Trần Nhâm
(tiếp theo)
Như vậy, những nội dung hàm súc, cô đọng của Nghị quyết Trung ương tám, nhất là Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị đã cảnh báo cho chúng ta về sự kiên quyết, dứt khoát, khẩn trương, bảo đảm tính toàn diện, đồng bộ, nhưng phải có bước đi vững chắc trong khi thực hiện Nghị quyết. Nghị quyết tám của Trung ương và Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị như một luồng gió hồi sinh thổi đi khắp nước đưa đến sinh khí mới và tạo ra sức sống mãnh liệt cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Từ nhiều năm nay, đây là nghị quyết được triển khai nhanh chóng nhất, đi vào lòng dân sâu đậm nhất và thâm nhập vào cuộc sống có khí thế nhất.
Chưa đầy hai tháng sau khi có nghị quyết, ngoài các tỉnh và thành phố như Long An, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hải Hưng đã làm thử bù giá vào lương và đưa tiền lương được bù vào giá thành sản phẩm từ trước khi có Nghị quyết Trung ương tám, đến nay cả nước đã có 28 tỉnh, thành phố thực hiện bù giá vào lương với những mức độ khác nhau; 12 tỉnh, thành khác đang tích cực chuẩn bị thực hiện nghị quyết.
Trước khi có Nghị quyết khoảng 3-4 năm, Long An đã làm thử bù giá vào lương. Năm 1983 khi Trường Chinh đi nghiên cứu thực tế Long An, trong bài phát biểu trước đại biểu cán bộ và nhân dân Long An, ông đã khen ngợi Long An có nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc đổi mới cơ chế quản lý, trong đó ông cổ vũ Long An rút ra bài học về bù giá vào lương để phổ biến rộng ra các nơi. Có ai ngờ được ba năm sau, cái mầm non ấy lại biến thành một cuộc vận động lớn.
Có thể nói, bù giá vào lương lúc đầu chỉ mới làm thử ở sáu tỉnh, thành phố. Sau Nghị quyết Trung ương tám, quả nhiên nó trở thành một phong trào quần chúng có tầm vóc lịch sử. Lúc đầu nó chỉ mới là một bước đi để chúng ta làm quen với cách nghĩ, cách làm mới phù hợp với thực tế, và từ đó chuẩn bị tinh thần và lực lượng sẵn sàng chuyển hẳn hoạt động của nền kinh tế từ tập trung quan liêu, bao cấp sang cơ chế hạch toán, kinh doanh trong phạm vi cả nước. Những nơi nào đã làm bù giá vào lương thì khi chuyển sang cơ chế mới sẽ có thuận lợi hơn nhiều. Sau này, trong cuộc họp Bộ Chính trị ngày 4-4-1986 chuẩn bị nội dung Hội nghị Trung ương 10, ông mới nói rõ căn cứ thực tiễn và lý luận cũng như cơ sở phương pháp luận của vấn đề bù giá vào lương.
Ông cho rằng, nhà nước của ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân, tất nhiên phải có trách nhiệm chăm lo cuộc sống của mọi người. Nhưng cách chăm lo của ta là bằng chính sách, chủ trương, biện pháp đúng đắn, thiết thực để phát triển sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm, xây dựng quỹ hàng hóa phong phú nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội. Còn cuộc sống riêng của từng gia đình thì phải do chính người dân tự lo, không thể bao cấp từ A đến Z, không thể dùng lối cấp phát để ấn định từng chi tiết được. Ông phân tích: nạn mua đi bán lại hàng hóa được phân phối, cấp phát nhằm trao đổi lấy những thứ cần với nhu cầu thật sự chính là thể hiện sự phản ứng thích nghi của người tiêu dùng trước sự can thiệp quá sâu của các cơ quan nhà nước vào cuộc sống của họ.
Với chủ trương bù giá vào lương, các cơ quan phân phối tự nhiên chấm dứt sự can thiệp của mình vào cuộc sống của từng gia đình. Vì sao chủ trương đó được mọi người đồng tình, hưởng ứng và phấn khởi đến như vậy? Theo ông có mấy nguyên nhân:
Một là, người lao động được làm chủ tiền lương, làm chủ kết quả lao động của mình, có thể dùng tiền lương của mình để chi cho những nhu cầu thật sự cần thiết của bản thân và gia đình. Cách cung cấp hiện vật thông qua tem phiếu trước đây mang nặng tính cửa quyền, bố thí, ban ơn; có thì cấp, chưa có thì khất nợ, tiêu chuẩn hàng tháng nhưng có khi 5-6 tháng mới trả một lần "no dồn đói góp"; thậm chí nợ lâu quá thì có nơi quỵt luôn, không cần biết người tiêu dùng lấy gì để sống (!). Cách làm bao cấp là dành thuận lợi cho các cơ quan Nhà nước, dồn mọi khó khăn cho quần chúng, để mọi người xoay xở, tự lo.
Hai là, bù giá vào lương là thực hiện quyền làm chủ của người lao động trên thực tế. Với cách làm đó, các cơ quan thương nghiệp phải chuyển sang kinh doanh, nhân viên mậu dịch phải đon đả mời chào, không thể hách dịch cửa quyền như trước; người ăn lương thấy mình thật sự một bước làm chủ phân phối, làm chủ nhân cách, phẩm giá của mình; không còn mặc cảm mình phải thường xuyên sống nhờ sự ban ơn, bố thí của Nhà nước.
Ba là, những nhu cầu giả tạo mất đi, cái gì thật sự cần mới mua, không vì rẻ (như cho không) mà mua rồi đi bán lại, bớt căng thẳng về tiền - hàng, giảm căng thẳng trong cung cầu. Có ý kiến cho rằng, vì hàng hóa còn ít, cân đối giữa cung - cầu, cân đối tiền - hàng còn căng thẳng thì cần duy trì chính sách hai giá, cung cấp với giá thấp một số mặt hàng thiết yếu. Ông nói: Chúng ta có thể tạm thời chấp nhận điều đó như Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đã ghi. Song cần thấy rằng, việc duy trì giá thấp không hề làm giảm bớt căng thẳng trong cung cầu mà ngược lại, chính việc đó làm cho mất cân đối trong cung - cầu càng thêm căng thẳng.
(còn nữa)