Trường Chinh với vấn đề đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế (kỳ 11)

03:10, 12/10/2018

Trần Nhâm

(tiếp theo)

    Tại Hội nghị Trung ương chín (từ ngày 9 đến 16-12-1985) vấn đề một giá và hai giá lại được đặt ra một cách gay gắt. Trong bài phát biểu ở Hội nghị, Trường Chinh đã nói: Chúng ta có thể điều chỉnh một số giá, điều chỉnh phụ cấp tiền lương, nhưng không thể thay đổi toàn bộ hệ thống giá đã hình thành, vì như vậy sẽ làm cho tình hình càng thêm rối. Ông chỉ rõ: vấn đề quan trọng nhất là thay đổi ngay cách làm vẫn theo kiểu tập trung quan liêu hiện nay, ngồi bàn định giá từ một trung tâm, tiếp tục xa thực tế và không chịu trách nhiệm gì về những quyết định của mình, dưới thì hoặc phải chờ đợi, không mua, không bán, không sản xuất được, hoặc để hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao thì phải "trợ giá", "kê hàng", "mua chui" và "bán chui", tình hình sẽ tiếp tục rối, không gỡ ra được.

    Trước những khó khăn chồng chất, lúc này đã có ý kiến muốn quay về chính sách hai giá. Ông kiên quyết bác bỏ và cho rằng làm như vậy, chênh lệch giá sẽ lại phát sinh, tiêu cực lại tăng lên, hàng - tiền lại thất thoát, chúng ta lại đưa xã hội đi thụt lùi, tiếp tục mắc sai lầm của thời kỳ bao cấp... Chúng ta phải kiên quyết khắc phục mọi khó khăn, giữ cho được chính sách một giá. Và ông đề nghị phải phấn đấu để năm 1986 là năm ra đời và xác lập cơ chế một giá. Việc mở rộng và hoàn chỉnh cơ chế đó sẽ làm dần trong thời gian tiếp theo.

    Thật vậy, cuộc đấu tranh giữa chính sách một giá và chính sách hai giá quả là khó khăn, phức tạp. Bao giờ cũng vậy, cái cũ mất đi không dễ dàng, và cái mới ra đời cũng không suôn sẻ. Nhưng cuối cùng, cái mới nhất định sẽ thắng lợi. Đại hội lần thứ VI là cái mốc quan trọng đánh dấu sự thành công của cơ chế một giá.

    Nếu giá cả là vấn đề nổi cộm hàng đầu, thì tiền lương cũng là vấn đề nóng hổi nhất cần phải giải quyết. Trong quá trình đổi mới tư duy kinh tế của Trường Chinh thì tiền lương là vấn đề được ông đặc biệt quan tâm. Ông cho rằng lâu nay chúng ta xếp tiền lương vào phạm trù phân phối lưu thông. Quan niệm cố hữu và cách nói quen thuộc của chúng ta là phải tạo ra tiền đề như phát triển sản xuất, quản lý thị trường, nắm hàng, nắm tiền, có quỹ hàng hóa rồi mới có cơ sở để tăng lương. Ông cho cách nói trên như thế là nói ngược, là tách tiền lương ra khỏi quá trình sản xuất, coi tiền lương là một yếu tố tiêu dùng nên muốn trả bao nhiêu cũng xong, trì hoãn bao lâu cũng được.

    Với một sự phân tích sâu sắc, ông khẳng định phải xếp tiền lương vào phạm trù sản xuất, coi tiền lương là một trọng điểm đầu tư - đầu tư vào lao động sống, tiềm năng quý nhất của chúng ta. Theo ông, giải quyết đúng đắn vấn đề tiền lương chính là tác động trực tiếp vào sản xuất, khuyến khích người lao động hăng hái làm việc, tạo ra nhiều sản phẩm, giảm bớt tiêu cực, giảm bớt thất thoát hàng hóa của Nhà nước.

    Dựa vào luận đề của C.Mác: tiền lương của người lao động là giá trị sức lao động của người đó được đo bằng giá trị các tư liệu sinh hoạt cần thiết cho bản thân và gia đình anh ta, Trường Chinh cho rằng, hệ thống tiền lương nước ta thiết lập từ năm 1960 đã phản ánh tương đối đúng đắn luận điểm trên của Mác. Nhưng từ đó đến nay, tình hình đã đổi thay nhiều, kết quả là tiền lương ngày càng đi xa và đến nay thì đã sai hẳn luận đề đó.

    Ông phê phán cách trả lương bằng cung cấp hiện vật trực tiếp (với giá quá thấp, gần như cấp phát cho không) của cơ chế bao cấp trong những năm qua đã bộc lộ nhiều nhược điểm cơ bản, chứa đựng không ít tiêu cực. Cách làm đó, một mặt gây nên tình trạng cửa quyền, ban ơn, bố thí; mặt khác, tạo ra tâm lý mặc cảm, tự ti, ỷ lại và đòi hỏi. Ông cho rằng, cách làm đó đã phá vỡ quy luật phân phối theo lao động, thay vào đó bằng phân phối bình quân chủ nghĩa không bảo đảm công bằng xã hội, gây mất đoàn kết nội bộ, khuyến khích thói hư tật xấu "làm nghề gì ăn nghề ấy", ai nắm hiện vật trong tay thì tranh thủ thu vén cho mình, cổ vũ sự lãng phí trong tiêu dùng, theo kiểu của Nhà nước cho không tội gì không hưởng.

    Ông phân tích sâu sắc hậu quả tai hại của việc phân phối trực tiếp bằng hiện vật và cho rằng đó là nguyên nhân đẻ ra nạn đầu cơ, tích trữ. Trong khi các kho lớn của Nhà nước trống rỗng thì lại có hàng vạn, hàng triệu kho nhỏ trong tay tư nhân, tạo ra tình trạng khan hiếm, căng thẳng giả tạo về hàng hóa. Hiện vật hóa việc trả lương còn nảy sinh những việc làm tùy tiện như trả lương cho giáo viên bằng phân bón (!). Giáo viên mang phân được trả với giá 7 đồng/kg, bán ra thị trường với giá 50 đồng/kg để lấy tiền chi cho sinh hoạt. Thế là chúng ta đã biến cán bộ, công nhân, viên chức thành người buôn bán. Và ông khẳng định rằng, hiện vật hóa việc trả lương là nguồn quan trọng nuôi sống thị trường tự do, làm giàu cho tư thương, gây rối loạn thị trưòng, đẻ ra nhiều tệ nạn xã hội.

    Phân tích về thực trạng tiền lương lúc này, Trường Chinh đã chỉ ra rằng: Tiền lương của người lao động hiện nay chỉ đủ sống trong 10 ngày và đang có xu hướng giảm hơn nữa, kể cả khi được cung cấp đủ các mặt hàng định lượng. Trong trường hợp không cung cấp đủ hoặc cung cấp chậm các mặt hàng đó, đời sống của người ăn lương càng khó khăn... Trong tình hình như vậy mà yêu cầu đẩy mạnh sản xuất, tăng năng suất và chất lượng lao động là điều không thực tế. Đó là chưa nói đến việc tiền lương chỉ đủ sống 10 ngày, vậy còn 20 ngày nữa phải sống sao đây? Đó là điều mà dự thảo Nghị quyết lần này vẫn chưa đưa ra được lời giải đáp nào về cuộc sống của người lao động trong 20 ngày còn lại.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com