Trần Nhâm
(tiếp theo)
Để bác bỏ ý kiến này, Trường Chinh đã phân tích rằng, giá thóc trên thị trường là một thực tế tồn tại khách quan, không thể tùy tiện bác bỏ để tự định ra giá của mình, muốn nghĩ thế nào thì giá sẽ thành ra thế ấy. Hơn nữa, chúng ta mua thóc của nông dân theo giá thỏa thuận, khác với giá thị trường. Đó là giá có tính đầy đủ đến chi phí sản xuất, bảo đảm cho nông dân tái sản xuất, khuyến khích nông dân làm ra và bán nhiều thóc cho Nhà nước; khi xác định giá thỏa thuận không thể không đếm xỉa đến giá thị trường. Đó là giá trao đổi bình thường đã được cả Nhà nước và nông dân chấp nhận, chính vì vậy mới có tên gọi là giá thỏa thuận. Và ông khẳng định rằng, chúng ta dứt khoát không thể đơn phương, tự định giá mua thấp hơn cả giá thành làm ra sản phẩm. Làm như vậy thì chẳng những không thúc đẩy mà còn bóp nghẹt sản xuất.
Như vậy đủ thấy, cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới trong chính sách giá cả kéo dài và phức tạp đến dường nào. Ngay cả khi đã có Nghị quyết Trung ương và Nghị quyết Bộ Chính trị ban hành rồi mà các quan điểm khác nhau vẫn dai dẳng tồn tại và có lúc nổi cộm lên.
Rõ ràng là khi quan điểm chưa nhất trí thì khi hành động cũng chệch choạc. Hãy nói thực trạng của nền kinh tế nước ta sau khi đổi tiền (14-9-1985). Đó là tình hình sản xuất, kinh doanh khá lúng túng, đình trệ, mua không được, bán không được. Nguyên nhân, một mặt là do nhiều thứ hàng đội giá thị trường (vì chưa loại trừ được các yếu tố bất hợp lý ra khỏi giá thành); mặt khác do rất nhiều thứ hàng phải chờ giá bán. Việc định giá kéo dài hàng mấy tháng, lúc định được giá thì giá đó lại lạc hậu so với giá thị trường, bán với giả chỉ đạo thì bị mậu dịch viên tuồn hàng, tư thương vét hết, nếu bán sát giá thị trường thì lại bị coi là vi phạm kỷ luật giá cả. Việc định giá vẫn theo cơ chế từ một trung tâm chỉ huy cứng nhắc như cũ, hoàn toàn không thích hợp với tình hình thực tế có nhiều biến động lên xuống thất thường ở từng nơi, từng lúc, đối với từng mặt hàng.
Thực trạng đó đã được Trường Chinh phản ánh trong bài phát biểu tại Hội nghị Bộ Chính trị từ ngày 20 đến 25-1-1986. Ông phê phán cơ chế định giá tập trung quan liêu và cho rằng vì cơ chế đó mà các nơi đã tìm ra giải pháp "an toàn" nhất, là giữ hàng không bán. Mậu dịch găm hàng, các cơ sở kinh doanh, các xí nghiệp sản xuất cũng găm hàng, tạo ra một tình hình là tất cả đều săn hàng, lùng mua và giữ hàng, nhất là hàng tiêu dùng lâu bền và hàng có giá trị cao. Nông dân thì giữ lại thóc, nông sản thừa và các sản phẩm chăn nuôi. Hàng trong lưu thông vốn đã ít, càng trở nên khan hiếm hơn; sự căng thẳng do thiếu hàng có một phần, nhưng nạn săn lùng và găm hàng phổ biến làm cho mức độ căng thẳng về hàng hóa càng trở nên nghiêm trọng. Có thể nói, thông qua việc giữ hàng, chờ giá, thương nghiệp quốc doanh mặc nhiên trở thành người tích trữ lớn nhất, bỏ trống trận địa gần như để cho thị trường mặc sức trôi nổi.
Phân tích nguyên nhân của tình hình này trong bài phát biểu nói trên, Trường Chinh cho rằng, cơ chế của chúng ta thiếu năng động, chính sách tiếp tục gò bó làm cho lưu thông bế tắc, không điều hòa được hàng từ chỗ thừa đến chỗ thiếu, từ chỗ nhu cầu ít đến nơi có nhu cầu cao. Tính năng động trong kinh doanh quá yếu, tiêu cực trong nội bộ còn rất nhiều, cộng thêm tình trạng chia cắt thị trường làm cho giá cả ở mỗi nơi mỗi khác, không hình thành được thị trường thống nhất ngay trong từng khu vực, từng vùng, đừng nói chỉ trong cả nước, khiến cho tiền - hàng mất cân đối, cung cầu ngày càng thêm căng thẳng, nhất là ở các trung tâm kinh tế như Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh.
Cuộc đấu tranh để đổi mới chính sách giá cả của ta lúc đầu xoay quanh việc xác định nhiều loại giá với khái niệm rất mơ hồ, như: Giá kinh doanh thương nghiệp, giá chỉ đạo, giá linh hoạt, giá khuyến khích, giá thỏa thuận, v.v.. Dần dần từ Hội nghị Trung ương sáu đến Hội nghị Trung ương tám thì tập trung vào vấn đề hai giá hay một giá.
Ngay từ Hội nghị Trung ương sáu, Trường Chinh nhất quán chủ trương thực hành chính sách một giá. Cách đặt vấn đề của ông ở Hội nghị này là phải thừa nhận sự tồn tại khách quan của giá thị trường, là giá thực tế mà cả xã hội đang phải sống hàng ngày với nó. Việc mua, bán, trao đổi dù theo cách nào, bất cứ ở đâu cũng đều đang lấy nó làm chuẩn để đo lường và so sánh. Ông cho rằng, không thể tiến hành cuộc đấu tranh bằng cách phủ nhận, bác bỏ giá thị trường, rồi tự định ra giá theo ý muốn chủ quan của mình. Làm như vậy, theo ông đã phân tích ở trên, cuối cùng chỉ có Nhà nước là bị thiệt, chênh lệch giá cao thì thiệt hại càng lớn. Và ông nhấn mạnh, chỉ có gắn chính sách giá với thực tế sản xuất và đời sống, tạo cơ chế giá linh hoạt, phù hợp với thực tế, đủ sức đối phó với mọi biến động của tình hình.
(còn nữa)