế kỷ XX.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng nên Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và rèn luyện nên những người cộng sản có trí tuệ, có đức tính cơ bản vì dân, vì nước với các Ban Chấp hành Trung ương, các Bộ Chính trị vững vàng và sắc sảo qua các kỳ đại hội ở các thời kỳ lịch sử khác nhau trong đó có Trường Chinh. Nhân dân làm nên lịch sử, nhưng cũng phải có những nhân tài kiệt xuất một mực trung kiên vì lý tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng người lao động, giải phóng con người. Trường Chinh, người cộng sản trung kiên và mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lý luận xuất sắc của Đảng và nhân dân ta, là một con người như vậy.

Có thể đi sâu làm rõ những cống hiến chính trên mặt trận lý luận của Trường Chinh là: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân; quá độ từ một nền nông nghiệp lạc hậu lên chủ nghĩa xã hội và mở đường vào thời kỳ đổi mới vững vàng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tương ứng với ba thời kỳ của lịch sử dân tộc và đất nước cũng như lịch sử thân thế và sự nghiệp cách mạng của Trường Chinh.

Về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân

Trường Chinh đã hoàn chỉnh những suy nghĩ, tư duy về lý luận cách mạng, tổng kết một chặng đường hoạt động cách mạng gian khổ nhưng sáng tạo và thông minh của Đảng và dân tộc ta trong tác phẩm Bàn về Cách mạng Việt Nam (Báo cáo tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tháng 2-1951). Đây là sự tổng kết hoạt động thực tiễn cách mạng phong phú của nhân dân làm nên những trang sử đẹp đẽ và hào hùng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Lần theo quá trình lịch sử hào hùng của cách mạng nước ta trực tiếp từ năm 1941 đến năm 1956 mà Trường Chinh là Tổng Bí thư, chúng ta thấy rõ những cống hiến lý luận xuất sắc của Trường Chinh.

Đầu tháng 9-1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ và mở rộng ra khắp thế giới, kết thúc thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936 - 1939) ở nước ta. vấn đề cơ bản của cách mạng nước ta lúc này là phải nhận rõ nhiệm vụ chiến lược của cách mạng. Tháng 11-1939, Ban Chấp hành Trung ương họp Hội nghị Trung ương lần thứ sáu ở Bà Điểm (Gia Định) quyết định lập Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương chống chiến tranh phát xít xâm lược, giành độc lập cho các dân tộc Đông Dương.

Ngày 23-9-1940, Pháp đầu hàng Nhật. Nhật tràn sang Lạng Sơn, ném bom Hải Phòng. Bộ máy thống trị ở Đông Dương chuyển sang chủ nghĩa phát xít, ra sức đàn áp các cơ sở của Đảng, các đồng chí lãnh đạo của Đảng bị bắt, bị tàn sát. Trường Chinh được cử làm Quyền Tổng Bí thư và triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ bảy họp từ ngày 6 đến ngày 9-11-1940 bàn về chuyển hướng nhiệm vụ chiến lược của Đảng.

Liền sau đó, sau khi đón Bác Hồ về nước từ tháng 2-1941, dưới sự chỉ đạo của Bác Hồ, Trường Chinh trình bày những vấn đề cơ bản về chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng trước Hội nghị Trung ương lần thứ tám được triệu tập vào tháng 5-1941 và do Bác Hồ chủ trì. Hội nghị Trung ương lần thứ tám có vị trí lịch sử đặc biệt, mở đầu giai đoạn cách mạng mới của Đảng và dân tộc ta, và cũng tại Hội nghị này, Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Nắm vững tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ về cách mạng giải phóng dân tộc, Trường Chinh viết trong Nghị quyết Trung ương lần thứ tám (Khóa 1): "Nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giành độc lập cho đất nước là một nhiệm vụ trước tiên của Đảng ta và của cách mạng Đông Dương, hợp với nguyện vọng chung của tất cả nhân dân Đông Dương. Muốn làm tròn nhiệm vụ đó, Đảng ta phải thống nhất lực lượng cách mạng của nhân dân Đông Dương dưới một hiệu cờ thống nhất, tất cả các tầng lớp, các giai cấp, các đảng phái, các dân tộc, các tôn giáo có tinh thần chống Pháp, chống Nhật muốn độc lập cho đất nước, thành một mặt trận cho cách mạng chung. Vậy thì cuộc cách mạng Đông Dương hiện tại không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, cuộc cách mạng phải giải quyết hai vấn đề phản đế và điền địa nữa, mà là cuộc cách mạng chỉ phải giải quyết một vấn đề cần kíp "dân tộc giải phóng", vậy thì cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng".

 (còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com