Trường Chinh với vấn đề đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế (kỳ 4)

06:09, 11/09/2018

Trần Nhâm

(tiếp theo)

    Tình hình đó cho phép khẳng định tính chất đúng đắn của Nghị quyết Trung ương tám là dứt khoát bãi bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển hẳn sang hạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa trên phạm vi cả nước.

    Song, điều đáng tiếc là trong chỉ đạo thực hiện, chúng ta đã phạm một loạt sai lầm, khuyết điểm chính. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Trung ương lần thứ chín, từ ngày 9 đến 16-12-1985, Trường Chinh đã phân tích và chỉ rõ các sai lầm, khuyết điểm đó mà ở phần sau chúng tôi sẽ nói đến.

    Như vậy, cuộc đấu tranh để xóa bỏ dứt khoát mô hình kinh tế hiện vật và cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển hẳn sang mô hình kinh tế mới, cơ chế quản lý mới không phải là một quá trình giản đơn, một sớm một chiều mà có thể giải quyết được. Đó là một quá trình đấu tranh, giằng co với những quan điểm, cách nghĩ, cách làm cũ kỹ lỗi thời, bảo thủ, trì trệ với những quan điểm đổi mới và cách nghĩ, cách làm đúng đắn, sáng tạo.

    Trong một thời điểm bước ngoặt, tất yếu sẽ xuất hiện các nhân vật lịch sử có chí lớn, có trí tuệ hơn người để giải quyết các vấn đề trọng đại mà cuộc sống đặt ra. Trường Chinh chính là con người như thế. Trong quá trình đổi mới tư duy, ông bắt đầu từ đổi mới tư duy kinh tế mà không bắt đầu từ đổi mới tư duy chính trị. Thực tiễn Việt Nam lúc này đòi hỏi ông và các đồng chí của mình phải làm như vậy. Nền kinh tế nước ta đang lâm vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng, đời sống của nhân dân, của cán bộ, công nhân và các lực lượng vũ trang đang trên đà xuống cấp nghiêm trọng. Tình thế buộc phải đổi mới, nhưng đổi mới như thế nào, bắt đầu từ đâu, là bài toán buộc Trường Chinh và Bộ Chính trị Đảng ta phải có câu trả lời đúng đắn. Chính trong lúc này, Đảng đã có cách lựa chọn chính xác bắt đầu từ đổi mới tư duy kinh tế mà Trường Chinh là người lính xung kích đi đầu trong quá trình đổi mới này.

    Ngay từ đầu, ông đã xác định từng bước mục tiêu chiến lược của đổi mới tư duy kinh tế là phải xóa bỏ mô hình, cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp để chuyển hẳn sang mô hình kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước (mặc dù lúc này khái niệm mô hình kinh tế thị trường chưa được làm sáng tỏ, nhưng tư tưởng cơ bản của ông là như vậy). Kể từ năm 1982 đến năm 1986 khi tiến hành Đại hội VI, phải mất ba, bốn năm với nhiều kỳ Hội nghị Trung ương, với nhiều bài phát biểu thẳng thắn, đầy sức thuyết phục theo tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, ông kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng để từng bước cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương khóa V xác lập nên mô hình mới, cơ chế mới, đặt nền tảng lý luận cho đường lối đổi mới toàn diện của Đảng ta tại Đại hội toàn quốc lần thứ VI.

    Có những lúc cái mới chưa kịp hình thành thì cái cũ vẫn tiếp tục bám giữ không chịu buông ra. Điều đó thể hiện rất rõ trong việc chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương tám - một sự chỉ đạo nửa vời, không đồng bộ, muốn quay về cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, thể hiện qua các chính sách, chế độ, thể lệ quản lý và hệ thống tổ chức bộ máy, vẫn giữ nguyên như cũ, không chịu đổi mới. Trường Chinh thấy rõ tính chất phức tạp, khó khăn của quá trình đổi mới. Ông cho rằng: Đây là cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, cái tiến bộ và cái lạc hậu. Cái khó nhất là ở chỗ: đây là cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng, và cơ quan nhà nước, đấu tranh giữa những người đồng chí, đấu tranh với chính bản thân mình. Những lời lẽ ấy xuất phát tự đáy lòng ông và được thể nghiệm qua chính bản thân ông. Và ông nhấn mạnh: đó là "cuộc đấu tranh với tư tưởng bảo thủ, muốn quay trở lại cơ chế cũ đã quen thuộc, đồng thời phải ngăn ngừa và khắc phục khuynh hướng nôn nóng, giản đơn, muốn đổi mới xong xuôi trong một thời gian ngắn. Ông cho rằng cả hai khuynh hướng này đều đang tồn tại ở các ngành, các cấp, đặc biệt là trong giai đoạn "giao thời" hiện nay, khi cái cũ chưa bị xóa bỏ, cái mới chưa hình thành rõ nét.

    Đó là ông muốn nói đến bài học thấm thía trong chỉ đạo, điều hành thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ tám. Bài học đau đớn ấy đã để lại cho Trường Chinh những kinh nghiệm quý báu để tiến hành cuộc đấu tranh vì sự nghiệp đổi mới. Ông nhận thức sâu sắc rằng, chống tập trung quan liêu, bao cấp là cuộc đấu tranh vô cùng gian khổ giữa tính năng động của yêu cầu đổi mới với tư tưởng bảo thủ, sức ỳ của những thói quen, giữa yêu cầu thiết lập quyền làm chủ thật sự của nhân dân với chủ nghĩa cá nhân trong một số người nhân danh bảo vệ chủ nghĩa xã hội để cố bám giữ đặc quyền, đặc lợi.

    Và ông chỉ rõ: Nhiệm vụ cấp bách hiện nay của chúng ta là phải từ những kinh nghiệm thành công và không thành công vừa qua mà tìm ra biện pháp thiết thực, có hiệu quả để khắc phục khó khăn, sửa chữa khuyết điểm, sai lầm theo hướng kiên trì tiếp tục đổi mới với những bước đi đồng bộ, tích cực, vững chắc và ngày càng mở rộng hơn, quyết không thể trở lại con đường cũ. Ông đặc biệt nhấn mạnh: Trở lại tập trung quan liêu, bao cấp là trở về cái ngõ cụt mà từ nhiều năm nay chúng ta đã loay hoay trong đó không có lối ra. Xóa bỏ tập trung quan liêu, bao cấp, thực hiện hạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa chính là lối ra đúng đắn, không có con đường nào khác.

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com