Trường Chinh với vấn đề đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế (kỳ 18)

06:10, 25/10/2018

Trần Nhâm

(tiếp theo)

    Bước thứ hai mà ông nói đây chính là việc đổi tiền và cuộc tổng điều chỉnh giá và lương với mức độ rất cao. Vấn đề đổi tiền thật ra là do sức ép của việc hết tiền. Nhưng hết tiền có thể có cách giải quyết khác mà không cần phải đổi tiền. Nói chung là có nhiều ý kiến khác nhau. Đã đến lúc làm rõ những căn cứ xuất phát của các quan điểm khác nhau đó. Ở đây, tôi thấy cần trích dẫn bức thư ngày 29-8-1985 của anh Trường Chinh gửi cho anh Ba, anh Tô, đồng gửi anh Năm Công, anh Lành và anh Đỗ Mười. Trong đó có nhiều vấn đề nhưng vấn đề đổi tiền được anh Năm quan tâm nhiều nhất. Bức thư viết:

    ..."Riêng về tiền, sắp tới có 12 tỷ tiền mới, tương đương với 120 tỷ hiện nay. So với lương mới và giá mới sắp tới thì số tiền đó là chưa đủ, tiền sẽ tiếp tục căng thẳng. Nên chăng đề nghị các anh tính lại, không đổi tiền mà cho lưu hành song song hai đồng tiền với tỷ lệ 1 đồng mới ăn 10 đồng cũ. Như vậy có thêm hơn 60 tỷ hiện nay cứ cho tiếp tục lưu hành, lặng lẽ thu hồi và hủy dần khi có tiền mới về tiếp; tránh được căng thẳng về tiền mặt, bảo đảm yêu cầu của sản xuất, thu mua, kinh doanh đang chuyển theo cơ chế mới, không gây xáo trộn về tâm lý".

    "Đổi tiền thì có thể thu hồi được một số, song theo tôi biết thì yếu tố bất ngờ trong đổi tiền đến nay không còn nữa; một số có nhiều tiền bất chính đã phân tán rồi, chắc không làm được bao nhiêu. Còn đối với người có nhiều tiền do lao động chính đáng như sản xuất giỏi, do đi công tác chuyên gia, đi lao động ở nước ngoài mà xử lý không phù hợp sẽ thành vấn đề không lợi. Tốt hơn là giao cho các cơ quan có trách nhiệm đi sâu, đánh trúng bọn làm ăn bất chính bọn phá hoại, đầu cơ, buôn lậu... có nhiều tiền, không làm tràn lan trên diện rộng".

    "Có nhiều việc lớn phải gỡ ra, phải làm lần lượt, sức ta có hạn mà làm liền một lúc sẽ phân tán lực lượng. Đổi tiền ngay bây giờ thì sẽ dồn sức vào việc xử lý có tính chất kỹ thuật mà không tập trung bảo đảm tiền cho thu mua sản xuất, kinh doanh, như vậy lợi bất cập hại. Trước mắt cần tập trung lực lượng vào cuộc vận động để bãi bỏ quan liêu bao cấp, chuyển hẳn sang hạch toán, kinh doanh, đặc biệt là trong khu vực sản xuất".

    "Chúng ta sẽ làm cải cách tiền tệ vào một thời gian khác thích hợp hơn; khi sản xuất phát triển, đời sống ổn định hơn, lúc đó có điều kiện tốt hơn để làm, không bị rối và làm tập trung một việc dứt điểm sẽ giữ được bí mật. Như vậy tốt hơn nhiều. Nhân đây, tôi xin nhắc lại một đề nghị về việc cần sớm tổ chức tự in lấy tiền để chủ động về tiền tệ."

    ... "Trên đây là một số đề nghị để các anh xem xét và cho ý kiến...".

    Thư gửi đi và chưa được trả lời thì trong cuộc họp ngày 4-9- 1985 của Bộ Chính trị, ông lại nhắc lại đề nghị trên một lần nữa. Ông được giải thích rằng, ý kiến anh Năm cũng hợp lý, nhưng mọi việc đã chuẩn bị hết cả rồi, chúng ta đang cưỡi lên lưng hổ, không thể xuống được nữa. Ông tuân theo quyết định của Bộ Chính trị và sáng ngày 13-9-1985, nhân danh là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, ông đặt bút ký sắc lệnh đổi tiền, mà trong lòng rất áy náy và không yên tâm.

    Ít lâu sau, nhiều thư từ khắp nơi gửi đến phàn nàn ông sao lại cho đổi tiền, nhiều cán bộ cách mạng lão thành gặp ông trách cứ: sao quan điểm của anh đổi mới thế, mà việc làm của anh lại khác như vậy? Ông cười xòa và nói: đó là quyết định của Bộ Chính trị, chứ không phải của một cá nhân nào. Ông thà chịu đựng trước búa rìu của sự phê phán đối với cá nhân ông, chứ không bao giờ ông vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Hồi cải cách ruộng đất cũng vậy, ông tự phê bình nghiêm khắc và nhận lấy trách nhiệm của cá nhân mình và ông nghiêm túc xin tự nguyện rút khỏi cương vị Tổng Bí thư. Ông thường tâm sự với chúng tôi: làm cách mạng không phải lúc nào cũng suôn sẻ, có việc muốn làm thì không làm được, có việc không nên thì lại cứ làm. Người ta ai nói gì tùy họ, miễn là mình không thẹn với lòng. Việc đổi tiền, ông đã làm hết sức mình để ngăn không cho nó xảy ra, nhưng cuối cùng nó vẫn xảy ra.

    Biết là sai mà vẫn cứ làm, đó là điều đáng buồn nhất. Khi tiến hành đổi tiền thì nhiều người biết rõ là không ăn thua, sẽ không đạt mục tiêu nào đáng kể.

    Tôi thấy cần dẫn ra đây thư của anh Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) gửi anh Tô (Phạm Văn Đồng) và anh Năm (Trường Chinh) nhận định về việc đổi tiền ngày 14-9-1985 như sau:

    "Kết quả của việc đổi tiền cho thấy tiền nằm trong nhân dân tương đối ít, số hộ có số tiền đổi thấp là khá đông, cho chúng ta một kết luận đáng suy nghĩ và day dứt về mức sống của nhân dân lao động hiện nay. Một kết quả khác cho thấy tiền nằm trong tay tư sản không đáng kể, chúng ta đã "đánh hụt" vì để cho bọn chúng quá nhiều thì giờ để chuẩn bị đối phó, thẳng tay thu gom, vơ vét hàng của Nhà nước và chuyển tài sản từ tiền ra những giá trị khác... Một khám phá nữa là phần lớn tiền lại nằm trong tay các công ty, xí nghiệp và các địa phương. Điều này vừa chứng tỏ sự mất tin tưởng nghiêm trọng đối với quy chế của ngân hàng ngay từ những đơn vị nhà nước, vừa cho thấy sự thiếu kỷ luật trong quản lý thuộc khu vực nhà nước đã đến mức đáng báo động, và hoạt động kinh tế "bí mật" của các đơn vị kinh tế là khá lớn".

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com