Trường Chinh với vấn đề đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế (kỳ 8)

06:09, 25/09/2018

Trần Nhâm

(tiếp theo)

    Đã từ lâu và trong nhiều năm, chúng ta đã bán vật tư với giá thấp, dưới 50% giá trị, khiến cho giá thành tính toán bị sai lệch rất xa so với thực tế, gây thiệt hại mỗi năm hàng trăm tỷ đồng. Với chính sách giá như vậy, hàng năm chúng ta đã để tuột ra khỏi tay mình một khối lượng lớn vật tư nhập khẩu. Đưa một tỷ rúp vật tư ra, ta chỉ thu về khoảng 20 tỷ đồng. Nếu tính theo tỷ giá hối đoái 100 đồng/1 rúp thì ta đã để mất 80 tỷ đồng, nếu tỷ giá 150 đồng/1 rúp thì số mất lại càng lớn hơn, tới 130 tỷ đồng.

    Điện là một sản phẩm hàng hóa đặc biệt, chỉ có Nhà nước độc quyền kinh doanh, nhưng ta đã bán với giá thấp hơn hàng chục lần so với giá thành sản xuất; làm thiệt hại hàng năm tới gần 40 tỷ đồng. Giá cước vận tải đặt thấp, gây thiệt hại mỗi năm 4 tỷ đồng. Xăng dầu, than, sắt thép, xi măng... tình hình cũng tương tự, Nhà nước mất mỗi năm hàng trăm tỷ đồng.

    Thế mà từ cuối năm 1983 lại đây, ta mới vận động mua công trái chưa được 2 tỷ đồng. Như vậy đủ thấy mất mát của chúng ta quá lớn, không có nguồn thu nào bù đắp được.

    Tình hình đó cũng diễn ra trong khu vực sản xuất hàng công nghiệp. Đối với xí nghiệp, vì đặt giá thấp, cho nên mỗi năm phải bù lỗ ngân sách hàng mấy chục tỷ đồng, thất thu rất lớn; chênh lệch giá bị lợi dụng triệt để ở mọi khâu, tư thương mặc sức làm giàu. Phân tích hiện tượng này, Trường Chinh cho rằng: "Điều đó giải thích vì sao sản xuất lên mà Nhà nước cứ nghèo đi, đó cũng là một nguyên nhân quan trọng đẻ ra tầng lớp tư sản thương nghiệp mới".

    Có ý kiến cho rằng việc định giá vật tư thấp để cung ứng cho các xí nghiệp trong nội bộ khu vực quốc doanh không có vấn đề gì đáng nói, vì đều là của Nhà nước, chẳng qua "lấy từ túi bên này bỏ sang túi bên kia" mà thôi. Ông đã bác bỏ cách nói đó và cho rằng: sự thật không phải như vậy, qua nhiều vòng luân chuyển trong nội bộ các xí nghiệp quốc doanh, rốt cuộc toàn bộ những thiệt hại tiềm tàng sẽ bộc lộ một cách tập trung trong giá thành sản phẩm hàng hóa đem ra trao đổi trên thị trường, đến người tiêu dùng, "từ túi nọ bỏ túi kia" loanh quanh một hồi, cuối cùng sẽ rơi vung vãi trên thị trường trong đó phần lớn vào tay tư thương

    Với cách làm như vậy, ông khẳng định, chúng ta đã mất đi một khối lượng hàng và tiền không nhỏ, mà nếu có nó thì chúng ta sẽ tác động có hiệu quả vào sản xuất, đời sống để ổn định và làm chủ thị trường... Trong hoàn cảnh còn nghèo, đó là nguồn của cải rất lớn, song chúng ta đã quăng tiền qua cửa sổ. Với cách làm đó thì dù lúc đầu có nhiều đến bao nhiêu, cuối cùng rồi vẫn thiếu, đã nghèo lại càng nghèo thêm.

    Trong lĩnh vực trao đổi với nông dân, Trường Chinh cũng thấy có vấn đề không nhỏ. Việc thu mua nông sản theo hợp đồng hai chiều, ta quan tâm tới tỷ giá (như 1 xi măng = 1 lúa, hoặc 1 phân = 3 lúa...). Điều đó là đúng nhưng hoàn toàn chưa đủ. Ông cho rằng: Mức giá của các mặt hàng trao đổi cũng rất quan trọng. Mức giá do đặt thấp nên cả nông sản lẫn vật tư, hàng hóa đều bị thất thoát rất nhiều theo kiểu "hàng công nghiệp ăn từ trên ăn xuống, hàng nông sản ăn từ dưới ăn lên", làm cho Nhà nước và nông dân đều bị thiệt. Ngay cả trong trường hợp hàng đến được tay nông dân thì một phần không nhỏ cũng bị đưa ra thị trường để thu chênh lệch giá, hoặc để trao đổi lấy những mặt hàng mà nông dân cần hơn, tư thương lại được dịp làm giàu một lần nữa. Có không ít trường hợp nông dân bán xăng dầu (được phân phối qua trao đổi theo hợp đồng hai chiều) ra thị trường, còn mình thì làm ruộng bằng "con trâu đi trước cái cày theo sau". Họ tính làm như vậy lợi hơn là dùng xăng dầu để canh tác bằng máy. Do mua bán với nông dân không đúng, liên minh công nông bị tư thương xen vào ngáng trở. Và ông kết luận: rõ ràng là giá không chỉ ảnh hưởng đến lưu thông mà còn tác động tiêu cực ngay vào sản xuất, vào quan hệ giữa Nhà nước và nông dân.

    Rõ ràng, giá cả và chính sách giá cả là một cuộc đấu tranh dai dẳng từ đầu những năm 1980 cho đến năm 1986 khi tiến hành Đại hội VI, và cả về sau này nữa. Đó là cuộc đấu tranh giữa hai quan điểm: bảo thủ và đổi mới. Từ năm 1984 đến năm 1985, trong hai năm với ba Nghị quyết Trung ương sáu, bảy, tám, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương tám đều luôn nhấn mạnh và có quyết định rõ ràng, dứt khoát về vấn đề giá cả. Chẳng hạn, Nghị quyết Trung ương tám quyết định lấy giá mua thóc làm chuẩn, giá mua đó là giá thỏa thuận giữa Nhà nước và nông dân. Dù mua theo hợp đồng có trao đổi vật tư hay thanh toán hoàn toàn bằng tiền mặt, thì cuối cùng cũng phải quy thành tiền cả. Nhưng cho đến năm 1986 (sau Nghị quyết Trung ương chín và các Nghị quyết 28, 31 và dự thảo Nghị quyết 306 của Bộ Chính trị) lại có ý kiến đặt ra vấn đề, cho rằng sai lầm là ở chỗ định giá mua thóc theo giá thị trường tự do và khẳng định rằng đó là sai lầm của bản thân Nghị quyết Trung ương tám, là sai lầm chạy theo cơ chế thị trường.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com