Trần Nhâm
(tiếp theo)
Khi ông nói đến hiện tượng mới mẻ này trên diễn đàn Hội nghị thì chỉ mới có sáu tỉnh, thành phố làm thử bù giá vào lương, trong đó có Long An là tỉnh đã làm sớm nhất từ năm 1982, 1983 mà ông đã có dịp đi khảo sát và nghiên cứu tình hình tới hai lần. Ông đã nhìn thấy mầm non của cái mới, tất yếu sẽ đâm chồi nẩy lộc, đơm hoa kết trái. Đúng như vậy, hai tháng sau Hội nghị Trung ương tám từ mầm non ấy lan ra 28 tỉnh, thành phố thực hiện bù giá vào lương. Kết quả đạt được rất đáng phấn khỏi.
Hãy trở lại vấn đề: như vậy là Nghị quyết Trung ương tám đã quyết định các nguyên tắc về mua bán, giá cả, tiền lương theo tinh thần: Thi hành chính sách một giá, mua theo giá thỏa thuận, bao gồm cả mua lương thực, nông sản trong và ngoài hợp đồng; bán theo giá kinh doanh; bãi bỏ cung cấp hiện vật, chuyển sang trả lương bằng tiền... Những quyết định sáng suốt ấy đã căn cứ vào sự phân tích khoa học và sâu sắc tình hình thực tế rối ren trong nhiều năm trước và dựa vào kinh nghiệm thực tiễn của các địa phương. Cần phải khẳng định tính chất sáng tạo và mang tầm trí tuệ cao của Nghị quyết Trung ương tám. Tư tưởng chiến lược của nó là dứt khoát, rõ ràng, tạo ra bước ngoặt có tính cách mạng sâu sắc trong tư duy kinh tế của Đảng ta. Các cấp ủy, cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước đón nhận Nghị quyết Trung ương tám với thái độ đồng tình, phấn khởi, với lòng tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương. Các đảng bộ miền Nam coi đó như Nghị quyết Trung ương 15 trong kháng chiến chống Mỹ.
Ban Chấp hành Trung ương giao cho Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết để cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương tám. Ngày 10-8- 1985, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 28-NQ/TƯ phê chuẩn các phương án giá và lương. Thiết nghĩ ở đây cũng cần trích dẫn tóm tắt nội dung Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị, là Nghị quyết có tầm quan trọng đặc biệt mà sau này nhiều văn kiện của Đảng ta trong thời đổi mới đã từng nhắc đến.
Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị:
Về giá
..."2) Phê chuẩn mức giá mua thóc (giá chuẩn) áp dụng từ vụ mùa năm 1985 như sau: Vùng thuận lợi nhất: 15 đồng - 18 đồng/kg tùy theo loại thóc và theo mùa vụ. Vùng khó khăn nhất: 26 đồng - 28 đồng/kg tùy theo loại thóc và theo mùa vụ".
"3) Căn cứ vào giá mua thóc, Hội đồng Bộ trưởng định giá bán một số vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp".
"4) Hội đồng Bộ trưởng quy định tỷ giá kết toán nội bộ cho từng thời kỳ; tỷ giá kết toán nội bộ hàng xuất theo các nhóm hàng phải có tác dụng khuyến khích xuất khẩu, tỷ giá kết toán nội bộ hàng nhập theo các nhóm hàng phải xuất phát từ hệ thống giá trong nhóm và bảo đảm cho các xí nghiệp sản xuất và kinh doanh bình thường, có lãi, giá Nhà nước nói chung không đội giá thị trường xã hội đã hình thành...".
"5) Hội đồng Bộ trưởng định giá bán buôn vật tư, cước vận tải hàng hóa, giá bán lẻ của hàng tiêu dùng và dịch vụ thiết yếu theo chính sách giá cả của Nhà nước và theo chế độ phân cấp, định giá và quản lý giá, bảo đảm ổn định đời sống, phát triển sản xuất và lưu thông, thực hiện hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa".
Về lương:
"1) Phê chuẩn mức lương tối thiểu 2.200 đồng/tháng. Mức lương này tính theo giá ở vùng có mức giá sinh hoạt thấp nhất, ở những vùng có mức giá sinh hoạt cao hơn thì mức lương được tính thêm phụ cấp chênh lệch giá sinh hoạt theo vùng.
Mức lương tối thiểu trên đây được dùng làm căn cứ để tính hệ thống lương cơ bản thống nhất trong cả nước, với hệ số giữa tối thiểu và tối đa là 1 - 3,5".
"2) Căn cứ mức lương tối thiểu và các quy định ở điểm 1 trên đây, Hội đồng Bộ trưởng ban hành các thang lương, bảng lương áp dụng trong khu vực sản xuất, kinh doanh, khu vực hành chính, sự nghiệp và trong các lực lượng vũ trang, các chế độ phụ cấp theo lương, các chế độ trợ cấp xã hội và chế độ học bổng".
"3) Chế độ lương và trợ cấp xã hội mới được áp dụng thống nhất trong cả nước kể từ ngày 1 tháng 9 năm 1985".
Nghị quyết 28 còn chỉ rõ: "Việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám của Ban Chấp hành Trung ương là một quá trình phấn đấu toàn diện, đồng bộ, kiên quyết, khẩn trương, có bước đi vững chắc; việc tính đủ chi phí xóa bỏ bao cấp, xóa bỏ bù lỗ trong nền kinh tế quốc dân cũng phải làm từng bước, phù hợp với tình hình cụ thể trước mắt, tiến lên thực hiện đầy đủ các nguyên tắc mà nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương đã đề ra".
(còn nữa)