Trường Chinh - Nhà lý luận xuất sắc của Đảng và nhân dân ta (kỳ 3)

06:11, 22/11/2018

Hồng Long

(tiếp theo)

Thời kỳ thứ hai, sau năm 1968, khi Mỹ nhận đàm phán với ta và ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, Trường Chinh nêu vấn đề: Có điều kiện, Ban Nghiên cứu lý luận phải có thêm người và phải có trụ sở mới hoạt động có kết quả.

Lúc đầu, Văn phòng Trung ương bố trí cho một phòng thuộc Văn phòng Trung ương làm nơi làm việc tạm thời cho Ban Nghiên cứu lý luận. Sau, Trường Chinh bàn với Bộ Quốc phòng nhường nhà 66 Nguyễn Thái Học. Ông đến xem xét cụ thể địa điểm được giao, cho hướng sửa chữa và dặn: cố gắng thu xếp cho các phòng được đủ ánh sáng để làm việc, chăm lo đến bộ phận đánh máy, văn thư, có thể lắp đèn huỳnh quang, song phải chú ý làm sao cho vừa phải trong quan hệ chung với các nhà xung quanh ở đường phố, đừng để quá nổi bật so với các nhà xung quanh. Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ban được nhận ngôi nhà 56B Quốc Tử Giám làm trụ sở.

Về tổ chức, theo tinh thần của ông, Ban Nghiên cứu lý luận là tổ chức nghiên cứu lý luận trực thuộc Bộ Chính trị, giúp Bộ Chính trị và Trung ương Đảng nghiên cứu những vấn đề phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Bộ Chính trị của Trung ương, của Đảng mà không phải là nghiên cứu lý luận nói chung vốn là chức năng và nhiệm vụ của các tổ chức khác của Đảng và Nhà nước như Ủy ban Khoa học Xã hội. Ban phải tập trung nghiên cứu những vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội và những vấn đề có liên quan. Do đó, Ban có bốn vụ cơ bản và văn phòng là: Vụ Nghiên cứu những vấn đề lý luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội (gọi tắt là Vụ Chủ nghĩa xã hội khoa học), Vụ Nghiên cứu những vấn đề lý luận trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế (gọi tắt là Vụ Quốc tế), Vụ Nghiên cứu những vấn đề về lý luận xây dựng Đảng (gọi tắt là Vụ Xây dựng Đảng)... Về người nghiên cứu, trước hết Bộ chính trị cho phép Ban mời các cán bộ khoa học và hoạt động thực tiễn của các ngành, các cấp, kể cả các ủy viên Trung ương. Các vụ nghiên cứu của Ban vừa lo phục vụ cho việc nghiên cứu và tổ chức nghiên cứu, vừa cử người trực tiếp làm thư ký khoa học cho các nhóm nghiên cứu ấy.

Về chương trình nghiên cứu, đồng thời cũng là chương trình hoạt động của Ban, ông đề nghị Bộ Chính trị ra Nghị quyết về 20 chương trình nghiên cứu, mỗi chương trình do một ủy viên Trung ương làm chủ nhiệm, phân cho ba vụ nghiên cứu như sau:

Vụ Chủ nghĩa xã hội khoa học chăm lo hoạt động của các chương trình: Công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ sản xuất mới, cách mạng tư tưởng văn hóa, liên minh công nông, đấu tranh giữa hai con đường, quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa xã hội...

Vụ Quốc tế chăm lo quản lý hoạt động của các chương trình: Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào độc lập dân tộc, phong trào không liên kết, chủ nghĩa xã hội dân chủ và quốc tế xã hội...

Vụ Xây dựng Đảng chăm lo quản lý hoạt động của các chương trình: Xây dựng đảng cầm quyền, nguyên tắc tổ chức của đảng, Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - nhân dân làm chủ.

Trong hoạt động thông tin, một mặt, ông cho những hướng dẫn cụ thể về xây dựng tài liệu từ nguồn tài liệu quốc tế trong hoạt động của Ban Đối ngoại Trung ương và Bộ Ngoại giao, chuyển bộ phận sách quý từ trước vẫn do Văn phòng Trung ương quản lý sang cho Ban Nghiên cứu lý luận. Mặt khác, ông gặp các đại sứ ta ở nước ngoài đặt vấn đề các đại sứ và các sứ quán tìm tài liệu mới cung cấp cho Ban Nghiên cứu lý luận, kể cả giao nhiệm vụ cụ thể cho một số đại sứ thường xuyên cung cấp tài liệu quý, nghiên cứu phương hướng có thể cho một số cán bộ lý luận sang làm việc ở các sứ quán để nghiên cứu những vấn đề bức thiết trong hoạt động lý luận. Đặc biệt, ông còn cho xây dựng chương trình thông tin về những vấn đề mới về khoa học - kỹ thuật (như điều khiển học, lý luận về gien, và tạo giống mới...), đề nghị Bộ Chính trị có quyết định để các ủy viên Trung ương có mặt ở Hà Nội hằng tháng đến Văn phòng Trung ương nghe báo cáo về các thông tin mới. Các thông tin đều do các nhà khoa học chuẩn bị.

Thời kỳ thứ ba, cuối những năm 1970, Trường Chinh tổ chức đoàn cán bộ do đồng chí Đào Duy Tùng làm trưởng đoàn đi các nước Liên Xô, Tiệp Khắc, Hunggari, Cộng hòa dân chủ Đức nghiên cứu về tổ chức và hoạt động lý luận...

Trên cơ sở báo cáo và kiến nghị của đoàn nghiên cứu, ông báo cáo với Bộ Chính trị cho tổ chức lại Ban Nghiên cứu lý luận Trung ương, theo nội dung cơ bản như đã được xây dựng, song hoàn thiện hơn. Ngày 9-2-1982, Ban Bí thư Trung ương ra Nghị quyết số 102/NQTƯ lập ra Viện Mác - Lênin trên cơ sở hợp nhất Ban Nghiên cứu lý luận Trung ương, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, một bộ phận của Cục Lưu trữ thuộc Văn phòng Trung ương Đảng, chuyển tất cả các vụ thành các viện nghiên cứu khoa học với một biên chế gọn nhẹ, thích hợp (Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Viện Quốc tế, Viện Lịch sử Đảng, Viện Xây dựng Đảng, Viện Thông tin...).

Trường Chinh thật sự là người tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ lý luận và khoa học nước ta. Từ chính sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp lý luận cách mạng, ông đã có công lớn trong việc xây dựng nên đội ngũ cán bộ lý luận và khoa học nước ta. Nhiều cán bộ lý luận và khoa học nước ta, sinh ra và trưởng thành từ chính sự nghiệp cách mạng và đóng góp phần quan trọng của mình cho đất nước, đều có sự dìu dắt, hướng dẫn, huấn luyện và chỉ bảo thân tình của ông.

 (còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com